Trung Quốc ngày 22/7 đã gây bất ngờ khi hạ lãi suất chính sách ngắn hạn và lãi suất cho vay chuẩn nhằm thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC), ngân hàng trung ương, thông báo hạ lãi suất mua lại đảo ngược kỳ hạn 7 ngày từ 1,8% xuống 1,7% và cũng sẽ cải thiện các hoạt động thị trường mở.
Trung Quốc cũng hạ lãi suất cho cơ bản (LPR), mức chuẩn cho lãi suất ưu đãi nhất của các khoản vay cho các doanh nghiệp và hộ gia đình, kỳ hạn một năm từ 3,45% xuống 3,35% và LPR kỳ hạn 5 năm, chuẩn lãi suất của các khoản vay thế chấp, từ 3,95% xuống 3,85%.
Việc hạ lãi suất nhằm khuyến khích các ngân hàng thương mại cấp các khoản vay với mức lãi suất ưu đãi hơn.
Biện pháp này được cho là sẽ gián tiếp hỗ trợ các hoạt động kinh tế khi tăng trưởng chậm lại.
Theo người phụ trách chiến lược lãi suất và ngoại hối tại Trung Quốc Đại lục của BNP Paribas, Ju Wang, PBoC bắt đầu thực hiện chính sách thúc đẩy tăng trưởng, đúng như thông điệp của Hội nghị toàn thể lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa XX, khi các nhà chức trách cam kết đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm và các chính sách sẽ được điều chỉnh sau khi số liệu quý 2 gây thất vọng.
Bà Wang nói thêm rằng khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu hạ lãi suất cũng tạo dư địa để PBoC nới lỏng chính sách tiền tệ.
Theo Chủ tịch kiêm nhà kinh tế trưởng của Pinpoint Asset Management, Zhang Zhiwei, việc PBoC không chờ cho đến khi Fed hạ lãi suất cho thấy Chính phủ Trung Quốc nhận thấy sức ép đi xuống đối với nền kinh tế nước này.
Ông nhận định Trung Quốc sẽ tiếp tục hạ lãi suất sau khi Fed bước vào chu kỳ hạ lãi suất.
Quyết định hạ lãi suất được đưa ra sau khi Trung Quốc công bố số liệu trong tuần trước cho thấy tăng trưởng kinh tế quý 2/2024 đạt 4,7%, yếu hơn dự kiến tăng 5,3% và là thấp nhất kể từ đầu năm 2023, khi Trung Quốc dỡ bỏ các hạn chế nhằm kiểm soát dịch COVID-19.
Trong khi đó, tại Hội nghị toàn thể lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa XX diễn ra trong tuần trước, các nhà lãnh đạo Trung Quốc kêu gọi đẩy lùi các rủi ro đối với nền kinh tế cũng như kích thích tiêu dùng.
Trung Quốc đang đối mặt nguy cơ giảm phát và cuộc khủng hoảng của lĩnh vực bất động sản kéo dài, nợ tăng mạnh và lòng tin tiêu dùng cũng như kinh doanh yếu.
Những căng thẳng thương mại với Mỹ và Liên minh châu Âu có nguy cơ cản trở hoạt động xuất khẩu.