Đây là nhận định về Blockchain được các chuyên gia khẳng định tại Hội thảo “Cơ hội, thách thức ứng dụng Blockchain vào vận hành trong ngành tài chính - ngân hàng” do Hiệp hội Blockchain Việt Nam phối hợp với Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức ngày 26/10, tại trụ sở Ngân hàng Nhà nước.
7 xu hướng ứng dụng Blockchain trong lĩnh vực tài chính ngân hàng
Theo khảo sát gần đây của ReportLinker, ứng dụng của Blockchain vào thị trường dịch vụ tài chính - ngân hàng toàn cầu dự kiến sẽ tăng từ 1,17 tỷ USD vào năm 2021 lên 1,89 tỷ USD trong năm 2022 với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 61,9%.
Đáng chú ý, dù Bắc Mỹ đang là khu vực lớn nhất trong thị trường tài chính - ngân hàng blockchain năm 2021, tuy nhiên khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đang được kỳ vọng sẽ là khu vực phát triển nhanh nhất trong thời gian tới. Ở quốc tế, các công ty lớn đang ứng dụng Blockchain vào hoạt động tài chính - ngân hàng có thể kể tới: Amazon Web Services, Microsoft, IBM, Intel, JPMorgan, ConsenSys, R3, Oracle…
Ứng dụng Blockchain vào tài chính - ngân hàng mang lại nhiều lợi thế như tối ưu hóa vốn, giảm chi phí hoạt động, cải thiện tính minh bạch và giúp gia tăng các giải pháp tài chính.
Về bản chất, Blockchain là một sổ cái phân tán gồm các bản ghi hoặc cơ sở dữ liệu công khai được chia sẻ công khai giữa những người dùng khác nhau và tạo ra một bản ghi không thể thay đổi về các giao dịch của họ. Các giao dịch này được bảo mật bằng mật mã để đảm bảo chống các thao tác giả mạo.
Do đó, blockchain được kỳ vọng sẽ cách mạng hóa ngành tài chính - ngân hàng một cách toàn diện ở nhiều dịch vụ, không những thế, blockchain còn có tiềm năng đột phá trong các lĩnh vực khác như chăm sóc sức khỏe, chính phủ số, bất động sản, hậu cần, giáo dục, bán lẻ...
Dưới góc độ pháp lý, tại Việt Nam, Blockchain được ưu tiên nghiên cứu, phát triển và ứng dụng để chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 theo Quyết định số 2117/QĐ-TTg ngày 16/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đã phê duyệt Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp quốc gia giai đoạn đến năm 2025 - tại đây công nghệ Blockchain được xếp thứ hai sau trí tuệ nhân tạo (AI) trong số các công nghệ chủ chốt.
Tại hội thảo, ông Phan Đức Trung, Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam đã giới thiệu khái quát về 7 xu hướng ứng dụng Blockchain trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, gồm: Smart Contract (hợp đồng thông minh); ICO (quá trình gọi vốn); Token được thế chấp bằng tài sản; NFT (tài sản không thể thay thế); CBDC (ngân hàng trung ương); Defi (tài chính phi tập trung) và Robo Advisor (tư vấn tài chính tự động).
Theo ông Phan Đức Trung, việc ứng dụng blockchain sẽ giúp các ngân hàng cắt giảm các chi phí quản trị trung gian nội bộ thông qua cơ chế đồng thuận, phê duyệt giao dịch. Đây là kết quả của ứng dụng các lợi thế của Blockchain với các bài toán thúc đẩy hệ sinh thái Fintech tạo ra một hệ sinh thái bao quanh lõi ngân hàng.
Xu hướng ứng dụng Blockchain trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng.Đáng chú ý, đại diện một số ngân hàng tại Việt Nam như BIDV, Vietcombank, TPBank... tham gia sự kiện cho biết đã tiến hành thử nghiệm sử dụng blockchain trong dịch vụ tài chính tại ngân hàng mình và bước đầu đạt một số kết quả.
Đơn cử, đại diện BIDV cho biết ngân hàng này đang tiên phong ứng dụng Blockchain trong tài trợ thương mại, trở thành ngân hàng Việt Nam đầu tiên ứng dụng thành công công nghệ Blockchain trong giao dịch phát hành thư tín dụng tới một ngân hàng thông báo ngoài hệ thống.
Trong khi đó, đại diện Vietcombank cho biết, ngân hàng này đã bắt đầu thí điểm giao dịch Blockchain từ tháng 12/2020 và hiện đang hợp tác với các công ty Fintech để nghiên cứu, mở rộng ứng dụng công nghệ này.
Về phía doanh nghiệp, Viettel cho biết đã ứng dụng Blockchain vào hồ sơ bệnh án điện tử; Misa phát triển hóa đơn điện tử; hay một số doanh nghiệp khác cho biết bước đầu cũng đã ứng dụng thành công Blockchain vào kinh doanh như Masan, Bảo Việt, AIA…
Ngoài ra, đại diện một số ngân hàng như Vietcombank, TPBank... cũng đã đề cập tới một số hạn chế, chia sẻ kinh nghiệm khi ứng dụng Blockchain đang được các ngân hàng này thử nghiệm như: rào cản pháp lý; rào cản về chi phí đầu tư hạ tầng công nghệ tích hợp; hay khó khăn về khả năng mở rộng mạng lưới giao dịch, kết nối đa phương...
Chia sẻ của đại diện Vietcombank tại Hội thảo “Cơ hội, thách thức ứng dụng Blockchain vào vận hành trong ngành tài chính - ngân hàng”.Vẫn đang chờ khung khổ pháp lý rõ ràng về Blockchain và tiền mã hóa
Tại hội thảo, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) nhận định: “Tiềm năng phát triển công nghệ Blockchain ở Việt Nam là rất lớn dù đang gặp nhiều thách thức như các chuyên gia về blockchain tại Việt Nam còn hạn chế, chưa có nhiều ứng dụng thực tiễn và còn thiếu hành lang pháp lý, nhưng những thay đổi tích cực mà blockchain mang lại là không thể phủ nhận”.
Theo ông Hùng, với đặc tính phi tập trung, công nghệ này đã giải quyết được nhiều vấn đề nan giải về lòng tin, tính bảo mật...; vì vậy nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam đã nhận ra tiềm năng của công nghệ Blockchain và đang tìm cách áp dụng vào các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, vận tải, logistic, y tế, giáo dục...
Hiện tại, Blockchain ứng dụng chủ yếu trong lĩnh vực tài chính, đặc biệt là tài sản số, tiền số. Tuy nhiên, ngoài một vài dự án crypto (tiền mã hóa) nổi bật như Coin98, Kyber Network, TomoChain, KardiaChain hay dự án Axie Infinity… thu hút được nguồn vốn đầu tư nước ngoài - thì phần lớn các ứng dụng Blockchain tại thị trường Việt Nam vẫn chưa đạt được thành công nổi bật.
Trong đó, rất nhiều hoạt động khác như truy xuất nguồn gốc trong nông nghiệp, logistics, y tế, giáo dục… có thể ứng dụng công nghệ Blockchain nhưng chưa được ứng dụng nhiều.
Cũng theo ông Hùng, với những ưu điểm nổi bật của mình, góc nhìn về Blockchain cũng đã thay đổi khá nhiều so với trước đây. Theo đó, Blockchain đang dần được hiểu đúng chính là một nền tảng công nghệ, không phải bitcoin hay tiền điện tử như đa phần các lầm tưởng trước đây.
“Công nghệ Blockchain vẫn đang trong giai đoạn đầu, trên đà phát triển nên những hạn chế là khó tránh khỏi; nhưng những thay đổi tích cực mà công nghệ này mang lại là không thể phủ nhận. Blockchain còn nhiều những ưu điểm chưa được khai thác và đòi hỏi Việt Nam phải nỗ lực và quan tâm hơn nữa...”, Tổng thư ký VNBA nhận định.
Tổng Thư ký VNBA Nguyễn Quốc Hùng phát biểu tại Hội thảo “Cơ hội, thách thức ứng dụng Blockchain vào vận hành trong ngành tài chính - ngân hàng”.Hai khó khăn cốt lõi cần giải quyết khi ứng dụng, nhân rộng công nghệ Blockchain
Số liệu từ Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) cũng cho thấy, số lượng các doanh nghiệp Fintech tham gia cung ứng dịch vụ trên thị trường Việt Nam hiện nay đã tăng gần 4 lần, từ 40 doanh nghiệp tại thời điểm cuối năm 2016, đến cuối năm 2021 đã tăng lên hơn 150 doanh nghiệp, trải rộng trên nhiều lĩnh vực khác nhau; trong đó, doanh nghiệp Bitcoin/Blockchain chiếm gần 7,9%.
Dưới góc độ cơ quan quản lý, ông Vũ Công Hùng, Cục phó Cục Công nghệ thông tin (Ngân hàng Nhà nước) nhìn nhận, dù Blockchain không phải là một giải pháp phù hợp cho mọi trường hợp nhưng nó có khả năng thay đổi đáng kể cách mà các hệ thống hoạt động.
Theo ông Hùng, công nghệ này có tiềm năng rất lớn trong việc giảm chi phí giao dịch, cho phép giao dịch trực tiếp giữa các người dùng một cách an toàn. Trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng một số sản phẩm trên nền tảng Blockchain đã được sử dụng trong thực tế như giao dịch thư tín dụng (LC), chuyển tiền...
Đồng thời, ông Hùng cũng chỉ rõ việc ứng dụng công nghệ Blockchain hiện nay vẫn còn khó khăn, thách thức về nhiều mặt. Trong đó, lãnh đạo cơ quan chuyên trách của Ngân hàng Nhà nước chỉ ra 5 điểm cụ thể: Thứ nhất là chi phí băng thông, lưu trữ cao; Thứ 2 là năng lực xử lý chậm; Thứ 3 là rủi ro an ninh bảo mật như: tấn công 51%, mất khóa bí mật, thiếu tính riêng tư; Thứ 4 là thiếu quy định pháp lý, tiêu chuẩn kỹ thuật; Thứ 5 là thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao.
Toàn cảnh Hội thảo “Cơ hội, thách thức ứng dụng Blockchain vào vận hành trong ngành tài chính - ngân hàng” - Ảnh: Tuấn ViệtTrong 5 vấn đề trên, đại diện tới từ Ngân hàng Nhà nước cũng nhấn mạnh vào 02 khó khăn có thể được xem là quan trọng nhất trong việc đưa công nghệ Blockchain vào ứng dụng thực tế tại Việt Nam nói chung và trong ngành ngân hàng – tài chính nói riêng.
Thứ nhất là giá trị pháp lý của chữ ký điện tử trong các nền tảng Blockchain. Theo đó, nhờ những đặc tính phi tập trung, mã hóa và mạng ngang hàng, công nghệ Blockchain tạo ra niềm tin trên mạng lưới mà không phụ thuộc nhiều vào yếu tố thẩm quyền tập trung. Hầu hết các hệ thống Blockchain cung cấp đều cung cấp cho thành viên một khóa Private key và Public key để tạo ra và xác thực các chữ ký điện tử phục vụ giao dịch.
Tuy nhiên, Cục phó Cục Công nghệ thông tin cho biết, hiện nay để chứng thực được các chữ ký điện tử, với các quy định hiện hành thì chưa có được hành lang cụ thể, cũng như chưa có các tiêu chuẩn kỹ thuật về các hệ thống chữ ký điện tử dùng riêng thì việc đăng ký để công nhận giá trị pháp lý của các hợp đồng, giao dịch điện tử trong một hệ thống Blockchain là rất khó khăn.
Thứ hai là thiếu các ý tưởng và đề xuất cụ thể.
Theo ông Hùng, tại Việt Nam, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản định hướng, khuyến khích cho việc ứng dụng công nghệ Blockchain. Tuy nhiên, tại nhiều diễn đàn vấn đề thiếu cơ sở pháp lý đã được nêu ra như là một trở ngại cho việc ứng dụng công nghệ Blockchain.
Mặc dù vậy, có rất ít ý kiến nêu được cụ thể trở ngại pháp lý đối với ứng dụng công nghệ Blockchain là gì và sửa đổi thế nào để tạo điều kiện cho việc ứng dụng công nghệ Blockchain.
Thêm vào đó, phần lớn các ý tưởng ứng dụng công nghệ Blockchain đang tập trung vào các lĩnh vực tài sản số, tiền số, huy động vốn. Đây là các lĩnh vực có rủi ro rất cao vì vậy cần xây dựng cơ chế Sandbox để thử nghiệm.
Ngoài ra, về mặt này Chính phủ cũng đã giao Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước phối hợp nghiên cứu, đề xuất, triển khai; nhưng do có độ rủi ro cao, các cơ quan này đều đang tiến hành rất thận trọng.
Vì vậy, đại diện của Ngân hàng Nhà nước cũng đưa ra khuyến nghị, ngoài việc nỗ lực xây dựng cơ chế thử nghiệm cho lĩnh vực tiền ảo, tài sản ảo, huy động vốn - đề nghị các doanh nghiệp mở rộng tìm kiếm các ý tưởng và đề xuất cụ thể để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ Blockchain trong các lĩnh vực khác của cuộc sống..
Cũng trong khuôn khổ hội thảo trên, hai hiệp hội (Blockchain Việt Nam & Ngân hàng Việt Nam ) đã ký kết hợp tác để nối dài hoạt động nghiên cứu, cố vấn về các ứng dụng blockchain trong ngành tài chính và góp phần tuyên truyền, quảng bá thông tin đúng đắn về blockchain; đề xuất các khuyến nghị cho cơ quan Chính phủ.
Đồng thời, hai hiệp hội cho biết sẽ cùng nhau tham vấn để hoàn chỉnh khung chính sách pháp lý cho lĩnh vực công nghệ tại Việt Nam; mở rộng quan hệ với các tổ chức, cộng đồng công nghệ blockchain trên thế giới; chia sẻ kinh nghiệm, nguồn lực để nghiên cứu, phát triển nguồn nhân lực cho nền kinh tế số.