Niềm tin của nhà đầu tư chưa được thể hiện ngay trong phiên VN-Index tăng điểm hôm qua khi biên độ tăng từ gần 20 điểm co lại chỉ còn 2,41 điểm. Sang đến phiên hôm nay, VN-Index vẫn cần sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu Bluechips để duy trì sắc xanh.
Định vị thị trường
Thị trường chứng khoán Mỹ đang trong giai đoạn trầm lắng "trước cơn bão" với chỉ số đo lường biến động VIX liên tục suy giảm. Các phiên hồi phục nhẹ của các chỉ số Dow Jones, S&P 500, NASDAQ mang yếu tố kỹ thuật trước đường xu hướng dài hạn MA200.
Giới đầu tư thế giới đang chờ đợi thông tin về cuộc điều trần của chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và đặc biệt là số liệu việc làm tại Mỹ cuối tuần này. Cho đến nay, khả năng FED tăng lãi suất vẫn khá cao khi nền kinh tế Mỹ mạnh hơn và lạm phát nóng hơn kỳ vọng.
Tại châu Á, các chỉ số chứng khoán Trung Quốc và Đài Loan, Hàn Quốc đang giữ được vị thế tiên phong và duy trì được sự hồi phục trong các phiên gần đây. Sắc xanh của các chỉ số SHCMP, KOSPI, TWSE tiếp tục được duy trì qua đó tạo thuận lợi cho sắc xanh tiếp tục ở lại với thị trường Việt Nam.
Chất xúc tác
Sự tích cực của thị trường chứng khoán Đài Loan cũng giúp cho dòng tiền của nước này có thể "hào phóng" hơn với thị trường Việt Nam. Thông tin mới nhất từ Fubon, là quỹ Fubon FTSE Vietnam ETF đã được Ủy ban Quản lý và Giám sát Tài chính thông qua đợt huy động vốn bổ sung lần thứ 5 với số vốn 5 tỷ TWD ( xấp xỉ 160 triệu USD).
Đây là nguồn tiền không quá lớn để bổ sung vào thị trường Việt Nam nhưng ít nhất sẽ giúp cải thiện trạng thái trong ngắn hạn. Sau 3 tuần liên tiếp bị khối ngoại bán ròng, đã có hơn 3.000 tỷ đồng bị khối ngoại rút ra.
Ngay ở phiên sáng nay, khối ngoại đã quay lại mua ròng hơn 80 tỷ đồng với các mã STB (+25,6 tỷ đồng), HDB (+17,11 tỷ đồng), CTG (+16,39 tỷ đồng), SSI (+15,35 tỷ đồng) được mua vào nhiều nhất.
Trong khi đó, tiền nội hiện vẫn tỏ ra yếu kém và bị động nên gần như chưa giúp HOSE có sự cải thiện về thanh khoản. Giá trị giao dịch phiên sáng của sàn còn kém hơn cùng thời điểm phiên hôm qua gần 300 tỷ đồng, đạt 3.107 tỷ đồng.
Vận động nhóm ngành
Nhóm ngành Bất động sản hôm qua đã được khích lệ nhờ Nghị định 08 với nhiều mã tăng trần. Đến sáng nay, một loạt cổ phiếu như DIG (-2,8%), DXG (-1,9%), NLG (-1,2%), CTD (-0,7%), HBC (-0,6%) lại trở lại giảm giá. Như vậy, việc tăng chớp nhoáng vẫn hoàn toàn chưa tạo ra niềm tin cho nhà đầu tư nói chung.
Chỉ còn lại nhóm Ngân hàng vẫn còn ở lại để nâng đỡ chỉ số. VCB (+1,1%) đang thể hiện đúng vai trò trụ đỡ và lôi kéo được CTG (+1,4%), BID (+1,4%), ACB (+1%), HDB (+1,4%), EIB (+4,9%). Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, trong tháng 2/2023, mặt bằng lãi suất đã ổn định và thực tế, lãi suất trên thị trường đã có xu hướng giảm. Lãi suất cho vay bình quân phát sinh mới đã giảm khoảng 0,4%/năm so với cuối năm 2022, trong đó đã có 22 NHTM giảm lãi suất cho vay bình quân.
Bên cạnh Ngân hàng, một số cổ phiếu như VJC (+3,2%), MSN (+3%), HPG (+2,5%), VRE (+1,9%) cũng đang tham gia ở nhóm VN30 để giúp cho VN-Index tăng 0,78% lên 1.035,22 điểm.
Đóng góp về quy mô giao dịch của VN30 đang chiếm 48% tổng giá trị toàn HOSE. Với hơn 50% còn lại, thị trường gần như không có nhiều gương mặt nổi bật. Các cổ phiếu như Đầu tư công và Dầu khí gần như không thể bung sức dù xu hướng đang là tích cực nhất thị trường. Các mã PVT (+0,7%), PVD (-0,2%), VCG (+0,5%), HHV (+0,4%), LCG (-0,8%) chủ yếu giao dịch lình xình.
Trên HNX, PVS (-0,8%) tỏ ra rất "thờ ơ" khiến HNX-Index giảm 0,05% xuống 206,45 điểm. Giá trị giao dịch của sàn chỉ hơn 300 tỷ đồng.