Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) gần như chắc chắn sẽ giữ nguyên lãi suất tại cuộc họp ngày 18/7. Tuy nhiên, ngân hàng này vẫn đánh đi tín hiệu về triển vọng cắt giảm lãi suất.
Tháng trước, ECB đã hạ lãi suất từ mức cao kỷ lục. Động thái được một số nhà hoạch định chính sách của chính ngân hàng này đánh giá là vội vàng.
Do đó, ECB dự kiến sẽ thận trọng hơn về động thái tiếp theo, khi lạm phát nội khối và tăng trưởng tiền lương vẫn ở mức cao.
Chiến lược gia Peter Schaffrik tại ngân hàng đầu tư RBC Capital Markets, cho rằng ECB sẽ vẫn giữ quan điểm lạm phát đang giảm và nhìn chung họ có thể nới lỏng chính sách hơn nữa.
Các thị trường đang dự đoán ECB sẽ cắt giảm lãi suất hai lần từ nay đến cuối năm 2024 và năm lần cắt giảm lãi suất vào cuối năm tới.
Nhà kinh tế Antonio Villarroya của tập đoàn tài chính Santander CIB cho rằng ECB không khó chịu với dự đoán của thị trường về triển vọng cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản nữa vào tháng Chín.
Nhà kinh tế Anatoli Annenkov của ngân hàng Societe Generale cho rằng rủi ro lạm phát đang tăng lên, có thể buộc ECB phải tạm dừng bất kỳ đợt cắt giảm lãi suất nào vào tháng Mười Hai.
Một điều không chắc chắn khác là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất nhanh đến mức nào.
Mặc dù chính sách của ECB độc lập về mặt kỹ thuật nhưng khó có thể khác xa với ngân hàng trung ương lớn nhất thế giới.
Lãi suất tại Mỹ cao hơn sẽ khuyến khích các nhà đầu tư chuyển tiền sang nước Mỹ, làm suy yếu đồng euro và thúc đẩy lạm phát nhập khẩu.