Ông Trần Trương Mạnh Hiếu, Trưởng phòng phân tích Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam đã đưa những đánh giá về xu hướng và quan điểm giao dịch với một số nhóm ngành trong bối cảnh VN-Index đang về gần vùng 1.000 điểm.
Thị trường lại có một tuần giảm điểm và có trạng thái thanh khoản rất yếu, theo ông xu hướng của VN-Index trong thời gian tới sẽ diễn ra như thế nào?
Thị trường đang cho thấy nhiều tín hiệu tiêu cực khi chỉ số VN-Index đóng cửa dưới các đường trung bình động ngắn hạn 20 và 50 kỳ.
Điều này hàm ý về xu hướng điều chỉnh đang quay trở lại. Bên cạnh đó, một số thông tin tiêu cực liên quan đến việc một số doanh nghiệp bất động sản không thể hoàn trả được giá trị trái phiếu đến hạn tạo tâm lý xấu với nhà đầu tư.
Dự kiến trong quý 2 và quý 3 sẽ là “cao điểm” khi số lượng trái phiếu đến hạn ở mức kỷ lục. Áp lực phải xoay vòng vốn để trả nợ của các doanh nghiệp sẽ tăng cao.
Do đó, dự kiến thị trường có thể chịu tác động tiêu cực từ thông tin này và sẽ xuất hiện các nhịp điều chỉnh trong thời gian tới.
Dòng vốn ngoại cũng đang có tuần thứ 2 liên tiếp bán ròng, theo ông, các diễn biến này có tạo thêm rủi ro cho thị trường khi mà tiền nội đang đứng ngoài?
Việc khối ngoại giải ngân mạnh trong giai đoạn trước đây là do thị trường đã điều chỉnh mạnh khoảng 40% từ tháng 04 đến tháng 11 năm 2022, làm nhiều cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt trở nên hấp dẫn về mặt đầu tư dài hạn.
Điều này thúc đẩy khối ngoại giải ngân mạnh mẽ trong tháng 11 và tháng 12 năm ngoái. Tuy nhiên, khi thị trường tăng trưởng mạnh làm nhiều cổ phiếu tăng 20-30% lúc này các cơ hội đầu tư đã bị thu hẹp đáng kể.
Do đó, dòng vốn ngoại đang có dấu hiệu chậm lại. Nhưng nếu, thị trường quay lại điều chỉnh mạnh thì có thể dòng vốn sẽ được kích hoạt một lần nữa.
Diễn biến tỷ giá gần đây có phải là nguyên nhân khiến cho nhà đầu tư nước ngoài bán ra?
Tỷ giá là một yếu tố quan trọng tác động đến việc đầu tư vào thị trường Việt Nam. Nếu tỷ giá tăng có thể ảnh hưởng đến quá trình vào/ra của dòng vốn ngoại trên thị trường.
Việc giải ngân (mua/bán ròng) của khối ngoại trên thị trường chứng khoán thể hiện cho những dòng vốn ngoại đã có sẵn trên thị trường. Trong trường hợp này, tỷ giá sẽ ít có ảnh hưởng đến việc mua bán của khối ngoại trừ khi tỷ giá có mức tăng mạnh như năm ngoái.
Một số nhóm ngành như Đầu tư Công, Dầu khí, Ngân hàng vẫn có sức đề kháng khá tốt. Theo ông, nhà đầu tư nên hành động như thế nào với các nhóm cổ phiếu này?
Mỗi nhóm ngành đều có câu chuyện riêng, qua đó có sự hỗ trợ nhất định với diễn biến giá của nhóm. Ví dụ, nhóm cổ phiếu Dầu khí được hỗ trợ nhờ nền tảng cơ bản tốt khi giá dầu duy trì ở mức cao. Điều này giúp một số dự án dầu khí ở Việt Nam có thể được triển khai trở lại.
Bên cạnh đó, với việc thông qua Luật Dầu khí năm 2022, cũng tạo ra cơ chế thông thoáng hơn để các dự án dầu khí được triển khai. Vì thế, bất chấp thị trường điều chỉnh từ sau tết thì nhóm cổ phiếu này vẫn đang có diễn biến tốt hơn. Do đó, những ngành có câu chuyện riêng vẫn có thể đi ngược lại xu hướng chung.
Tuy nhiên, nhà đầu tư nên đánh giá chiến lược đầu tư của mình có phù hợp với việc đầu tư vào các nhóm cổ phiếu này hay không. Đôi khi, nhà đầu tư chỉ phù hợp với một chiến lược nhất định và một số ngành cụ thể. Việc đầu tư sang các ngành khác mà nhà đầu tư không có hiểu biết sâu sắc có thể gây thua lỗ. Vì thế, nhà đầu tư không nên mở vị thế trên những nhóm cổ phiếu này khi chưa có hiểu biết về ngành và cổ phiếu.
Ngoài ra, nhóm ngành nào cũng cần được chú ý?
Ngoài những nhóm cổ phiếu trên nhà đầu tư có thể theo dõi thêm hai nhóm cổ phiếu sau:
Thứ nhất là nhóm cổ phiếu ngành điện đặc biệt là nhiệt điện. Do thị trường đang có sự điều chỉnh trung hạn nên nhóm cổ phiếu có dòng tiền ổn định thuộc các ngành phòng thủ nên được ưu tiên như cổ phiếu ngành điện. Thêm vào, nhóm cổ phiếu nhiệt điện sẽ được hưởng lợi nhiều hơn nhờ vào ảnh hưởng từ chu kỳ El Nino và La Nina.
Thứ hai là nhóm cổ phiếu bất động sản. Sự khó khăn của thị trường chủ yếu tập trung ở nhóm cổ phiếu bất động sản. Và đây cũng là nhóm cổ phiếu có sự điều chỉnh mạnh nhất.
Tuy nhiên, cần nhớ rằng không phải tất cả các doanh nghiệp trong ngành đều xấu, có rất nhiều doanh nghiệp tốt và việc điều chỉnh mạnh có thể tạo ra một nền giá hấp dẫn cho những vị thế đầu tư dài hạn.
Bên cạnh đó, cần nhớ rằng công ty nào có thể vượt qua được giai đoạn khó khăn hiện tại sẽ có lợi thế rất lớn trong ngành và có tiềm năng tăng trưởng trong tương lai. Vì thế, sự điều chỉnh mạnh có thể là cơ hội để mở những vị thế dài hạn.