Có rất nhiều vướng mắc và bất cập xảy ra đối với thị trường bất động sản liên quan đến các bộ luật, đó là nhận định của ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM trong toạ đàm diễn ra mới đây.
Ông Châu cho hay, từ năm 2015 cho tới nay, thực hiện Luật Nhà ở 2014, chúng ta hầu như không bố trí được nguồn vốn cho người mua nhà ở xã hội nên thấy vướng, vì các quy định không đồng bộ. Mặc dù Luật Nhà ở 2014 có quy định về vấn đề này nhưng khi ban hành Nghị định 100 năm 2015, Chính phủ lại quy định Ngân hàng Chính sách xã hội không được cho chủ đầu tư vay ưu đãi để đầu tư nhà ở xã hội trong giai đoạn 2015-2020. Có nghĩa là Luật thì cho, Nghị định thì không, nên dẫn tới vướng.
Một dẫn chứng khác mà ông Châu đưa ra, đó là thực thi Luật Đất đai 2013 vẫn không xử lý được chuyện đất công nằm xen kẽ trong dự án nhà ở thương mại. Tới năm 2020 mới có Nghị định 148 sửa đổi nhưng thực thi vẫn chưa ổn. Luật Đất đai quy định cơ chế xác định giá đất phù hợp với giá thị trường để tính tiền sử dụng đất theo phương pháp định giá đất cụ thể. Phương pháp này dẫn đến rủi ro cho cán bộ công chức trong thi hành công vụ, cho nên thời gian qua, công tác tính tiền sử dụng đất tắc, dẫn đến doanh nghiệp không thể làm nghĩa vụ tài chính bổ sung, người mua nhà không được cấp sổ hồng.
Hay Luật Nhà ở năm 2014, Khoản 4 Điều 23 chỉ cho phép doanh nghiệp có 100% đất ở mới được công nhận chủ đầu tư. Trong khi đó, trên thực tiễn 99% dự án nhà ở là đất hỗn hợp hoặc đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp. Đất ở 100% ở TP.HCM cao nhất là 5.000 m2. Như vậy, những dự án nhà ở lớn vài chục, vài trăm hecta là đất hỗn hợp. Chúng ta không xử lý vấn đề này, khiến nguồn cung dự án bị tắc. Tắc nguồn cung dự án thì sẽ tắc nguồn cung nhà ở.
Hay Luật Nhà ở quy định căn hộ chung cư, quy định rất chi tiết diện tích riêng chung, quản lý vận hành, bảo trì,… Nhưng có một loại công trình xây dựng có chức năng lưu trú tương tự như căn hộ, chẳng hạn như căn hộ du lịch, căn hộ dịch vụ, căn hộ khách sạn, văn phòng cho thuê, condotel… bị thả nổi.
Một bất cập khác mà ông Châu chỉ ra là Luật Thuế đánh thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng bất động sản bằng 2% giá trị hợp đồng. “Nhưng tôi bán nhà, có trường hợp lời, có trường hợp hòa vốn, có trường hợp lỗ, vậy tại sao tôi bán hòa vốn, bán lỗ mà tôi phải chịu thuế thu nhập cá nhân?”, ông Châu đặt ra câu hỏi.
Theo ông Châu, định danh thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng bất động sản tính bằng 2% giá trị hợp đồng, có nghĩa là bất kể bán lời, bán hòa vốn hay bán lỗ đều phải nộp thuế. Chính điều này làm thị trường bất động sản không minh bạch và làm thất thu ngân sách nhà nước. Khi đã quy định thuế với cách tính này thì người ta có xu thế khai thấp giá giao dịch, để 2 bên bán mua đều có lợi, phần thiệt thuộc về nhà nước. Thế nên, cơ sở dữ liệu đầu vào tính trên giá trị khai thuế sẽ không đúng.
“Chúng tôi đề nghị Bộ Xây dựng kiến nghị Bộ Tài chính tới đây sửa Luật Thuế, dứt khoát phải sửa quy định này. Tất nhiên nếu sửa một cách máy móc như quy định lấy giá bán trừ giá mua rồi tính 20% của thuế cũng không ổn. Ví dụ đối với một người mua căn hộ năm 2020, lúc trước mua 1 tỷ đồng, bây giờ căn hộ đó 20 tỷ rồi bảo lấy 20 tỷ trừ 1 tỷ, 19 tỷ kia tính 20% thuế thì không hợp lý”.
Một bất cập khác đến từ Luật Kinh doanh bất động sản không tính vấn đề đặt cọc, không quy định đặt cọc. Nhưng trên thị trường, lại áp dụng theo Bộ luật Dân sự, mà Bộ luật Dân sự thì thỏa thuận đặt cọc bao nhiêu là do 2 bên. Trong khi Luật Kinh doanh bất động sản quy định mua bán phải làm hợp đồng, thanh toán đợt đầu không quá 30%. Luật Kinh doanh bất động sản quản lý rất chặt nhưng lại thiếu khoản đặt cọc.