Định vị thị trường
Chứng khoán châu Á phân hóa và giao dịch trong biên độ hẹp trong phiên cuối tuần. Một số chỉ số giảm điểm do nhà đầu tư chờ số liệu việc làm của Mỹ trong khi đó các chỉ số của Trung Quốc tăng điểm nhờ các cam kết về gói kích thích kinh tế của chính phủ nước này.
VN-Index là trường hợp ngoại lệ khi có thể bật lên mạnh mẽ với biên độ hơn 1%. Chỉ số có tuần tăng thứ 5 liên tiếp, đồng thời là lần đầu tiên ghi nhận chuỗi tăng dài nhất kể từ tháng 8/2022.
Chất xúc tác
Đóng góp của khối ngoại tiếp tục ở mức thấp với 2 chiều mua/bán chỉ chiếm 5,75% tổng giá trị giao dịch của thị trường chung. Nếu dòng tiền nội có xáo trộn về tâm lý, thanh khoản của thị trường cũng phải chấp nhận sự trồi sụt.
Biến số tỷ giá có thể đang có những ảnh hưởng tâm lý nhất định tới nhà đầu tư nội khi tỷ giá các phiên gần đây đang tăng nhẹ trở lại. Theo ghi nhận, đã có 3 phiên liên tiếp tỷ giá trung tâm được điều chỉnh tăng mạnh với mức tăng tổng cộng qua 3 phiên là 68 đồng, tương đương 0,29%.
Ngoài ra, phiên hôm nay cũng là phiên 4 ETF đang sử dụng chỉ số VN30 làm tham chiếu bao gồm VFM VN30, SSIAM VN30, Mirae Asset VN30, và KIM VN30 phải hoàn tất việc cơ cấu theo danh mục mới. Tổng tài sản ước tính của 4 quỹ EFS là 9.200 tỷ đồng.
Giá trị giao dịch của HOSE sau khi sụt dưới 20.000 tỷ đồng vào phiên 2/8 đã được kéo trở lại. Giá trị giao dịch của sàn đạt hơn 23.000 tỷ đồng, tăng hơn 7% so với phiên trước.
Vận động nhóm ngành
Cổ phiếu VIC sau 2 phiên điều chỉnh nhẹ, nhường lại ảnh hưởng cho BID và một số mã như SAB, MWG đã có phiên trở lại đầy mạnh mẽ.
Từ khoảng 10h sáng nay, VIC đã vươn lên giá trần và giữ nguyên thành quả này tới hết phiên giao dịch. Tổng giá trị của VIC đạt hơn 1.300 tỷ đồng, chỉ đứng sau một cổ phiếu Bất động sản khác là NVL (1.559 tỷ đồng).
Như vậy, trong 5 phiên giao dịch, VIC đã có tới 3 phiên tăng trần và tính chung cả tuần, VIC đã tăng 20,78%. Được biết, Vingroup vừa thông báo sẽ phát hành 5 lô trái phiếu ra công chúng với tổng trị giá 10.000 tỷ đồng để cho VinFast vay đầu tư dự án sản xuất ô tô tại Hải Phòng.
Ảnh hưởng của VIC là rất rõ ràng trong VN30 nhưng về hoạt động cơ cấu ETFs theo chỉ số này, các mã NVL, PDR, SHB, SSB mới là tâm điểm của sự chú ý.
Bất chấp bị loại ra khỏi rổ VN30, NVL (+6,7%), PDR (+4,9%) vẫn tăng giá mạnh trong khi đó SHB (+5,14%) và SSB (-4,13%) lại vận động trái chiều nhau.
Hiệu ứng của VIC, PDR, NVL cũng kích hoạt các mã cổ phiếu Bất động sản như DIG (+5,08%), TCH (+6,54%), DXG (+3,74%), NLG (+4,17%), HPX (+6,81%), HTN (+6,93%), HHS (+6,87%) có kết quả giao dịch vượt trội.
Ngoài ra, nhóm Chứng khoán cũng tăng khá ấn tượng với ORS (+4,9%), VCI (+4,3%), VND (+4%), SSI (+2,5%), HCM (+2%), FTS (+2,6%).
Còn lại phần lớn các mã khác chỉ tăng dưới 2%. Theo thống kê, độ rộng của HOSE khi khép phiên đạt 65,5% mã tăng. Chỉ số tăng 15,03 điểm lên 1.225,98 điểm (+1,24%). Giá trị giao dịch đạt 23.094 tỷ đồng.
Trên HNX và UPCoM, các cổ phiếu Chứng khoán, Bất động sản, Đầu tư công, Dầu khí đã có những kết quả giao dịch khả quan hơn ở CEO (+3,1%), PVS (+3,1%), HUT (+4,2%), C4G (+8,3%). Nhờ đó, 2 sàn đã không lặp lại kịch bản đi ngược chiều nhau. HNX-Index tăng 1,1% còn UPCoM-Index tăng 0,75%. Tổng giá trị giao dịch 2 sàn đạt hơn 3.200 tỷ đồng.