TCBS: Khi trâu chậm không uống nước đục
Công ty Chứng khoán Kỹ Thương (Techcom Securities - TCBS) ra đời muộn hơn so với nhiều tên tuổi trong ngành, nhưng đang vượt mặt các đối thủ về nhiều tiêu chí kinh doanh.
Đồng hành
cùng nhà băng
Thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời sơ khai giai đoạn những năm 2000 chỉ có sự góp mặt của 6 công ty chứng khoán (CTCK) là BVSC, BSC, VCBS, CTS, TLS (tiền thân của MBS) và SSI thay vì số lượng hơn 80 doanh nghiệp như thời điểm hiện tại.
Tuy nhiên, nhiều công ty chứng khoán thuộc nhóm "sinh sau đẻ muộn" song đã vươn lên top đầu. Trong đó, TCBS là một trường hợp điển hình, nhờ sự đồng hành của một ngân hàng tư nhân hàng đầu, cùng hệ sinh thái tập đoàn Masan.
Năm 2008, TCBS mới chính thức được Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (TCB) thành lập với quy mô vốn điều lệ ban đầu là 300 tỷ đồng.
Cho đến nay, ngân hàng tư nhân có vốn hóa lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn là cổ đông chi phối với tỷ lệ sở hữu 94,07%.
Thông qua mạng lưới chi nhánh Ngân hàng Techcombank, Công ty đã khai phá lối đi riêng trong mảng trái phiếu và tới cuối năm 2014 đã đứng đầu về thị phần tư vấn phát hành trái phiếu. Từ năm 2017 đến nay, TCBS liên tục dẫn đầu thị trường tư vấn phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Tuy nhiên, mảng trái phiếu chỉ là một mảnh ghép trong chiến lược mở rộng sang quản lý gia sản. Từ năm 2015, Chứng khoán TCBS dần tăng tốc mảng cổ phiếu. Và đặc biệt TCBS là CTCK nội địa tiên phong ứng dụng công nghệ Fintech vào hoạt động kinh doanh khi xuất hiện làn sóng dòng vốn Hàn Quốc đổ bộ vào các CTCK Việt Nam.

Cùng với đó là cam kết mạnh mẽ từ ngân hàng mẹ với các đợt tăng vốn. Trong năm 2023, TCBS phát hành hơn 10.000 tỷ đồng cổ phiếu riêng lẻ cho Ngân hàng Techcombank, đưa quy mô vốn chủ sở hữu đạt trên 22.000 tỷ đồng.
Đầu năm 2025, Công ty đang triển khai phát hành riêng lẻ 118,83 triệu cổ phiếu cho 25 nhà đầu tư chuyên nghiệp với đối tượng là lãnh đạo cấp cao, thành viên Ban Tổng Giám đốc, Giám đốc các mảng và các chức danh trọng yếu, cùng với các tổ chức và cá nhân là đối tác quan trọng...

Với đợt phát hành mới, vốn điều lệ của công ty sẽ được nâng từ 19.613 tỷ đồng lên 20.801,58 tỷ đồng và thách thức ông lớn ngành Chứng khoán - SSI.
Hình bóng "nhạc trưởng"
Sau khi xây dựng được tiềm lực tài chính hùng hậu, Công ty đã nhanh chóng tham gia cuộc đua ngành chứng khoán khi triển khai chính sách zero-fee từ năm 2023 để thu hút nhà đầu tư cá nhân.

Số lượng tài khoản của TCBS đã liên tục gia tăng qua các năm. Cho tới cuối năm 2024, Công ty đã vượt cột mốc 1 triệu tài khoản dù vẫn còn cách xa tham vọng 5 triệu tài khoản vào năm 2025.

Điều này cũng thể hiện rõ trong kết quả thị phần môi giới. Tính riêng số liệu từ HOSE, thị phần của TCBS đã được mở rộng liên tục kể từ năm 2023 và đã vươn lên vị trí Top 3 thị phần trong 5 quý gần nhất.
Và giống như nhiều đối thủ, trọng tâm của chiến lược kinh doanh zero-fee hướng đến nguồn thu từ cho vay margin. Nhưng TCBS đang liên tục là công ty thu được nhiều lãi nhất từ hoạt động cho vay. Trong cả năm 2024, TCBS đã thu được hơn 2.600 tỷ đồng từ lãi cho vay.

Tương ứng là quy mô cho vay lớn nhất ngành chứng khoán đạt trên 1 tỷ USD sau 8 quý liên tiếp mở rộng dư nợ.
Trong khi đó, mảng trái phiếu cũng dần khởi sắc sau giai đoạn thị trường tài chính bất ổn năm 2022. Trong cả năm 2024, tổng khối lượng tư vấn phát hành của TCBS đạt gần 75 nghìn tỷ đồng, giữ vị trí số 1 về thị phần tư vấn phát hành trái phiếu doanh nghiệp đạt 46% (ngoại trừ trái phiếu ngân hàng).
Lũy kế cả năm 2024, mảng ngân hàng đầu tư đem về thu nhập 1.341 tỷ đồng, tăng trưởng 31% so với năm 2023.
Hoạt động phân phối trái phiếu cá nhân khởi sắc với hơn 67 nghìn tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp, trong khi kênh doanh nghiệp đạt doanh số hơn 23 nghìn tỷ đồng. Thu nhập thuần từ kinh doanh nguồn vốn và phân phối trái phiếu cả năm 2024 ghi nhận 2.789 tỷ đồng, tăng 1,5 lần so với năm 2023.

Khép lại năm 2024, Công ty tiếp tục là CTCK có lãi lớn nhất ngành, lợi nhuận trước thuế đạt hơn 4.802 tỷ đồng, tăng 59% so với năm 2023, vượt 30% kế hoạch lợi nhuận cả năm. Qua đó, chỉ tiêu lợi nhuận đang dần tiệm cận mục tiêu chiến lược.
Ban lãnh đạo TCBS đã đưa tầm nhìn có 5 triệu khách hàng, lợi nhuận ở mức 5.000 tỷ đồng và vốn hoá đạt 5 tỷ USD vào năm 2025.
Để chinh phục các chỉ tiêu về khách hàng và vốn hóa, công ty vẫn cần thêm thời gian, nhất là trong bối cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam chờ nâng hạng.
Sau nhiều động thái tháo gỡ của cơ quan quản lý, giới chuyên gia dự báo tổ chức FTSE Russell sẽ công bố thông tin nâng hạng cho thị trường chứng khoán Việt Nam vào kỳ đánh giá tháng 9/2025.
Bên cạnh đó, TCBS cũng cần sớm đẩy nhanh quá trình IPO giúp thị trường có thêm hàng hóa. Tại sự kiện Investor Day 2025 do Dragon Capital tổ chức, ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc đầu tư Dragon Capital cho biết, làn sóng IPO tiếp theo có tới 47,5 tỷ USD có thể "đổ bộ" vào thị trường chứng khoán Việt Nam trong 3 năm tới.
Chứng khoán TCBS cùng với VPS là tâm điểm trong sóng IPO mảng dịch vụ tài chính, với quy mô niêm yết được dự báo đạt 5 tỷ USD.