Thị trường "tắt thanh khoản" mang ý nghĩa tích cực

Ông Nguyễn Thế Minh

Giám đốc Phân tích Khách hàng cá nhân CTCK Yuanta Việt Nam

Thanh khoản của những phiên giao dịch tuần qua đã sụt giảm xuống mức thấp của 2024 cho thấy sự thận trọng đáng kể của nhà đầu tư sau khi xuất hiện sự kiện bão Yagi. Nhà đầu tư đang quan sát sự ảnh hưởng của bão Yagi lên thị trường cũng như đánh giá những tác động lên nền kinh tế.

Hiện các số liệu thống kê về thiệt hại vẫn chưa đầy đủ trong tuần vừa qua khiến cho bức tranh vẫn chưa thực sự rõ ràng.

Tuy nhiên, theo quan sát của tôi trong các phiên gần đây, tốc độ giảm đã chậm lại khi về quanh 1.245-1.250 điểm. Đâu đó đã có sự phân hóa giữa các cổ phiếu trong đó nhóm Bluechips vẫn vượt trội và hút được dòng tiền. Còn nhóm Midcap và Penny cũng hồi phục trong các phiên gần đây.

Đây là trạng thái "tắt thanh khoản" và có ý nghĩa tích cực trong bối cảnh hiện tại. Người bán không còn nhu cầu phải bán ra nữa. Vấn đề chủ yếu đến từ người mua khi vẫn còn mang tâm lý như tôi đã đề cập ở trên.

Theo thống kê của bộ phận phân tích Yuanta, từ năm 2006 cho đến nay, xác suất bão tác động tiêu cực lên thị trường là thấp. Lần gần nhất vào năm 2022 nhưng khi đó, thị trường còn chịu thêm những yếu tố bất ổn từ thị trường Bất động sản.

Nhìn chung, với tầm nhìn 3-6 tháng thậm chí một năm, yếu tố thiên tai như bão không tác động tiêu cực tới thị trường. Có chăng chỉ là những xáo trộn trong ngắn hạn và sẽ nhanh chóng qua đi.

Trước sự kiện bão Yagi, chúng tôi đã đưa ra dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 của Việt Nam có thể đạt 6,2%. Con số này có thể sẽ buộc phải điều chỉnh lại tuy nhiên vẫn mức tăng trưởng GDP vẫn có thể đạt trên 6%.

"Tắt thanh khoản" sau bão Yagi, thị trường có ổn?
Nhóm Tài chính và Tiêu dùng tăng trưởng mạnh (Nguồn CTCK Yuanta Việt Nam)

Các câu chuyện có thể bù đắp cho nền kinh tế cuối năm là xuất khẩu, FDI và đầu tư công. Điểm nhấn đến từ chi phí nguyên vật liệu hạ nhiệt, cước vận tải giảm sau khi giá dầu cũng đang suy yếu.

Ngoài ra, cũng không loại từ các gói kích kích bao gồm cả tài khóa và tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi sau bão. Đây là điều nhà đầu tư cũng sẽ phải xem xét trong thời gian tới.

Thời điểm “chọn mặt gửi vàng"

Ông Đoàn Minh Tuấn

Trưởng phòng Nghiên cứu và Đầu tư FIDT

Sau 2 năm thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt rất mạnh, FED đã xác định đây là thời điểm đảo chiều chính sách trên. Cuộc họp sẽ diễn ra trong tuần này.

Khi Fed giảm lãi suất, kinh tế toàn cầu thoát khỏi áp lực lãi suất USD vùng đỉnh trên 5,0%. Lãi suất thấp giúp Mỹ và kinh tế toàn cầu có thể bắt đầu tăng trưởng trở lại trong 2025 – 2026.

Dòng vốn USD cải thiện và lan tỏa khi lãi suất USD giảm sâu. Đây là cơ hội cho dòng vốn FII đảo chiều tại các nền kinh tế châu Á – Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Bên cạnh các động lực tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ đến từ khu vực FDI – sản xuất – thương mại, thì kinh tế toàn cầu và Việt Nam vẫn còn tồn đọng 1 số rủi ro nhất định.

Trong đó, nhóm rủi ro ngắn hạn liên quan thanh khoản thị trường khi FII vẫn bán ròng. Tuy nhiên, rủi ro này sẽ giảm dần trong trung hạn khi nội tại Kinh tế Việt Nam tiếp tục cải thiện nhanh; Xu hướng thanh khoản – lãi suất cải thiện nhanh sắp tới.

Nhóm rủi ro trung hạn liên quan sức khỏe kinh tế Việt Nam như bất động sản cũng sẽ giảm dần khi được Chính phủ nỗ lực hỗ trợ.

Nhóm rủi ro trung hạn liên quan điều kiện kinh tế - chính trị toàn cầu bao gồm các yếu tố rủi ro tiềm tàng như cuộc bầu cử Mỹ đang đến gần; kinh tế Mỹ suy yếu đáng quan ngại và rủi ro địa chính trị toàn cầu tăng cao.

Ngay trong ngắn hạn, có thể thấy biến động trên thị trường chứng khoán có tính phân hóa rất cao. Tuy nhiên, giai đoạn này cũng là thời điểm “chọn mặt gửi vàng” đối với các cơ hội đầu tư trung hạn, với định giá “rất mềm”, nhờ vào các giai đoạn điều chỉnh liên tục vừa qua.

Mức P/E và P/B của thị trường chung đang ở mức rất hấp dẫn, cho thấy không gian “re-rating” các vùng định giá P/E và P/B theo tăng trưởng kinh tế chung, tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp trong 2 – 4 quý tới là cao. Không gian tăng trưởng đối với VN-Index sẽ không dừng lại ở vùng 1.300 trong 6 tháng tới.

Bên cạnh đó, gần như chắc chắn Việt Nam sẽ được nâng hạng trong thời gian tới. Vùng định giá hấp dẫn này sẽ là yếu tố thu hút dòng vốn ngoại đáng kể trong 6 – 12 tháng tới.

Thị trường trong giai đoạn tích lũy cho sóng tăng cuối năm

Ông Đinh Quang Hinh

Trưởng Bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường Khối Phân tích, VNDIRECT

Thị trường tiếp tục trải qua một tuần giao dịch trầm lắng, điều này phản ánh sự thận trọng trước những diễn biến vĩ mô quan trọng bao gồm (1) kỳ họp lãi suất sắp tới của Fed diễn ra vào giữa tuần sau với dự báo Fed có tiến hành cắt giảm lãi suất lần đầu trong năm nay, (2) thị trường chờ xem phản ứng của NHNN sau động thái cắt giảm lãi suất của Fed và (3) cơn bão Yagi lớn nhất trong hàng chục năm qua đổ bộ vào miền Bắc Việt Nam gây gián đoạn tới hoạt động sản xuất kinh doanh của một bộ phận doanh nghiệp.

Tôi vẫn giữ quan điểm tích cực đối với triển vọng của thị trường chứng khoán Việt Nam trong giai đoạn cuối năm và kịch bản VN-Index vượt mốc 1.300 điểm trong năm nay hoàn toàn khả thi nhờ những yếu tố hỗ trợ sau  như Fed dự kiến hạ lãi suất điều hành khoảng 0,75% trong những tháng cuối năm, áp lực tỷ giá và lạm phát hạ nhiệt giúp NHNN có điều kiện để chuyển hướng mục tiêu sang ưu tiên tăng trưởng kinh tế, gia tăng cung tiền và duy trì mặt bằng lãi suất ở vùng thấp.

Trong khi đó, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết tiếp tục cải thiện và tiến triển mới trong câu chuyện nâng hạng thị trường.

Đồng thời, kinh nghiệm quá khứ cho thấy “đỉnh thị trường luôn xuất hiện trong giai đoạn giao dịch sôi động và đáy thị trường hình thành khi thanh khoản thị trường trầm lắng”.

"Tắt thanh khoản" sau bão Yagi, thị trường có ổn?
VN-Index đang ở trong giai đoạn tích lũy cho sóng tăng cuối năm.

Do vậy, tôi cho rằng VN-Index đang ở trong giai đoạn tích lũy cho sóng tăng cuối năm và nhà đầu tư nên tận dụng giai đoạn này để gia tăng tỷ trọng cổ phiếu quanh vùng hỗ trợ 1.250 điểm của VN-Index, ưu tiên những nhóm ngành có câu chuyện tăng trưởng tích cực cuối năm như ngân hàng, chứng khoán, xuất nhập khẩu (dệt may, thủy sản, đồ gỗ) và bất động sản khu công nghiệp.