Theo đó, lãnh đạo Vụ Quản lý Ngoại hối - Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, năm 2023, lượng kiều hối cả nước đạt 16 tỷ USD, tăng 32% so với năm 2022.
Từ năm 1993 (năm đầu tiên thống kê kiều hối) đến năm 2022, lượng kiều hối gửi về nước đạt trên 190 tỷ USD, gần bằng nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã giải ngân trong cùng kỳ. Như vậy, kiều hối về Việt Nam mỗi năm trên 10 tỷ USD.
Trong 10 năm lại đây, lượng kiều hối đổ về được nhiều chuyên gia kinh tế nhận định là điểm sáng của Việt Nam. Dù chịu ảnh hưởng chung của nền kinh tế toàn cầu, dòng kiều hối về Việt Nam có năm cũng bị sụt giảm theo xu hướng chung của các nước, nhưng vẫn duy trì vị trí trong top 10 quốc gia có lượng kiều hối lớn nhất thế giới và trong top 3 quốc gia nhận kiều hối nhiều nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Trong tổng lượng kiều hối chuyển về Việt Nam hằng năm, Mỹ là quốc gia dẫn đầu do có số lượng người Việt nhập cư và sinh sống nhiều nhất; tiếp đó là Anh, Úc, Canada.
Còn về xuất khẩu lao động, lượng kiều hối chủ yếu đến từ các thị trường xuất khẩu lao động chính như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)…
Trước đó, một lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cũng đã cho biết, lượng kiều hối về thành phố này trong năm 2023 duy trì tốc độ tăng trưởng tốt, ước đạt gần 9,5 tỷ USD. Đây là mức tăng trưởng cao nhất trong 10 năm trở lại đây và tiếp tục duy trì tỷ trọng cao so với tổng lượng kiều hối của cả nước ở mức trên 50%. Lượng kiều hối này gấp 2,7 lần và bằng khoảng 14% GRDP của TP. Hồ Chí Minh.
Năm 2023, theo báo cáo về Di trú và Phát triển do Ngân hàng Thế giới và Tổ chức Hợp tác quốc tế về người di cư thực hiện cho biết, Việt Nam tiếp tục là một trong 10 quốc gia nhận kiều hối lớn nhất trên thế giới.
Lý giải nguyên nhân kiều hối tăng mạnh, các chuyên gia cho rằng trong năm 2024, các nước trên thế giới đều đã tháo gỡ các biện pháp về xuất nhập cảnh. Điều này giúp số lượng người Việt Nam đi xuất khẩu lao động tăng lên, đồng nghĩa với lượng kiều hối tăng cao hơn so với năm 2023.