Giá vàng SJC đi ngang
Mở cửa phiên giao dịch sáng nay (9/1), giá vàng trong nước không có nhiều biến động so với cuối tuần trước, vẫn đang giao dịch quanh mốc 66,5 triệu đồng/lượng chiều mua và 67,2 triệu đồng/lượng.
Cụ thể, giá vàng miếng SJC tại Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) đang ở ngưỡng 66,5 – 67,3 triệu đồng/lượng, tăng 50 nghìn đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với phiên liền trước. Chênh lệch giá mua vào - bán ra ở ngưỡng 800 nghìn đồng/lượng.
Trong khi đó, giá vàng DOJI bán lẻ tại Hà Nội không có nhiều biến động, vẫn đang niêm yết ở mức 66,2 – 67,2 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giá mua vào - bán ra ở mức 1 triệu đồng/lượng.
Tại Tập đoàn vàng bạc đá quý Phú Quý, giá vàng miếng đang được giao dịch ở ngưỡng 66,45 – 66,25 triệu đồng/lượng, tăng 50 nghìn đồng/lượng ở chiều mua và 350 nghìn đồng/lượng chiều bán trong khi tại PNJ, giá vàng không có nhiều biến động, vẫn đang được giao dịch ở ngưỡng 66,3 – 67,2 triệu đồng/lượng.
Với sản phẩm nhẫn tròn trơn, giá vàng cũng được điều chỉnh tăng nhẹ từ 50 đến 180 nghìn đồng/lượng tùy doanh nghiệp.
Giá vàng niêm yết tại một số doanh nghiệp kinh doanh vàng lớn. Tổng hợp: Linh LinhGiá vàng trong nước không có nhiều biến động bất chấp trên thị trường thế giới, giá kim loại quý đang tăng khá mạnh khi đồng USD giảm, giúp kim loại quý trở nên hấp dẫn hơn đối với người mua bằng ngoại tệ khác.
Giá vàng giao ngay trên Kitco hiện đang ở mức 1.887,4 USD/ounce, tăng 12,7 USD, tương đương 0,68% so với chốt phiên trước. Quy đổi theo tỷ giá tại Vietcombank, giá vàng thế giới đang được giao dịch ở mức 53,5 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá vàng trong nước khoảng 13 triệu đồng/lượng.
Biểu đồ: KitcoĐã bước vào xu hướng tăng?
Theo giới phân tích, vàng đã bắt đầu có dấu hiệu của một mô hình tăng giá vào quý 4 năm 2022. Theo đó, mục tiêu tiếp theo mà kim loại quý cần vượt qua là ngưỡng cản 1896,5 USD/ounce.
Dữ liệu vĩ mô mới nhất từ Mỹ kéo vàng trở lại mức cao nhất trong 6 tháng sau khi nền kinh tế và việc làm của Mỹ có dấu hiệu hạ nhiệt.
Cụ thể, số liệu mới công bố cho thấy tốc độ tăng trưởng việc làm của Mỹ chậm lại một cách khiêm tốn trong tháng 12, với bảng lương phi nông nghiệp của Mỹ tăng 223.000 vào tháng trước. Một trong những động lực tích cực đối với vàng từ báo cáo là áp lực tiền lương đang giảm, đây là dấu hiệu cho thấy lạm phát đang hạ nhiệt.
Ngoài ra, lĩnh vực dịch vụ của Mỹ tháng 12 đã giảm lần đầu tiên sau 30 tháng, với chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành dịch vụ đạt mức 49,6%. Mức giảm 6,9 điểm phần trăm gây bất ngờ cho thị trường khi các chuyên gia trước đó dự đoán chỉ số đạt 55%.
Sau một loạt các dữ liệu kinh tế quan trọng được công bố, các thị trường bắt đầu định giá tới 74,2% khả năng lãi suất sẽ tăng 25 điểm cơ bản vào tháng Hai. Điều này đang khiến đồng bạc xanh mất đi hỗ trợ. Tại thời điểm khảo sát, chỉ số US Dollar Index (DXY), đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) đứng ở mức 103,57, giảm tới 0,3% so với chốt phiên trước.
Hiện, các nhà đầu tư đang dồn sự chú ý tới thông tin về lạm phát, dự kiến sẽ được công bố trong tuần này, đặc biệt là sau biên bản cuộc họp tháng 12 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho thấy các quan chức ngân hàng trung ương Hoa Kỳ cảm thấy cần phải làm nhiều việc hơn để đối phó với áp lực giá cả.