Định vị thị trường
Trong phiên đầu tuần, nhiều chỉ số chứng khoán châu Á đồng loạt giảm điểm như TWSE (-0,04%), NIKKEI 225 (-1,83%), SHCMP (-0,55%), SET (-0,83%), KLSE (-0,18%), KOSPI (-0,52%). Thị trường chứng khoán Việt Nam cũng không có sự khác biệt đáng kể với vận động của khu vực đặc biệt sau một phiên giảm hơn 20 điểm và cũng đang áp sát thời điểm đáo hạn phái sinh tháng 6/2024.
Chất xúc tác
Việc chỉ số DXY tăng trở lại lên trên 105 điểm đã kéo tỷ giá trong nước tăng trở lại. Tỷ giá tự do đang được bán ra trên 25.800 VND/USD.
Trong khi đó, lãi suất liên ngân hàng ở nhiều kỳ hạn tiếp tục neo quanh 4,5%/năm. Kỳ hạn qua đêm theo thống kê của Refinitiv Eikon chỉ giảm nhẹ 0,05% xuống 4,4% trong khi kỳ hạn 1 tuần giảm 0,03% xuống 4,55%.
Được biết, trong tuần vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã hút ròng 9.148,57 tỷ VND từ thị trường bằng kênh thị trường mở, khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố ở mức 5.106,84 tỷ VND và khối lượng tín phiếu lưu hành ở mức 68.710 tỷ VND.
Cùng với đó, khối ngoại vẫn liên tục rút ròng thay vì có sự thay đổi trong thói quen giao dịch. Chuỗi bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài đã kéo dài sang phiên thứ 8 liên tiếp mà chưa có phiên nào rút ra dưới 500 tỷ đồng trên 3 sàn.
Phiên hôm nay, khối ngoại bán ròng 789 tỷ đồng trên HOSE, 25,8 tỷ đồng trên HNX và 30,26 tỷ đồng trên UPCoM. Tổng cộng, cả 3 sàn bị bán ròng gần 850 tỷ đồng.
Vận động thị trường
Nhịp giảm hơn 20 điểm cuối tuần trước xuất hiện chủ yếu trong phiên ATC với nhiều mã Bluechips cũng như Midcap và Penny đóng cửa thấp nhất phiên.
Với nhiều chuyên gia, việc thị trường xuất hiện nhịp bán chốt lời mạnh sau khi VN-Index đã tăng hơn 100 điểm không phải diễn biến quá bất thường. Tuy nhiên, các phản ứng của thị trường sau phiên giảm khá sâu vẫn cần được xem xét.
Thực tế, lực bán ra vẫn còn nhưng không cho thấy sự hoảng loạn nào. Trong rổ VN30, các mã MSN (-2,3%), BID (-2,1%), VIB (-2%), GAS (-1,8%), FPT (-1,7%), MWG (-1,6%), PLX (-1,5%), BCM (-1,4%), VRE (-1,4%) giảm nhiều nhất với biên độ 1-2%.
Dù biên độ không lớn nhưng số lượng các mã giảm lại áp đảo với 20/30 mã đã khiến cho thị trường vẫn chưa thể tìm được điểm cân bằng về cung cầu. Cũng cần lưu ý về 2 trường hợp trụ cột là VCB (-0,5%) và BID đang gặp bất lợi về xu hướng. Mức giá đóng cửa của cả VCB và BID đều đã xuống thấp nhất trong vòng 5 tháng trở lại.
Những tín hiệu được xem là tích cực chỉ xuất hiện ở các nhóm cổ phiếu Thép, Cảng biển, Vận tải biển như HSG (+6,79%), HPG (+1,2%), NKG (+4,3%), SMC (+6,8%), HAH (+4,58%), VSC (+1,35%), VOS (+6,54%) khi đi ngược lại thị trường chung. Thậm chí, HSG và HAH còn lên mức đỉnh 2 năm.
Được biết, Bộ Công Thương vừa có thông báo về việc đã tiếp nhận hồ sơ đầy đủ, hợp lệ yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với thép cán nóng từ Ấn Độ và Trung Quốc.
Còn lại, nhiều cổ phiếu như SSI (-0,55%), HCM (-1,56%), DIG (-1,46%), DBC (-1,7%), TCH (-1,6%), PDR (-2,34%), DGW (-1,74%)… vẫn còn chịu ảnh hưởng tâm lý của các cổ phiếu lớn.
Quá trình cân bằng của thị trường do đó có thể vẫn cần thêm một vài phiên để thể hiện được sự ổn định. Chỉ số VN-Index chốt phiên với mức giảm 5,14 điểm xuống 1.274,77 điểm (-0,4%). Tổng giá trị giao dịch toàn sàn đạt 22.990 tỷ đồng, tương đương 900 triệu đơn vị.
2 chỉ số HNX-Index và UPCoM-Index trong khi đó có diễn biến trái chiều. UPCoM-Index vẫn tăng giá 0,04% nhờ các cổ phiếu VGI (+10,5%), FOC (+8,6%), VLX (+4,1%) trong khi đó HNX-Index giảm 0,33% do ít nhận sự được sự hỗ trợ hơn. Tổng giá trị giao dịch 2 sàn đạt hơn 2.800 tỷ đồng.