Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (mã GVR) mới tổ chức hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm với doanh thu hợp nhất ước đạt 10.092 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế hợp nhất ước đạt 1.909 tỷ đồng, lần lượt tăng 6%, 4% so với cùng kỳ 2023. Tập đoàn dự kiến nộp ngân sách 967 tỷ đồng.
Tính riêng quý II vừa qua, GVR ước doanh thu đạt 5.507 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế khoảng 1.131 tỷ đồng, tăng 29% và 27% so với cùng kỳ 2023.
Năm 2024, GVR đặt mục tiêu doanh thu 24.999 tỷ đồng, tăng 13% và lợi nhuận trước thuế dự kiến 4.104 tỷ đồng, gần như đi ngang so với thực hiện năm ngoái. Với kết quả đạt được sau nửa đầu năm, tập đoàn đã thực hiện được 40% kế hoạch doanh thu và 47% mục tiêu lợi nhuận cả năm đề ra.
Ban lãnh đạo GVR cho biết giá bán mủ cao su trên đà phục hồi, các cơ chế chính sách để triển khai thực hiện đầu tư dần được khai thông nhưng các yếu tố khách quan khác như biến đổi khí hậu, nắng hạn kéo dài ảnh hưởng lớn đến sản lượng mủ thu hoạch, tình trạng thiếu lao động cạo mủ ở một số khu vực, giá cả, chi phí đầu vào cho sản xuất liên tục tăng… là thách thức chủ yếu đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của tập đoàn từ đầu năm đến nay.
Mặc dù kết quả kinh doanh dự kiến tương đối tích cực nhưng diễn biến giá cổ phiếu GVR trên thị trường chứng khoán lại trái ngược khi liên tục sụt giảm thời gian qua. Tạm chốt phiên giao dịch sáng 22/7, cổ phiếu GVR giảm 4,5%, xuống còn 32.950 đồng/cổ phiếu. Như vậy GVR giảm 14% sau một tuần giao dịch nhưng vẫn cao hơn khoảng 55% so với đầu năm 2024. Vốn hoá thị trường vào khoảng 132.000 tỷ đồng.
Bối cảnh cổ phiếu sụt giảm ngoài nguyên nhân do thị trường chung đang gặp áp lực điều chỉnh, ban lãnh đạo GVR cũng có sự thay đổi trong thời gian qua.
Cụ thể, ngày 17/7, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam, lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú, lệnh khám xét đối với 4 bị can trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Công ty Cao su Đồng Nai, Công ty Cao su Bà Rịa và các đơn vị có liên quan (trong đó có ông Trần Ngọc Thuận).
Theo thông báo của GVR, ngày 28/6/2024, tập đoàn đã nhận được đơn từ nhiệm thành viên HĐQT của ông Trần Ngọc Thuận ghi ngày 20/6/2024. Tập đoàn đã tiến hành lấy ý kiến các thành viên để thống nhất thông qua việc tiếp nhận đơn từ nhiệm. HĐQT GVR cũng đã phân công lại nhiệm vụ cho các thành viên còn lại để đảm bảo chỉ đạo, quản lý điều hành Tập đoàn được liên tục và thông suốt.
GVR cho biết sự việc xảy ra trong giai đoạn trước năm 2015 và trước khi Tập đoàn chuyển sang mô hình công ty cổ phần. Hiện Công ty đang phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền khi có yêu cầu.
Trước khi bị bắt, ông Trần Ngọc Thuận từng giữ chức Chủ tịch HĐQT GVR từ năm 2018, giai đoạn công ty chuyển sang mô hình công ty cổ phần trước khi được miễn nhiệm để làm thành viên HĐQT không điều hành vào đầu năm 2022. Ông Trần Công Kha được bầu thay thế để giữ chức Chủ tịch HĐQT và đảm nhiệm vị trí này cho đến nay.
ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 của GVR cũng đã bầu thêm ông Đỗ Hữu Phước và ông Nguyễn Đông Phong - Chủ tịch Hội đồng Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh vào làm thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2021 - 2026. Trong đó, ông Phong giữ vai trò là thành viên độc lập.