Tăng trưởng tín dụng thấp, các “ông lớn” ngân hàng đề xuất gì?

Dưới góc độ là các thành viên tham gia thị trường, lãnh đạo một loạt ngân hàng lớn đã đưa ra những khó khăn đang gặp phải cũng như kiến nghị nhằm đẩy nhanh tốc độ đẩy vốn ra nền kinh tế trong 6 tháng còn lại của năm.

Phát biểu tại Hội nghị Sơ kết hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm diễn ra ngày hôm nay (15/7), Phó thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết, đến cuối tháng 6/2023, lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới bằng VND của các ngân hàng thương mại đã giảm khoảng 1,0%/năm so với cuối năm 2022. Các ngân hàng thương mại (NHTM) đã chủ động điều chỉnh và triển khai các chương trình/gói tín dụng ưu đãi để giảm lãi suất cho vay với mức giảm khoảng 0,5-3,0%/năm tùy đối tượng khách hàng đối với các khoản vay mới.

Dù lãi suất cho vay đã giảm đáng kể, nhưng lượng tiền chảy vào nền kinh tế vẫn còn rất khiêm tốn khi kết thúc 6 tháng đầu năm, tín dụng toàn nền kinh tế mới chỉ đạt trên 12,49 triệu tỷ đồng, tăng 4,73% so với cuối năm 2022, tương đương mới được 1/3 mục tiêu tín dụng của cả năm (14%).

Dưới góc độ là các thành viên tham gia thị trường, lãnh đạo một loạt ngân hàng lớn đã đưa ra những khó khăn đang gặp phải cũng như kiến nghị nhằm đẩy nhanh tốc độ đẩy vốn ra nền kinh tế trong 6 tháng còn lại của năm.

Ông Phạm Đức Ấn- Chủ tịch HĐTV Agribank: Chính sách tài khóa sẽ đóng vai trò rất quan trọng

Mặc dù Agribank đưa rất nhiều giải pháp như giảm lãi suất cho vay từ 2-4% tuỳ theo đối tượng khách hàng, tổ chức nhiều đoàn công tác làm việc trực tiếp các chi nhánh trong toàn hệ thống để đánh giá nguyên nhân, tìm ra giải pháp tăng trưởng tín dụng nhưng tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm của ngân hàng vẫn ở mức thấp.

Việc tăng trưởng thấp của Agribank vừa do tính chất mùa vụ trong hoạt động nông nghiệp nhưng bên cạnh đó còn do những nguyên nhân cơ bản như khách hàng không đáp ứng các điều kiện cho vay, có khách hàng vay để đảo nợ tránh nợ xấu tại ngân hàng khác, để cơ cấu lại tài chính, thanh toán trái phiếu đã phát hành nhưng không đáp ứng điều kiện cho vay, hoặc là khách hàng trong tình trạng hoạt động cầm chừng, không có nhu cầu vay vốn vì không có thị trường tiêu thụ, thậm chí khi có nguồn sẵn sàng trả để giảm dư nợ để chờ thời cơ phục hồi kinh doanh.

Trong điều kiện hiện nay, chính sách tài khóa sẽ đóng vai trò rất quan trọng, đặc biệt phải khơi thông được giải ngân đầu tư công, qua đó sẽ góp phần tăng nguồn lực cho nền kinh tế, nâng sức cầu trong nước.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần tạo cơ chế tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp nhà nước, các ngân hàng thương mại nhà nước, qua đó ưu tiên quản lý mục tiêu thay cho quản lý hành vi, để ngân hàng thương mại nhà nước chủ động, linh hoạt, có nhiều giải pháp sáng tạo trong đầu tư vào công nghệ, phối hợp với các công ty Fintech để tạo các sản phẩm dịch vụ mới một cách nhanh nhất đáp ứng yêu cầu cạnh tranh.

Cuối cùng, chúng tôi mong muốn Chính phủ trình Quốc hội thông qua chủ trương từ năm 2024 cho phép áp dụng cơ chế tăng vốn điều lệ hàng năm cho Agribank từ phần lợi nhuận nộp ngân sách nhà nước của Agribank.

Ông Phan Đức Tú – Chủ tịch Ngân hàng BIDV: Cần tăng vốn cho các ngân hàng thương mại nhà nước.

Chúng tôi muốn đề xuất Chính phủ, các Bộ, ngành chỉ đạo có hiệu quả chương trình phục hồi phát triển kinh tế, tháo gỡ khó khăn, phát triển thị trường vốn.

Việc tăng khả năng phục hồi cho nền kinh tế cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp cả cung và cầu, thực hiện chính sách tài khoá mạnh mẽ, mở rộng, giảm áp lực cho nền kinh tế, tạo điều kiện cho doanh nghiệp triển khai các kế hoạch kinh doanh.

Quảng cáo

Bên cạnh đó, một việc quan trọng là cần tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại nhà nước.

Đồng thời, tăng cường tạo niềm tin thị trường, theo đó tăng cường phổ biến các kiến thức về hoạt động kinh doanh, về tài chính – ngân hàng, để tạo ra sự hiểu biết chung, chia sẻ cơ hội, lợi ích, trách nhiệm, nghĩa vụ của các chủ thể khi tham gia các thị trường, các hoạt động đầu tư, mua bán chứng khoán, bảo hiểm…

Ông Phạm Như Ánh - Tổng giám đốc MB: Cần đẩy nhanh tiến độ tháo gỡ vướng mắc về pháp lý dự án bất động sản

Mặc dù đã có một số chuyển biến tích cực, tuy nhiên trong 6 tháng cuối năm 2023 và năm 2024, thị trường bất động sản (BĐS) dự kiến vẫn còn nhiều khó khăn và tiềm ẩn rủi ro lớn, các dự án vẫn đang trong quá trình hoàn thiện pháp lý chủ đầu tư chưa hoàn thiện xây dựng, bàn giao sản phẩm theo đúng kế hoạch. Niềm tin của người mua nhà suy giảm ảnh hưởng trực tiếp tới nhu cầu vay vốn, tuân thủ cam kết thanh toán theo hợp đồng mua bán với chủ đầu tư và cam kết trả nợ vay với ngân hàng.

Theo đó, chúng tôi có một số đề xuất. Một là, đề nghị Quốc hội và Chính Phủ luật hoá các quy định về xử lý nợ xấu, xử lý tài sản đảm bảo để tạo hành lang pháp lý cho các TCTD triển khai thu hồi nợ an toàn, hiệu quả; xem xét cơ chế cho phép "chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án khi đã có giấy chứng nhận hoặc có quyết định giao đất, cho thuê đất" tạo điều kiện để ngân hàng xử lý nợ xấu đối với các dự án đang triển khai dở dang và giúp tăng nguồn cung nhà ở.

Hai là, tiếp tục chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ tháo gỡ vướng mắc về pháp lý dự án cho chủ đầu tư.

Ba là, kiến nghị Bộ Xây dựng, UBND các tỉnh tiếp tục phối hợp đẩy nhanh tiến độ xử lý các vướng mắc về pháp lý, thủ tục cho các dự án. Đặc biệt các doanh nghiệp có nhiều dự án dang dở, ưu tiên các dự án có tỷ lệ hoàn thiện xây dựng cao để hoàn thiện sản phẩm bàn giao nhà cho người dân.

Bốn là, NHNN tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng, thực hiện các biện pháp theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, góp phần thúc đẩy thị trường BĐS phát triển lành mạnh, bền vững; Phân nhóm BĐS để có chính sách quản lý và phát triển phù hợp, ưu tiên nhà ở thu nhập thấp, BĐS khu công nghiệp... xem xét có chính sách ưu tiên; BĐS cao cấp, BĐS nghỉ dưỡng...mang tính chất đầu tư cần quy hoạch, quản lý riêng để phát triển ổn định và bền vững.

Ông Nguyễn Đức Vinh – Tổng giám đốc VPBank: Cần hỗ trợ cho vay tiêu dùng

Có những vướng mắc bản thân ngành ngân hàng không thể tự giải quyết được và rất cần sự chung tay của nhiều bộ, ngành.

Thứ nhất khi kinh tế khó khăn, sức khỏe doanh nghiệp giảm sút dẫn đến không đáp ứng được các yêu cầu cấp tín dụng. Vậy chúng ta có hỗ trợ không? Thực tế hỗ trợ doanh nghiệp khỏe, người ta cũng cần nhưng không cần lắm. Trong khi toàn nền kinh tế có đến 70-80% không đáp ứng được yêu cầu, mấy trăm nghìn công nhân thất nghiệp có hỗ trợ không… Bài toán này cần đặt vấn đề ngược lại với các cơ quan nhà nước về chính sách. Hãy để các ngân hàng được cân đối những rủi ro trong phạm vi cho phép, khi khách hàng đang gặp khó khăn, không thể đáp ứng đầy đủ 100% điều kiện thì ngân hàng có thể chấp nhận nếu nhìn thấy tiềm năng trong tương lai.

Thứ hai, để giảm lãi suất, Thủ tướng, Thống đốc, hiệp hội ban hành rất nhiều các văn bản kêu gọi, vận động, áp dụng các biện pháp hành chính cũng đã giảm được rất nhiều nhưng gốc rễ của lãi suất không nằm ở thủ tục hành chính mà nằm ở thị trường. Đó là vấn đề thanh khoản, nếu chúng ta không giữ môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, một chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ cùng các chính sách khác ổn định… thì sẽ rất khó.

Thứ 3, đối với hỗ trợ tài chính tiêu dùng, nhu cầu của người dân là có nên cần chính sách để triển khai hết các hình thái cho vay tiêu dùng để giải quyết việc suy giảm tiêu dùng của người dân trong thời gian qua.

Thứ 4, cần có chính sách bảo vệ nhà đầu tư, quyền và lợi ích của ngân hàng, nhà đầu tư ở khắp mọi nơi nhưng khi thực hiện lại gặp khó khăn; bảo vệ tổ chức, cá nhân trong mối quan hệ về đầu tư, củng cố hoạt động lành mạnh của ngân hàng. Theo tôi người cho vay đang chịu nhiều rủi ro nhất, cơ quan quản lý có những quy định về quyền đòi nợ, quyền xử lý nợ. Ngân hàng có quyền đòi nợ, người đi vay phải có trách nhiệm trả nợ.

Theo Lao Động và Công Đoàn Sao chép

Cùng chuyên mục Ngân hàng

SeABank nâng vốn điều lệ lên 28.350 tỷ đồng

Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank - Mã: SSB) chính thức hoàn tất tăng vốn điều lệ lên 28.350 tỷ đồng sau 2 đợt phát hành cổ phiếu để trả cổ tức và phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu.

SeABank chốt quyền trả cổ tức bằng cổ phiếu và chia cổ phiếu thưởng Vinalines muốn bán hết cổ phiếu TJC, chồng bà Nguyễn Thị Nga hạ sở hữu tại SeABank

Krungsri muốn mua trước hạn 50% vốn điều lệ còn lại của SHBFinance

Ngân hàng TNHH Đại chúng Ayudhya (Krungsri) - thành viên Tập đoàn MUFG (Nhật Bản) vừa qua đã có đề nghị với Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) về việc muốn mua trước hạn 50% vốn điều lệ còn lại của SHBFinance. Thương vụ chuyển nhượng sẽ đem lại nguồn thặng dư vốn đáng kể cho cổ đông của SHB cũng như nâng cao năng lực tài chính và vị thế của ngân hàng.

SHB giảm 50% tiền lãi cho khách hàng bị ảnh hưởng bão lũ, cấp khoản vay mới chỉ 4,5%/năm SHB muốn huy động 5.000 tỷ đồng qua phát hành trái phiếu

Dễ dàng liên kết tài khoản Sacombank vào ứng dụng VNeID nhận an sinh xã hội

Hưởng ứng chủ trương của Chính phủ trong công tác thúc đẩy chi trả an sinh xã hội (ASXH) không dùng tiền mặt, đồng thời tăng cường số hóa hoạt động ngân hàng hướng đến nâng cao trải nghiệm cho khách hàng, Sacombank chính thức triển khai tính năng liên kết/cập nhật tài khoản thanh toán (TKTT) của khách hàng nhận chi trả ASXH trên ứng dụng VNeID.

Cập nhật giấy tờ và sinh trắc học trước ngày 1/1/2025 để không gián đoạn giao dịch tại Sacombank Sacombank báo lãi trong quý III/2024