Thông tin vừa được lãnh đạo Tập đoàn Trung Nam (TNG) chia sẻ tại buổi gặp gỡ giới đầu tư chiều ngày 3/11 tại TP.HCM.
Cơ hội đầu tư vào ngành có “sức nóng”
Bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Phân tích, Công ty Chứng khoán VNDirect (VND) cho biết, phát triển năng lượng tái tạo là xu thế tất yếu không thể thay đổi khi nhu cầu tiêu thụ điện của Việt Nam ước tính sẽ tăng trưởng kép hơn 8% trong giai đoạn 2022-2030 và 78% tập đoàn sản xuất lớn trên thế giới sẽ loại bỏ các nhà cung ứng chậm chuyển đổi vào năm 2025.
Tuy nhiên, theo bà Hiền, thách thức với năng lượng tái tạo hiện nay đến từ tiếp cận nguồn vốn. Theo quy hoạch điện 8, từ nay tới 2030 cần nhu cầu vốn lớn khoảng 16 tỷ USD để phát triển, trong đó khoảng 75% vốn dành cho phát triển nguồn điện, còn lại 25% cho phát triển mạng lưới.
“Tôi thấy các doanh nghiệp ở thị trường lân cận có lợi thế, kết hợp ngân hàng phát triển đa phương, có khả năng tiếp cận vốn vay rẻ. Trong khi đó doanh nghiệp Việt gặp khó khăn về tiếp cận vốn. Thị trường tài chính xanh tại Việt Nam chưa phát triển. Doanh nghiệp Việt cũng gặp hạn chế khi tiếp cận vốn xanh nước ngoài. Không phải doanh nghiệp nào cũng đủ vị thế, uy tín để tiếp cận”, chuyên gia VND đề cập.
Bên cạnh đó, bà Hiền chỉ ra, hiện chi phí vốn trong nước lớn, lãi suất tăng lên, cũng như khó khăn trong ngắn hạn về trái phiếu doanh nghiệp làm gia tăng thách thức chi phí vốn cho năng lượng tái tạo.
Xu hướng nào định hình ngành năng lượng tái tợ trong tương lai gần? Bà Hiền đánh giá, điện gió có dư địa phát triển.
“Với lợi thế về địa thế, Việt Nam có nhiều dư địa để phát triển điện gió. Theo quy hoạch điện 8, công suất tăng trưởng 18% từ nay tới 2045, đóng góp 35% trong tổng công suất cả nước. Điều này khá chắc chắn, nhiều doanh nghiệp phát triển điện gió lớn của nước ngoài đã hiện diện tại Việt Nam để tìm kiếm cơ hội ở mảng này”, bà Hiền cho biết.
Chuyên gia này cũng nêu, Việt Nam đang là điểm đến của dòng vốn năng lượng tái tạo. Trên bình diện thế giới, bất chấp lo ngại suy thoái kinh tế, những thương vụ năng lượng tái tạo vẫn diễn ra mạnh mẽ. Nửa đầu 2022, M&A tăng trưởng gần gấp đôi so với 2021. Việc thắt chặt tiền tệ làm giảm hấp dẫn của thị trường chứng khoán, thương vụ M&A lĩnh vực khác giảm nhưng năng lượng tái tạo vẫn mạnh mẽ.
Việt Nam nằm trong top 20 nước có công suất năng lượng tái tạo lớn nhất thế giới, cũng dẫn đầu về công suất Đông Nam Á, nhưng cơ hội cho các nhà đầu tư Việt đầu tư vào doanh nghiệp năng lượng tái tạo khá ít. Nhìn sang Thái Lan, quy mô điện gió ít hơn, nhưng doanh nghiệp mảng này chiếm 8,7% quy mô vốn hóa trên thị trường chứng khoán. Các nhà đầu tư Thái có nhiều cơ hội lựa chọn đầu tư vào doanh nghiệp năng lượng tái tạo.
Tại Việt Nam, đa số doanh nghiệp năng lượng tái tạo trên thị trường chứng khoán hiện nay đều có tỷ trọng tham gia mảng bất động sản cao. Theo đó, định giá doanh nghiệp thấp hơn so với doanh nghiệp có tỷ trọng cao ở mảng năng lượng tái tạo.
“Với quy mô công suất năng lượng tái tạo hiện nay của Việt Nam, chỉ cần 30% trong đó được niêm yết trên thị trường chứng khoán thì quy mô vốn hóa là bao nhiêu? Dự kiến 10% quy mô vốn hóa thị trường, tạo cơ hội cho nhà đầu tư để lựa chọn đầu tư vào ngành có sức nóng”, chuyên gia VND nhận định.
Biết đường đi nước bước, đi theo lối nhỏ là lối an toàn
Tại buổi chia sẻ với giới đầu tư, bà Đỗ Tú Anh, Phó tổng giám đốc TNG cho biết, hiện doanh nghiệp có 14 nhà máy năng lượng tái tạo. Tổng sản lượng điện đang phát lên lưới là 4,3 tỷ Kwh hàng năm. Trong đó, điện gió 700MW và 120MW là thủy điện, còn lại là điện mặt trời.
Tính đến tháng 10/2021, công ty có tổng 1,63 GW điện năng đóng góp vào nguồn điện của cả nước và là doanh nghiệp tư nhân duy nhất của Việt Nam tham gia vào quá trình truyền tải điện với Trạm biến áp 500KV và các đường dây 500KV, 220KV đấu nối vào hệ thống điện quốc gia.
Theo lãnh đạo doanh nghiệp, với quy hoạch điện 8, TNG kỳ vọng tăng thêm 3 GW vào năm 2026, đưa tổng công suất lên mức 4,8 GW.
Doanh thu của công ty dự phóng năm 2023 là hơn 300 triệu USD. Hiện dù có tăng lãi suất nhưng bù lại từ tỷ giá tăng. Biên lợi nhuận trước thuế, khấu hao và lãi vay (Ebitda) đạt khoảng 90%, dự kiến đạt 293 triệu USD vào cuối 2023. Doanh thu sẽ đạt mốc 1 tỷ USD vào 2026, Ebitda 903 triệu USD.
Bà Đỗ Tú Anh, Phó tổng giám đốc TNGĐề cập về khả năng trả nợ của doanh nghiệp, bà Tú Anh cho biết, TNG có các khoản vay ngân hàng và trái phiếu, khoảng 27.000 tỷ, trong đó khoảng 20.000 tỷ trực tiếp liên quan tới các dự án năng lượng tái tạo. Tương tự như tín dụng, với trái phiếu cũng được nghiên cứu, thẩm định “gắt”.
“Trái phiếu liên quan dự án hay khoản vay của Trung Nam thì không có vấn đề gì. Chúng tôi đang thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với ngân hàng, với trái chủ. Nếu không đã nhảy nhóm nợ”, Phó tổng giám đốc TNG chia sẻ.
Trả lời nhà đầu tư, ông Nguyễn Tâm Tiến, CEO TNG cho biết, Trung Nam bước vào ngành năng lượng và đạt được “vương miện”, nhưng khó nhất là làm sao giữ được "vương miện".
“Trong quá trình làm sinh ra vấn đề chúng tôi phải tự giải quyết. Bí quyết ở công tác chuẩn bị. Kỹ sư của Trung Nam rất bình thường chứ không có gì quá xuất sắc, nhưng trong quá trình làm họ trở nên xuất sắc”, lãnh đạo TNG chia sẻ.
Ngoài chuẩn bị, bí quyết nữa đến từ việc học cách làm của nước ngoài, tạo quy trình làm việc chuẩn chỉnh. Bên cạnh đó, Trung Nam có tiềm lực lớn là con người, là sự am hiểu thị trường, địa phương, biết đường đi nước bước, chọn đi theo lối nhỏ là lối an toàn.
Ông Tiến chia sẻ, nếu với bất động sản, doanh nghiệp làm được khoảng 20% thì có thể bán được nhà nhưng với năng lượng tái tại thì phải triển khai tới khâu cuối cùng mới thu được tiền. Ngành này hấp dẫn ở tính ổn định, sản phẩm không dùng thì còn đó, các chi phí tiếp thị thấp.
“GDP danh nghĩa của Việt Nam là 370-380 tỷ USD, hiện nhu cầu sử dụng điện của người Việt là 1.400 Kwh/năm, giá điện còn thấp. Thị trường còn rất lớn”, ông Tiến nhận định.
Trong quá khứ, TNG đã thành công nhờ sự chuẩn bị kỹ càng. Đó là thuận lợi rất lớn làm nền tảng, cơ sở cho doanh nghiệp tiếp tục triển khai các dự án tương lai. Theo lãnh đạo công ty, ngày 1/11 vừa qua TNG vừa ký Hợp tác chiến lược với Siemens Gamesa tại Hà Nội và làm việc thêm với các quỹ tín dụng của Đan Mạch, Đức như một sự chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo.
Lãnh đạo công ty cho biết, cùng với mảng năng lượng, Trung Nam cũng có nguồn thu nhất định đến từ các lĩnh vực trong hệ sinh thái của mình bao gồm hạ tầng, xây dựng, công nghiệp điện tử, bất động sản,... tất cả các lĩnh vực đang vận hành và bổ trợ cùng nhau phát triển, đảm bảo sự tăng trưởng chung của doanh nghiệp.