Vinaconex nói gì về tham vọng đạt doanh thu lớn nhất ngành xây dựng?

Với tổng giá trị các gói thầu đã ký tính đến hết quý 1/2023 đạt khoảng 8.000 tỷ đồng, cộng thêm hoạt động tài chính ổn định và sẽ mở bán một số dự án bất động sản trong năm nay, lãnh đạo Vinaconex tự tin với kế hoạch doanh thu vượt 16.000 tỷ đồng trong năm nay.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Ban lãnh đạo Vinaconex trả lời cổ đông tại ĐHĐCĐ thường niên 2023 sáng 14/4.
Ban lãnh đạo Vinaconex trả lời cổ đông tại ĐHĐCĐ thường niên 2023 sáng 14/4.

Kế hoạch doanh thu và lợi nhuận lớn nhất ngành xây dựng

Đến hiện tại, Tổng Công ty Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) là “ông lớn” xây dựng đầu tiên tổ chức đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên và thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2023.

Theo đó, tại ĐHĐCĐ thường niên 2023 diễn ra sáng 14/4, các cổ đông của Vinaconex đã thông qua kế hoạch doanh thu hợp nhất năm 2023 đạt 16.340 tỷ đồng, tăng 70% so với thực hiện năm 2022. Tuy nhiên, doanh nghiệp lại thận trọng trong đặt kế hoạch lợi nhuận năm nay với lợi nhuận sau thuế hợp nhất dự kiến bằng 92% thực hiện năm 2022, tức đạt 860 tỷ đồng. Dù vậy, đây vẫn là mục tiêu lợi nhuận cao hơn rất nhiều các doanh nghiệp cùng ngành.

Về kế hoạch của công ty mẹ, Vinaconex kỳ vọng tổng doanh thu công ty mẹ đạt 10.270 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ là 345 tỷ, tăng lần lượt 25% và 22% so với năm 2022.

Mục tiêu đạt tổng doanh thu lên tới 16.340 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 860 tỷ đồng có thể xem là kế hoạch doanh thu và lợi nhuận lớn nhất trong số các doanh nghiệp ngành xây dựng năm 2023. Và nếu chỉ tiêu doanh thu này thực hiện được thì đây cũng sẽ là mức doanh thu kỷ lục trong lịch sử hoạt động của Vinaconex.

Nhận định về năm 2023, ban lãnh đạo Vinaconex cho biết, năm 2023 lĩnh vực xây dựng được dự báo sẽ có sự phân hoá mạnh giữa các nhóm doanh nghiệp, trọng điểm phát triển được kỳ vọng ở nhóm xây dựng hạ tầng và công nghiệp, trong đó các dự án đầu tư công vẫn mang tính dẫn dắt.

Trong khi đó, thị trường bất động sản sẽ tiếp tục khó khăn về nguồn cung bởi những ảnh hưởng về nguồn vốn, pháp lý, siết chặt tín dụng, thanh khoản thị trường được dự báo ở mức trung bình – thấp. Những kỳ vọng về sự ổn định kinh tế vĩ mô trong nước và việc giải quyết những nút thắt về pháp lý, thủ tục, trái phiếu bất động sản... sẽ tạo động lực phát triển mới cho các doanh nghiệp ngành xây dựng.

Theo ban lãnh đạo Vinaconex, năm nay, đối với hoạt động xây dựng, công ty sẽ cố gắng gia tăng thị phần trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng, công nghiệp, nhất là các dự án có vốn đầu tư công,...

Lý giải về việc đặt ra mức doanh thu tăng mạnh trong năm 2023, tại ĐHĐCĐ, ông Đào Ngọc Thanh, Chủ tịch HĐQT Vinaconex cho biết, hết quý 1 tổng các gói thầu mà doanh nghiệp đã ký đạt khoảng 8.000 tỷ, hy vọng trong năm sẽ trúng thầu thêm các gói thầu mới. Bên cạnh đó, còn có doanh thu từ kinh doanh các dự án bất động sản, kinh doanh các khu công nghiệp. Cho nên, mục tiêu doanh thu hơn 16.000 tỷ đồng có đầy đủ cơ sở để làm được.

Còn về lợi nhuận sau thuế có sụt giảm so với năm trước, ông Thanh cho rằng, lợi nhuận của doanh nghiệp phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Tuy nhiên, hiện nay chủ yếu trên ba trụ cột là đầu tư công, kinh doanh bất động sản và đầu tư tài chính khác. Hoạt động đầu tư tài chính của công ty hiện tương đối ổn định.

Về đầu tư bất động sản, theo ông Thanh, tuy tổng giá trị đầu tư bất động sản lớn song giá trị của riêng năm 2023 không lớn, năm nay doanh nghiệp sẽ cố gắng hoàn thành bán hàng và bàn giao các căn hộ tại các dự án Green Diamond số 93 Láng Hạ; dự án khu dân cư đô thị tại Km3, Km4 phường Hải Yên, TP Móng Cái, Quảng Ninh; triển khai bán hàng tại dự án Khu đô thị Đại lộ Hoà Bình (Móng Cái), Khu đô thị mới Cái Giá Cát Bà Amatina….

Chủ tịch HĐQT Vinaconex cho biết thêm, hiện doanh nghiệp đang tiếp tục triển khai nhiều dự án đô thị nhưng việc ghi nhận doanh thu, lợi nhuận như thế nào còn phụ thuộc vào từng dự án. Khi thị trường bất động sản đang gặp khó như hiện nay, doanh nghiệp phải tính toán cẩn thận. Đầu tư phải mang lại hiệu quả chứ không phải cứ đầu tư nhiều nhưng hiệu quả thấp.

Tương tự, về giá trị đầu tư công của doanh nghiệp tuy lớn nhưng lợi nhuận không cao. "Vinaconex làm để xứng đáng là một trong những doanh nghiệp trụ cột trong lĩnh vực đầu tư công. Thực tế, lợi nhuận của đầu tư công không lớn, ví dụ làm 10.000 tỷ đồng thì lợi nhuận chỉ 2-3%, đặc biệt là trong bối cảnh đầu tư công gặp nhiều khó khăn về nguyên vật liệu, giá nhân công tăng, đất đắp nền cũng gặp khó,…", ông Thanh cho biết.

Về băn khoăn của cổ đông là doanh nghiệp có dự định làm nhà thu nhập thấp hay không? Chủ tịch HĐQT Vinaconex cho biết, doanh nghiệp rất có mong muốn. Tuy nhiên, hiện nay để có được khu đất nhà thu nhập thấp rất khó. Vinaconex đang làm việc với Hà Nội cùng các địa phương khác để có thể có đất làm nhà ở thu nhập thấp.

Doanh nghiệp xây dựng kỳ vọng kết quả kinh doanh 2023 khởi sắc trở lại

Nhìn lại năm 2022, Vinaconex là một trong những công ty trong nhóm xây dựng hạ tầng có lợi nhuận sau thuế tăng trưởng vượt bậc, chủ yếu nhờ triển khai thi công xây dựng một số gói thầu tại các dự án trọng điểm trong lĩnh vực hạ tầng giao thông, xây dựng dân dụng, xây dựng công nghiệp có nguồn vốn từ ngân sách, vốn FDI.

Năm 2022, mảng xây lắp đóng góp 70% cơ cấu doanh thu của Vinaconex, đạt 5.992 tỷ đồng (tăng 70% so với cùng kỳ), tiếp đó là sản xuất công nghiệp (giảm 11%), kinh doanh bất động sản (tăng 11 lần) và cuối cùng là mảng giáo dục (giảm 12%).

Với kết quả đạt được trong năm ngoái, Vinaconex đã thông qua kế hoạch chia cổ tức với tỷ lệ 10% bằng cổ phiếu cho năm 2022, tương ứng với việc công ty sẽ phát hành hơn 48,5 triệu cổ phiếu để trả cổ tức. Sau phát hành, vốn điều lệ của công ty sẽ tăng lên hơn 5.344 tỷ đồng. Thời gian dự kiến phát hành trong năm 2023 và sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận. Năm 2023, công ty dự kiến sẽ tiếp tục duy trì chia cổ tức tỷ lệ 10%.

Ngược lại với mức lãi gần nghìn tỷ đồng của Vinaconex trong năm 2022, kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp xây dựng lớn năm qua lại không mấy khởi sắc.

Theo đó, hầu hết các "ông lớn" xây dựng chỉ ghi nhận mức lãi sau thuế vỏn vẹn vài chục tỷ đồng như CTCP Xây dựng Coteccons (21 tỷ đồng), CTCP Đầu tư xây dựng Ricons (91 tỷ đồng), CTCP Fecon (51 tỷ đồng), CTCP Hưng Thịnh Incons (88 tỷ đồng). Thậm chí, CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình còn ghi nhận mức lỗ sau thuế lên tới 1.141 tỷ đồng.

Bước qua khó khăn của năm 2022, sang năm 2023, một số tín hiệu tháo gỡ khó khăn cho ngành xây dựng dần xuất hiện khi giá vật liệu xây dựng đang dần ổn định trở lại có thể giúp cải thiện biên lợi nhuận của các doanh nghiệp trong ngành.

Thêm vào đó, tín hiệu từ đẩy mạnh đầu tư công cũng như câu chuyện về giải ngân gói tín dụng hỗ trợ nhà ở xã hội 120.000 tỷ đồng cũng được kỳ vọng sẽ gián tiếp giúp hoạt động của các nhà thầu khởi sắc hơn năm 2022.

Trong bối cảnh đó, đa phần các doanh nghiệp đầu ngành xây dựng đều đặt kỳ vọng khả quan hơn cho kế hoạch kinh doanh năm 2023 với lợi nhuận quay về mức ba chữ số.

Theo đó, tại ĐHĐCĐ thường niên 2023 diễn ra vào ngày 25/4 tới đây, Coteccons dự kiến trình cổ đông kế hoạch kinh doanh năm 2023 với doanh thu hợp nhất tăng 12% so với năm 2022, lên mức 16.249 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế dự kiến 233 tỷ đồng, cao gấp 11 lần so với mức nền thấp của năm 2022.

Fecon cũng dự kiến trình ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 sắp tới, kế hoạch kinh doanh năm 2023 với doanh thu 3.800 tỷ đồng và lãi ròng 110 tỷ đồng, lần lượt tăng 25% và gấp 2,75 lần kết quả thực hiện năm ngoái.

Xây dựng Hòa Bình dù hoãn tổ chức ĐHĐCĐ đến cuối tháng 6 và chưa công bố tài liệu ĐHĐCĐ thường niên 2023 nhưng trong nghị quyết về kế hoạch kinh doanh năm 2023 dự kiến trình tại ĐHĐCĐ thường niên công bố cuối tháng 2, công ty dự kiến doanh thu năm 2023 sẽ giảm 11,5% so với năm 2022, đạt 12.500 tỷ đồng và kỳ vọng sẽ có lãi trở lại trong năm 2023 với mục tiêu đạt lợi nhuận sau thuế 125 tỷ đồng.

Tương tự, CTCP Đầu tư xây dựng Newtecons sau khi ghi nhận doanh thu vượt mốc 11.000 tỷ đồng năm 2022, ban điều hành công ty đặt mục tiêu tiếp tục tăng trưởng hai chữ số trong năm 2023. Trong điều kiện thị trường có những chuyển biến tích cực, Newtecons vẫn hướng đến mục tiêu tăng trưởng hơn 10% so với năm trước.

Theo Lao động Công đoàn

Đọc tiếp

Trên thực tế nhà ở riêng lẻ và chung cư trong khu vực trung tâm đều không còn nguồn hàng. (Ảnh: MarketTimes).

Bất động sản riêng lẻ và đất nền có thật sự tồn kho?

Bộ Xây dựng công bố lượng tồn kho tại các dự án trong quý I năm nay chủ yếu ở phân khúc bất động sản nhà ở riêng lẻ và đất nền. Tuy nhiên, một số đơn vị nghiên cứu cho rằng đất nền và nhà ở riêng lẻ đã trở lại sôi động hơn so với quý 4/2023.

Để giá chung cư ổn định, cần có sự phối hợp giữa cơ quan nhà nước và các chủ thể tham gia trên thị trường.

Chuyên gia hiến kế hạ giá nhà chung cư

Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, giá chung cư Hà Nội sẽ có điểm điều chỉnh nhưng không nhiều. Để giá chung cư ổn định, cần có sự phối hợp giữa cơ quan Nhà nước và các chủ thể tham gia trên thị trường.

Nhịp cầu doanh nghiệp

Hà Nội giảm 61 xã, phường sau sắp xếp lại

Hà Nội giảm 61 xã, phường sau sắp xếp lại

Sáng 25/4, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã chủ trì phiên họp trực tuyến UBND Thành phố tháng 4/2024 để xem xét một số nội dung theo chương trình công tác năm 2024 và chỉ đạo của lãnh đạo UBND Thành phố.

Đất phân lô lại "nóng"

Đất phân lô lại "nóng"

Nhiều khu đất phân lô bán nền có giao dịch đột biến trong 3 tháng đầu năm 2024, tuy vậy diễn biến giao dịch giữa các khu vực không đồng đều.

Chat với BizLIVE