Dù trải qua không ít khó khăn vào giai đoạn cuối năm, Việt Nam vẫn khép lại năm 2022 với tăng trưởng GDP cả năm hơn 8,0%, mức cao nhất trong vòng 25 năm qua. Kết quả đó đã giúp Việt Nam, một lần nữa lại lọt vào nhóm các nước tăng trưởng vượt trội của châu Á, có thể chỉ sau Malaysia.
Song, ẩn dưới con số tăng trưởng cao này, là không ít rủi ro đối với tăng trưởng của năm 2023, đến từ cả tác động của kinh tế toàn cầu, và các yếu tố nội tại.
Nhiều chuyên gia và các tổ chức quốc tế đã chỉ ra, trong năm 2023, những thách thức lớn với nền kinh tế liên quan đến việc suy giảm tổng cầu, lạm phát, lãi suất và giải ngân vốn đầu tư công… Đặc biệt, các rủi ro lớn nhất tập trung vào thương mại.
Ngân hàng Thế giới đã bày tỏ quan ngại khi hai động lực tăng trưởng quan trọng của Việt Nam là xuất khẩu và tiêu dùng nội địa đang có dấu hiệu chững lại. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng lo có nỗi lo này, đặc biệt là khi dòng tiền, thanh khoản của doanh nghiệp đang gặp khó.
Tuy nhiên, vẫn còn những cơ hội tăng trưởng ở đó. Theo HSBC, đầu tư nước ngoài tiếp tục là mỏ neo vững chãi cho thương mại của Việt Nam mặc dù triển vọng ngắn hạn vẫn còn thách thức.
Báo chí quốc tế liên tục đưa tin về việc Apple dự định sẽ bắt đầu sản xuất máy tính MacBook ở Việt Nam từ giữa năm 2023. Quyết định này không hẳn gây ngạc nhiên vì nhà cung cấp Foxconn của Apple đã thuê 50,5ha đất ở Bắc Giang vào tháng 8 năm ngoái, dự kiến để làm dự án mới có tổng đầu tư trị giá 300 triệu USD. Những diễn biến này cho thấy một điều: Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn ở ASEAN đối với nhà đầu tư nước ngoài.
Đồng thời, ngành du lịch của Việt Nam cũng còn nhiều cơ hội để tiếp tục phục hồi, khi Trung Quốc mở cửa trở lại từ 8/1, nhiều khả năng sẽ mang lại cú hích cần thiết.
Tình hình lạm phát Mỹ đã có dấu hiệu hạ nhiệt trong một vài tháng vừa qua, FED được kỳ vọng sẽ điều chỉnh giảm cường độ tăng lãi suất. Áp lực tỷ giá trong nước theo đó cũng sẽ giảm dần và đây sẽ là tín hiệu tích cực cho nền kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng.
Trong bối cảnh đó, các chuyên gia đồng thuận rằng, tinh thần cần có là lạc quan, nhưng đồng thời cũng thận trọng. Nền kinh tế Việt Nam, từng doanh nghiệp, nhà đầu tư đều cần chuẩn bị thật tốt để sẵn sàng đương đầu với thách thức, và không quên nắm bắt các cơ hội sắp đến.
Vậy, Chính phủ, doanh nghiệp, nhà đầu tư và mỗi người lao động cần chuẩn bị ra sao để sẵn sàng cho những thách thức? Điều gì đang chờ đợi thị trường trong năm 2023 sắp tới?
“Sẵn sàng 2023” là những câu chuyện từ chuyên gia, doanh nhân, nhà quản lý… Chia sẻ những góc nhìn của mình về vấn đề này, họ kể câu chuyện của mình, của năm 2022 và kế hoạch cho một năm 2023, đầy những thách thức, nhưng cũng chứa đựng những cơ hội mới mà chỉ trong khó khăn lớn mới tìm thấy.