Ước tính lợi nhuận quý 4: Ngân hàng khởi sắc, MWG, DPM giảm mạnh, BSR thậm chí lỗ

Theo SSI Research, hầu hết các ngân hàng và doanh nghiệp hàng không đều ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận cao trong quý 4, song ở chiều ngược lại một số doanh nghiệp như DPM, HAH không còn giữ được mức tăng trưởng cao như các quý trước, thậm chí BSR có thể lỗ hơn 700 tỷ.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Đa phần các ngân hàng vẫn tăng trưởng tốt

SSI Research vừa công bố báo cáo dự phóng lợi nhuận của 27 doanh nghiệp niêm yết, trong đó có 12 ngân hàng. Hầu hết các ngân hàng đều ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận cao so với cùng kỳ, ngoại trừ ngân hàng OCB, MBB.

Theo đó, với Ngân hàng TMCP Á Châu (mã ACB), trong quý 4/2022, lợi nhuận trước thuế (LNTT) của nhà băng này có thể đạt hơn 3,5 nghìn tỷ đồng tăng 16,3% so với cùng kỳ, mang lại LNTT cả năm 2022 khoảng 17 nghìn tỷ đồng, tăng 41,9% so với cùng kỳ.

Tương tự, với BID, SSI Research kỳ vọng BID sẽ đạt 5,4 nghìn tỷ đồng lợi nhuận trong quý 4/2022, ghi nhận mức tăng trưởng mạnh mẽ 88-90% so với cùng kỳ, nhờ chất lượng tài sản được kiểm soát và tỷ lệ NIM tăng lên. Tăng trưởng tín dụng và huy động dự kiến lần lượt đạt 12,7% và 9% vào cuối năm.

Tại CTG, kỳ vọng lợi nhuận cả năm của CTG sẽ đạt 21,2-21,4 nghìn tỷ đồng tăng 20% so với cùng kỳ. Điều này có nghĩa là lợi nhuận trong quý 4/2022 đạt 5,4 nghìn tỷ đồng tăng 47% so với cùng kỳ. Tăng trưởng tín dụng và tiền gửi tính đến ngày 30/11/2022 lần lượt là 10,7% và 5,1% so với đầu năm. Ngân hàng sẽ tận dụng hết hạn mức tín dụng được phân bổ (12,7%) vào thời điểm cuối năm.

Với Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (mã CTG), kỳ vọng lợi nhuận cả năm đạt 21,2 - 21,4 nghìn tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ, riêng quý 4/2022 lợi trước thuế đạt 5,4 nghìn tỷ đồng, tăng 47% so với cùng kỳ. Tăng trưởng tín dụng và tiền gửi tính đến 30/11/2022 lần lượt là 10,7% và 5,1% so với đầu năm.

Với Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (mã MSB), LNTT quý 4 ước tính đạt 1,2-1,3 nghìn tỷ đồng. Năm 2022, LNTT ngân hàng ước tính đạt 6,15 nghìn tỷ đồng, tương đương hoàn thành 90% kế hoạch ĐHĐCĐ đề ra với NIM là 4,3% tăng 0,64% so với cùng kỳ. Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng có thể tăng lên 1,75% trong quý 4 và 1,8% trong năm 2023 do đó chi phí dự phòng cũng sẽ tăng lên.

SSI Research cũng kỳ vọng LNTT quý 4 của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (mã STB) đạt hơn 1,8 nghìn tỷ đồng tăng 63,5% so với cùng kỳ, giúp LNTT cả năm của nhà băng này đạt hơn 6,3 nghìn tỷ đồng.

Trong quý 4, LNTT của Ngân hàng TMCP Tiên Phong (mã TPB) có thể đạt hơn 2 nghìn tỷ đồng, tăng 26,2% so với cùng kỳ. Tỷ lệ nợ xấu có thể tăng, nhưng vẫn được kiểm soát dưới 1%.

Đối với Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (mã VCB), lợi nhuận cả năm 2022 có thể đạt hơn 37 nghìn tỷ đồng, tăng gần 40% so với cùng kỳ, tính riêng quý 4 đạt hơn 12 nghìn tỷ đồng, tăng 56% so với cùng kỳ. Kết quả kinh doanh này được thúc đẩy bởi mức NIM tiếp tục được cải thiện nhờ tăng trưởng tín dụng vượt tăng trưởng huy động (19% so với 9%) và chất lượng tài sản vẫn được kiểm soát tốt.

Đối với Ngân hàng TMCP Quốc tế (mã VIB), SSI dự báo LNTT quý 4 của ngân hàng đạt khoảng 2,8 nghìn tỷ đồng, tăng 4,3% so với cùng kỳ do áp lực gia tăng đối với chi phí vốn và tỷ trọng cho vay mua nhà cao.

Còn tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (mã VPB), lợi nhuận có thể đạt mức 25 nghìn tỷ đồng cho năm 2022, tăng 73,5% so với cùng kỳ. Trong quý 4, tăng trưởng sẽ duy trì ở mức cao tại ngân hàng mẹ (tăng 60-70% so với cùng kỳ) do tín dụng có thể tăng tốc vào cuối năm và tiến sát hạn mức tăng trưởng tín dụng 30% do NHNN cấp. Tuy nhiên, FeCredit nhiều khả năng vẫn đang trong thời kỳ tái cấu trúc nên lợi nhuận còn hạn chế.

Ngược lại, theo SSI Research, đà tăng trưởng của Ngân hàng TMCP Quân đội (mã MBB) đã giảm tốc trong quý cuối cùng của năm với LNTT đạt 4.500 tỷ đồng, thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Dù vậy, năm 2022, dự báo MBB vẫn ghi nhận 22,7 nghìn tỷ đồng LNTT, tăng 36% so với cùng kỳ.

Còn với Ngân hàng TMCP Phương Đông (mã OCB) LNTT quý 4 dự kiến sẽ giảm 22,8% so với cùng kỳ, xuống còn khoảng 1,35 nghìn tỷ đồng. Lợi nhuận giảm chủ yếu là do gặp bất lợi từ hoạt động kinh doanh trái phiếu Chính phủ khi mà lợi suất trái phiếu tăng mạnh trong năm 2022, cũng như giảm thu nhập phí thuần.

Tín hiệu khó khăn xuất hiện, lợi nhuận nhiều doanh nghiệp sụt giảm

Ở các nhóm doanh nghiệp khác, chỉ có một số doanh nghiệp hàng không như Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (mã ACV) và CTCP Dịch vụ Hàng không Taseco (mã AST) hay Tập đoàn FPT (mã FPT) và CTCP Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên (mã TNH) duy trì được tăng trưởng trong quý 4.

Theo đó, LNTT của ACV dự báo sẽ đạt 800 tỷ đồng trong quý 4, tăng 96% so với mức thấp của năm ngoái. AST có khả năng lãi 20 tỷ đồng trong quý cuối cùng của năm, cải thiện đáng kể so với mức lỗ 18 tỷ đồng trong quý 4/2021. Tăng trưởng LNTT quý 4 của FPT cũng ước tính tăng 15% so với cùng kỳ, thấp hơn mức tăng trưởng 23,8% của quý 3. Còn TNH có khả năng đạt lợi nhuận ròng 37 tỷ đồng trong quý 4, tăng 20% so với cùng kỳ.

Trong khi đó, SSI ước tính LNTT quý 4 của Đạm Phú Mỹ (mã DPM) đạt 700 tỷ đồng, giảm tới 65% so với cùng kỳ. LNTT quý 4 của Cao su Đà Nẵng (mã DRC) cũng chỉ ước đạt 100 tỷ đồng, giảm 10%. LNST của công ty mẹ Vận tải và Xếp dỡ Hải An (mã HAH) cũng ước tính giảm 13% so với cùng kỳ, đạt 177 tỷ đồng.

Ở nhóm doanh nghiệp thép, đại diện là Tập đoàn Hòa Phát (mã HPG) có thể lỗ nhẹ 200 tỷ đồng trong quý 4, giảm mạnh so với mức lãi 7,4 nghìn tỷ đồng của quý 4 năm ngoái, nhưng cho thấy sự cải thiện đáng kể so với khoản lỗ gần 1,8 nghìn tỷ của quý 3/2022.

Ở nhóm ngành dầu khí, doanh thu của PVGas (mã GAS) dù ước tính tăng 6% trong quý 4 song lợi nhuận có khả năng giảm 22% so với cùng kỳ năm ngoái do giá nhiên liệu giảm. Còn với PVDrilling (mã PVD) LNTT quý 4 dù có cải thiện so với khoản lỗ 3 quý trước, đạt 31 tỷ đồng nhưng vẫn thấp hơn so với cùng kỳ năm 2021.

Riêng Lọc hóa dầu Bình Sơn (mã BSR), theo ước tính sơ bộ doanh thu và lợi nhuận ròng năm 2022 lần lượt đạt 165,5 nghìn tỷ đồng và 12,18 nghìn tỷ đồng, tăng 64% và 82% so với năm 2021. Điều này có nghĩa quý 4/2022, doanh nghiệp ghi nhận khoản lỗ 723 tỷ đồng, giảm đáng kể so với lợi nhuận ròng 2,7 nghìn tỷ đồng trong quý 4 năm ngoái.

Khả năng lợi nhuận của các doanh nghiệp sụt giảm trong quý 4 cũng đã được một số công ty chứng khoán dự báo trước đó. Trong đó, Chứng khoán VNDirect cho rằng, trong 9 tháng năm 2022, lợi nhuận toàn thị trường tăng 21,4% so với cùng kỳ, tuy nhiên, nhiều thách thức đã và đang nổi lên như xuất khẩu yếu, biên lợi nhuận giảm, gánh nặng chi phí lãi vay gia tăng và lỗ tỷ giá. Do đó, VNDirect kỳ vọng lợi nhuận ròng thị trường sẽ chậm lại đáng kể trong quý 4/2022 và chỉ tăng 17% trong năm 2022.

Sang năm 2023, lợi nhuận ròng toàn thị trường dự kiến sẽ tăng nhẹ 5% trong nửa đầu năm, sau đó cải thiện hơn trong nửa cuối năm 2023, đưa mức tăng trưởng cả năm lên 14%.

Chứng khoán PSI trong báo cáo chiến lược mới đây cũng nhận định, lợi nhuận toàn thị trường sẽ tăng chậm lại đáng kể trong quý 4/2022 khi biên lợi nhuận các doanh nghiệp giảm đáng kể do chi phí lãi vay gia tăng cũng sự suy yếu của tỷ giá.

Dự báo cả năm 2022, PSI dự báo tăng trưởng lợi nhuận ròng sàn HSX đạt 9,79% nhờ mức nền so sánh thấp.

Với dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 202 sẽ chậm lại sau khi đạt đỉnh vào năm 2022 bởi sự suy giảm trong nhu cầu tiêu dùng của Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc sẽ khiến cho hoạt động xuất khẩu trong năm 2023 bị ảnh hưởng, PSI cho rằng nửa đầu năm 2023 lợi nhuận ròng toàn thị trường sẽ tăng nhẹ ở mức 2,7% - 5%, sau đó cải thiện trong nửa cuối năm 2023.

"Mức tăng trưởng cả năm của các doanh nghiệp niêm yết sàn HSX được dự báo sẽ tăng trưởng trong mức 12,55% trong năm 2023, theo Bloomberg. Đây cũng là mức cao so với các thị trường khác trong khu vực", PSI đánh giá.

Theo Nhịp sống Doanh nghiệp

Đọc tiếp

EVNGENCO3 sẵn sàng sản xuất điện cao điểm mùa khô 2024

EVNGENCO3 sẵn sàng sản xuất điện cao điểm mùa khô 2024

Tổng Công ty Phát điện 3 (EVNGENCO3) đã và đang thực hiện đồng bộ các biện pháp để đảm bảo đáp ứng tốt phương thức huy động của Hệ thống điện Quốc gia góp phần cung ứng điện an toàn, ổn định, tin cậy trong các tháng cao điểm mùa khô năm 2024.

Nhịp cầu doanh nghiệp

Quang cảnh hội thảo

Nestlé Việt Nam cùng đối tác thúc đẩy sáng kiến giảm phát thải trong chuỗi cung ứng

Nestlé Việt Nam, Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển Bền vững Việt Nam (VBCSD-VCCI) và đại diện các bộ, ban, ngành tổ chức buổi chia sẻ về định hướng, lộ trình, các quy định pháp luật về kiểm kê và sáng kiến cắt giảm phát thải trong toàn chuỗi cung ứng, góp phần vào mục tiêu đạt phát thải ròng bằng ‘0’ (Net Zero) vào năm 2050.

Chat với BizLIVE