Ngày 18/7, Công ty TNHH Saigon Glory, công ty thành viên của Tập đoàn Bitexco có thông báo gửi Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) về việc chậm thanh toán gốc lô trái phiếu có mã SGL 2020.05.
Theo thông báo, lô trái phiếu mã SGL 2020.05 có giá trị phát hành là 1.000 tỷ đồng, được Saigon Glory phát hành vào ngày 10/7/2020 và đáo hạn vào ngày 10/7/2023.
Tuy nhiên, đến ngày thanh toán theo kế hoạch là 10/7/2023, Saigon Glory mới trả được số tiền lãi của lô trái phiếu là gần 29,2 tỷ đồng, số tiền gốc còn lại doanh nghiệp chưa thể trả đúng hạn.
Saigon Glory cho biết, lý do chậm thanh toán là do thị trường tài chính, thị trường giao dịch bất động sản diễn biến không thuận lợi, dẫn đến tổ chức phát hành chưa thu xếp kịp nguồn tiền để thanh toán gốc trái phiếu đúng hạn so với kế hoạch.
Thông tin thêm về kế hoạch thanh toán dự kiến Saigon Glory cho hay, doanh nghiệp đã thực hiện hội nghị người sở hữu trái phiếu để xin ý kiến điều chỉnh kỳ hạn trái phiếu. Song, tỷ lệ tham dự hội nghị không đủ túc số để tổ chức. Hiện doanh nghiệp đã và đang phối hợp cùng các bên liên quan để thực hiện lấy ý kiến trái chủ bằng văn bản phê duyệt phương án gia hạn trái phiếu.
Trước đó, với lý do tương tự, Saigon Glory đã chậm thanh toán gốc 3 lô trái phiếu có mã SGL 2020.01, SGL 2020.02, SGL 2020.03, với tổng giá trị 3.000 tỷ đồng. 3 lô trái phiếu này được công ty phát hành vào tháng 6/2020 và đáo hạn vào tháng 6/2023. Hiện công ty mới thanh toán được số tiền lãi của mỗi lô trái phiếu là 29,5 tỷ đồng.
Saigon Glory được biết đến là chủ đầu tư của dự án Khu văn phòng – thương mại - dịch vụ - căn hộ ở - khách sạn 6 sao và văn phòng khách sạn (khu tứ giác Bến Thành), tên thương mại là The Spirit of Saigon. Dự án tọa lạc tại vị trí đắc địa với 4 mặt tiền đường Lê Thị Hồng Gấm – Calmette – Phạm Ngũ Lão – Phó Đức Chính, đối diện chợ Bến Thành và kết nối với Ga Metro Bến Thành.
Để triển khai dự án, giữa năm 2020, Saigon Glory đã phát hành 10 lô trái phiếu có mã thứ tự từ SGL-2020.01 đến SGL-2020.10, với tổng giá trị 10.000 tỷ đồng. Các lô trái phiếu do Saigon Glory phát hành có kỳ hạn 3 hoặc 5 năm.
Theo đó, ngoài 4 lô trái phiếu đã đến hạn nêu ở trên, ngày 28/7 tới đây, lô trái phiếu mã SGL-2020.04 trị giá 1.000 tỷ đồng của Saigon Glory cũng sẽ đến hạn thanh toán. Trong khi, các lô trái phiếu mã thứ tự từ SGL-2020.06 đến SGL-2020.10 sẽ đáo hạn vào tháng 8/2025.
Thông tin về các lô trái phiếu Saigon Glory phát hành, Tập đoàn Bitexco cho biết, trong thời gian vừa qua, Saigon Glory đã thực hiện trả lãi trái phiếu đầy đủ và đúng hạn. Tổng số tiền thanh toán lãi cho các lô trái phiếu từ lúc phát hành (tháng 6/2020) tới tháng 6/2023 là 3.086 tỷ đồng. Riêng trong năm 2022, Saigon Glory đã có 40 đợt thanh toán lãi trái phiếu với tổng số tiền là 1.100 tỷ đồng.
Theo Bitexco, sau hai năm khó khăn, ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19 và cuộc chiến tranh Ukraine, từ năm 2022 tới nay tình hình kinh tế suy thoái, lạm phát diễn ra trên phạm vi toàn cầu khiến thị trường tài chính, tín dụng trong nước bị siết chặt, thị trường bất động sản đóng băng, ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động kinh doanh của hầu hết các doanh nghiệp, trong đó có các tổ chức phát hành trái phiếu.
Những biến động này làm cho Saigon Glory chịu gánh nặng và áp lực rất lớn về vốn, không thể thực hiện được kế hoạch đầu tư xây dựng, kinh doanh và phát triển dự án ban đầu cũng như các nghĩa vụ liên quan.
Các chỉ tiêu tài chính cơ bản của Saigon Glory năm 2022 - Nguồn: BCTC Saigon Glory
Theo báo cáo tài chính năm 2022, Saigon Glory báo lỗ sau thuế 152 tỷ đồng, trong khi năm 2021 lãi hơn 290 tỷ đồng. Do vậy, tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu (ROE) suy giảm từ 4,15% xuống mức -2,22%.
Tại ngày 31/12/2022, vốn chủ sở hữu của Saigon Glory đạt gần 6.848 tỷ đồng, giảm nhẹ so với năm 2021. Nợ phải trả gấp 3,99 lần vốn chủ sở hữu, tương đương 27.323 tỷ đồng (hơn 1,1 tỷ USD), trong đó, dư nợ vay trái phiếu là 10.000 tỷ đồng. Như vậy, tổng tài sản của Saigon Glory đến cuối năm 2022 đạt 34.169 tỷ đồng, tăng 3% so với đầu năm.
Trong một báo cáo mới phát hành về thị trường trái phiếu, Công ty chứng khoán VNDIRECT cho biết, trong bối cảnh hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn khó khăn, thị trường bất động sản còn trầm lắng doanh nghiệp gặp khó về dòng tiền và hạn chế khả năng tiếp cận nguồn vốn, danh sách các doanh nghiệp chậm thanh toán các nghĩa vụ nợ trái phiếu vẫn tiếp tục tăng lên.
Tính đến ngày 26/6/2023, có khoảng 59 doanh nghiệp nằm trong danh sách chậm nghĩa vụ thanh toán lãi hoặc nợ gốc trái phiếu doanh nghiệp theo thông báo của HNX.
“Chúng tôi ước tính, tổng dư nợ trái phiếu doanh nghiệp của các doanh nghiệp này vào khoảng 159,5 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 14,6% dư nợ trái phiếu toàn thị trường. Khoảng hơn 43,8 nghìn tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp của các doanh nghiệp trong danh sách sẽ đáo hạn trong năm 2023, chiếm khoảng 19,6% tổng giá trị đáo hạn toàn thị trường cả năm”, báo cáo VNDIRECT nêu.