Định vị thị trường
Kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ sớm kết thúc việc tăng lãi suất đang được củng cố sau khi các số liệu kinh tế mới được công bố. Số lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu được ghi nhận là 239.000 trong tuần kết thúc vào ngày 8/4, cao hơn một chút so với giá trị và kỳ vọng trước đó, cho thấy thị trường lao động đã nới lỏng.
Trong khi đó, số liệu chỉ số sản xuất (PPI) tháng 3/2023 giảm 0,5%, đây là mức giảm nhiều nhất kể từ năm 2020. Nhờ vậy, cả 3 chỉ số chứng khoán Mỹ đêm qua đã đồng loạt tăng hơn 1% với sự dẫn dắt của NASDAQ (+1,98%).
Khu vực châu Á tăng điểm đồng đều hơn trong đó NIKKEI 225 (+1,25%) tiếp tục là chỉ số nổi bật nhất. Tuy nhiên, VN-Index lại có một phiên đi ngược khu vực do chịu áp lực chốt lời tồn đọng từ các phiên trước.
Chất xúc tác
Tiền ngoại tiếp tục rút khỏi thị trường với gần 200 tỷ đồng bị rút ròng trong phiên hôm nay. Tổng cộng, đã có 7 phiên khối ngoại rút tiền. Giá trị mua ròng lũy kế kể từ đầu năm tiếp tục bị thu hẹp xuống còn dưới 4.500 tỷ đồng.
Trong khi đó, tiền nội kém ổn định khi các diễn biến chốt lời chưa thể chấm dứt. Theo công bố mới nhất của Ngân hàng nhà nước, quá trình giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2% không được như mong muốn, bởi nhiều nguyên nhân như: do quy định chưa sát, điều kiện thực tiễn đã thay đổi… Thông tin này ít nhiều sẽ khuyến khích dòng tiền đẩy nhanh quá trình chốt lời đang diễn ra.
Vận động nhóm ngành
Các cổ phiếu Bất động sản đã phản ứng ngay lập tức với thông tin kém tích cực kể trên. Các cổ phiếu DIG (-6,9%), NLG (-6,92%), SCR (-6,91%), DXG (-6,93%), HDC, NTL đồng loạt giảm sàn. Ở nhóm Khu Công nghiệp, các mã GVR (-4,08%), VGC (-4,16%), KBC (-6,9%), SZC (-6,5%), D2D (-4,8%) cũng chịu liên đới trong đó KBC giảm sàn.
Các phản ứng này thực tế chỉ mang tính chất tâm lý bởi quá trình các chính sách kinh tế đi vào thực tiễn luôn cần độ trễ. Một số cổ phiếu trong 3 tuần vừa qua đã tăng nhanh hơn kỳ vọng nên việc điều chỉnh mạnh cũng là hệ quả. Theo các chuyên gia chứng khoán, nhóm Bất động sản thực tế vẫn chưa đi qua giai đoạn khó khăn khi các đợt đáo hạn trái phiếu vẫn còn ở phía trước.
Các cổ phiếu Midcap và Penny phiên hôm nay cũng đều tỏ ra nhạy cảm: VNMID giảm 1,47% còn VNSML giảm 1,57%. Các mã Chứng khoán như VND (-2,3%), VCI (-2,84%), HCM (-1,75%) đều điều chỉnh nhanh. Nhóm Bán lẻ là FRT (-2,55%), PET (-3,3%), MWG (-2,6%). Nhóm Năng lượng là PC1 (-3,3%), NT2 (-3,2%), HDG (-2,9%). Còn nhóm Đầu tư công là CII (-3,2%), HHV (-2,3%), VCG (-2%), FCN (-1,7%)…
VN30 dù giảm ít hơn nhưng vẫn là "tội đồ" khi có động thái giảm sâu cuối phiên chiều. Đặc biệt là các cổ phiếu Ngân hàng TCB (-4,3%), STB (-2,8%), VIB (-1,7%), BID (-1,1%), CTG (-1%) đều gia tăng sức ép lên thị trường. Nhà đầu tư vốn đang cần các điểm tựa từ nhóm Bluechips đã buộc phải hành động để bảo vệ danh mục tài sản.
VN-Index chốt phiên đi ngược với xu hướng chung, giảm 11,41 điểm xuống 1.052,89 điểm (-1,07%). Thanh khoản sàn đạt 13.325 tỷ đồng, tương đương 786,52 triệu đơn vị.
HNX-Index và UPCoM-Index cũng kết phiên trong sắc đỏ, giảm lần lượt 1,23% và 0,83%. Tổng giá trị giao dịch 2 sàn đạt chưa đến 2.000 tỷ đồng.