Cùng với việc đổi tên, ROX Group cũng thay tên mới cho các đơn vị thành viên, trong đó Công ty Cổ phần TNG Realty (TNG Realty) đổi tên thành Công ty Cổ phần ROX Living (ROX Living); TNCons Vietnam thành ROX Cons Vietnam; TNG Asset thành ROX Asset; TNG Capital thành ROX Capital…
Tại lễ công bố chuyển đổi thương hiệu, nhà sáng lập ROX Group nhấn mạnh: “Tinh thần tiên phong, không ngừng đổi mới, sáng tạo là hành trang cần thiết và quan trọng mà ROX Group phải có, cần phải trang bị để bắt đầu bước vào một chặng đường phát triển mới trong một bối cảnh mới với rất nhiều biến động”.
Ban lãnh đạo tập đoàn coi chiến lược tái định vị thương hiệu toàn diện trong năm 2024 là một cơ hội để tái cấu trúc và phát triển bền vững từ thương hiệu tập đoàn đến các thương hiệu thành viên.
Ba lần mở đường
Lật mở lại lịch sử 28 năm hình thành và phát triển của ROX Group, có thể thấy đây không phải là lần đầu tiên doanh nghiệp này đưa ra những thay đổi mang tính chiến lược.
Để tạo nên một tập đoàn đa ngành hàng đầu Việt Nam với hệ sinh thái trải dài trên 7 lĩnh vực kinh doanh bao gồm phát triển đô thị và khu công nghiệp, khách sạn và khu nghỉ dưỡng, năng lượng, dịch vụ và quản lý vận hành, xây dựng, công nghệ, đầu tư tài chính như hiện nay, ROX Group đã có đến 3 lần “mở đường chiến lược”.
Lần thứ nhất là năm 1996, khi người sáng lập tập đoàn chính thức đặt dấu chân đầu tiên lên bản đồ kinh tế Việt Nam. Đó là vào năm 1996, sau nhiều năm học tập và kinh doanh tại nước Nga, bà Nguyễn Thị Nguyệt Hương và chồng là ông Trần Anh Tuấn về nước, cùng các đồng sự thành lập Công ty Cổ phần Nam Thắng - tiền thân đầu tiên của ROX Group.
Lần “mở đường chiến lược” thứ hai của doanh nghiệp này diễn ra vào thời điểm Việt Nam tham gia vào nhiều hiệp định thương mại quốc tế từ năm 2001 - 2017. Nắm bắt cơ hội này, năm 2004, vợ chồng bà Nguyệt Hường rẽ hướng sang lĩnh vực mới - bất động sản khu công nghiệp, với cái tên VID Group.
Sau 10 năm tiên phong đầu tư và khai thác 11 khu công nghiệp với tổng diện tích 2.600 ha trên cả nước, đến năm 2014, VID Group đã chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty holding với tên gọi mới là TNG Holdings Vietnam. Đây cũng chính là lần “mở đường” thứ ba.
Hậu tái cấu trúc, TNG Holdings Vietnam vẫn phát triển mảng bất động sản khu công nghiệp với doanh nghiệp thành viên là TNI Holdings Vietnam (nay là ROX iPark), đồng thời, mở rộng kinh doanh sang lĩnh vực bất động sản nhà ở với việc thành lập TNR Holdings Vietnam và đầu tư xây dựng dự án đầu tay tại Hà Nội - TNR Goldmark City.
Sau khi ghi dấu ấn với loạt dự án mang thương hiệu TNR (TNR Goldmark City, TNR Goldseason, TNR Goldsilk Complex tại Hà Nội và TNR The Goldview tại TP.Hồ Chí Minh), TNR Holdings Vietnam phát triển thêm dòng sản phẩm Stars - hệ thống khu đô thị vệ tinh, và Grand Palace - khu đô thị tại các thành phố trực thuộc tỉnh. Đến nay, doanh nghiệp này hiện sở hữu tới gần 300 dự án bất động sản trải dài khắp cả nước.
Song song với mảng bất động sản, từ năm 2007, ROX Group đã đi vào lĩnh vực đầu tư tài chính. Đây là một trong những mũi nhọn kinh doanh của tập đoàn, và Ngân hàng Hàng hải Việt Nam (MSB) trở thành đối tác tài chính quan trọng. Theo công bố của MSB, hiện nhóm doanh nghiệp thuộc ROX Group và người liên quan đang nắm giữ gần 23% cổ phần MSB.
Cũng như ROX, tại MSB, từ sau khi ông Trần Anh Tuấn trở thành Chủ tịch HĐQT, ngân hàng này liên tục chuyển mình như thay đổi nhận diện thương hiệu và tên viết tắt từ Maritime Bank sang MSB, niêm yết cổ phiếu lên sàn HoSE (năm 2020).
Trong năm đầu niêm yết, lợi nhuận trước thuế của MSB đã tăng trưởng gấp đôi lên hơn 2.500 tỷ đồng và tiếp tục duy trì đà tăng trưởng này trong năm 2021 (đạt trên 5.000 tỷ đồng).
Sau giai đoạn tăng trưởng mạnh, lợi nhuận của MSB đã chững lại ở mức 5.700-5.800 tỷ đồng trong 2 năm 2022-2023 và đều không đạt kế hoạch. Dù vậy, năm 2024, MSB vẫn kỳ vọng có thể đạt lợi nhuận trước thuế khoảng 6.800 tỷ đồng và sau 9 tháng với lãi trước thuế hơn 4.900 tỷ đồng, nhà băng này đã thực hiện được 72% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Đối mặt áp lực
Tăng trưởng lợi nhuận chậm lại hiện là bức tranh chung của nhiều doanh nghiệp thuộc ROX Group, nhất là khi hệ sinh thái này lấy bất động sản làm cốt lõi. Trong giai đoạn thị trường bất động sản nhiều biến động vừa qua, phần lớn các doanh nghiệp bất động sản thuộc ROX Group đối mặt nhiều khó khăn.
Dù hầu hết các doanh nghiệp do ROX Group quản lý, điều hành không đến mức thua lỗ, nhưng lợi nhuận lại trồi sụt trong những năm gần đây và phần lớn đang có nợ phải trả lớn hơn vốn chủ sở hữu.
Mặt khác, dù gần đây một số doanh nghiệp thuộc ROX Group đã đàm phán được gia hạn thời gian thanh toán các lô trái phiếu sang năm 2026, tuy nhiên nhìn chung áp lực đáo hạn trái phiếu trong hai năm tới vẫn lớn.
Trong bối cảnh đó, những thay đổi bề ngoài về tên doanh nghiệp hay nhận diện thương hiệu có lẽ là chưa đủ. Quan trọng hơn, các doanh nghiệp thành viên của ROX Group đang rất cần những thay đổi cả về “chất” trong bức tranh tài chính để bắt nhịp với chu kỳ phục hồi của thị trường bất động sản đang cận kề.