Quay về eMagazine

“Quảng cáo xanh” và những câu chuyện gian dối về môi trường trong ngành tài chính toàn cầu

Có rất nhiều doanh nghiệp luôn tạo dựng hình ảnh xanh, thân thiện với môi trường trước mắt công chúng nhưng thực tế họ lại không làm được như vậy, thậm chí đi ngược lại các cam kết đã ký.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Việc nhiều tổ chức tài chính quảng cáo về chiến lược hoạt động xanh nhưng họ lại hành động ngược lại điều đó dù không mới nhưng vẫn gây sốc với nhiều người.

Tháng 12/2022, thị trường tài chính thế giới đã vô cùng bất ngờ và bất bình khi một tên tuổi lớn và đầy uy tín trong ngành tài chính bị “vấy bẩn”.

Những vụ việc bê bối liên quan đến “greenwashing” trong ngành tài chính thế giới

Cục Quản lý Cạnh tranh Canada đã công bố mở cuộc điều tra với Ngân hàng Hoàng gia Canada (Royal Bank of Canada - RBC), ngân hàng lớn nhất nước này, về hành vi tiếp tục cấp tín dụng cho các dự án sử dụng nhiên liệu hóa thạch dù rằng chính bản thân ngân hàng này trước đó đã ký kết tham gia Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.

Trên trang web của RBC luôn đăng tải dòng chữ như sau: “Chúng tôi hành động có trách nhiệm. Chúng tôi cam kết về mục tiêu giảm khí thải về không trong hoạt động tín dụng trước năm 2050, đúng với các điều khoản quy định trong Hiệp định Paris về biến đối khí hậu, điều này sẽ khiến chúng tôi buộc phải tiếp tục phát huy các chiến lược nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, đẩy mạnh hoạt động truyền thông về việc hướng đến mục tiêu giảm khí thải và đặt ra mục tiêu cũng như hiện thực hóa ngay cả trong ngắn hạn”.

Cam kết là vậy nhưng trên thực tế, theo số liệu thống kê của tổ chức môi trường Stand.Earth cho thấy RBC đã cấp tổng số 84,8 tỷ USD tín dụng cho các dự án nhiên liệu hóa thạch trong năm 2021 thông qua các khoản vay, khoản đầu tư và nhiều loại hình khác.

Dù rằng RBC từng nói về cam kết dành khoảng 500 tỷ đôla Canada cho các khoản tín dụng ưu tiên cho phát triển bền vững trước năm 2025, chính CEO của RBC – ông Dave McKay cũng tuyên bố RBC sẽ chưa ngay lập tức dừng các hoạt động liên quan đến nhiên liệu hóa thạch.

Đáng nói, RBC không phải tên tuổi danh tiếng đầu tiên của ngành tài chính thế giới vướng vào nghi án “greenwashing” hay còn gọi là “quảng cáo xanh”, tức là doanh nghiệp cam kết với mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm hiệu ứng nhà kính và hướng đến giảm phát thải ròng về không vào năm 2050 mà trước đó còn rất nhiều tên tuổi nổi tiếng khác như HSBC, BNY Mellon, Goldman Sachs Asset Management, DWS hay Ngân hàng Thịnh vương Australia (CBA).

Định nghĩa “greenwashing” thực sự còn khá mới với công chúng Việt Nam. “Greenwashing” hay “quảng cáo xanh” được hiểu là quá trình truyền đạt một ấn tượng sai lệch hoặc cung cấp thông tin sai lệch để đánh bóng thương hiệu. Greenwashing được coi là một tuyên bố vô căn cứ để đánh lừa người tiêu dùng tin rằng các sản phẩm của công ty là thân thiện với môi trường.

“Greenwashing” có những loại hình nào?

Theo quan điểm của tổ chức ClientEarth, Asia Investor Group on Climate Change cùng với công ty tư vấn Daisy Mallett, hiện chưa có định nghĩa chính thức nào về “greenwashing”. Tuy nhiên trong bối cảnh của ngành tài chính, “greenwashing” được dùng để nói đến những tuyên bố sai lệch, lừa dối hoặc cố tình để công chúng hiểu sai lệch về bản chất của một sản phẩm tài chính, chiến lược đầu tư, hoặc cố tình để công chúng hiểu sai rằng hoạt động của doanh nghiệp có ảnh hưởng tốt lên môi trường hoặc khí hậu trong khi thực tế không phải như vậy.

Câu chuyện này xảy ra khi một doanh nghiệp tuyên bố hoạt động kinh doanh của họ có ảnh hưởng tích cực hoặc trung lập lên môi trường, trong nhiều trường hợp, mô hình kinh doanh của họ thậm chí còn gây hại đến môi trường.

Theo ClientEarth, có bốn loại “greenwashing” đang phổ biến hiện nay bao gồm: “brand greenwashing” nghĩa là “quảng cáo xanh” cho thương hiệu, nó bao gồm hành vi tạo ra hình ảnh và tầm nhìn xanh cho doanh nghiệp ví dụ như trường hợp của ngân hàng HSBC hoặc RBC được đề cập đến ở trên; “product greenwashing” tức là “quảng cáo xanh” cho sản phẩm rằng sản phẩm đó bảo vệ hoặc thân thiện với môi trường trong khi thực tế không phải vậy; “financing greenwashed assets” tức là cung cấp các sản phẩm được quảng cáo là tài chính xanh nhưng bản chất không phải vậy, trường hợp này ví như việc Ngân hàng Thịnh vượng Australia bị cổ đông kiện vì cung cấp tín dụng cho dự án nhiên liệu hóa thạch, trái với cam kết phát triển bền vững của ngân hàng.

Và cuối cùng, một loại khác của “greenwashing” chính là “quảng cáo xanh” về tài chính, loại này bao gồm hành vi công bố tác động sai lệch về rủi ro môi trường của doanh nghiệp, hoạt động cấp vốn hoặc đầu tư.

Một vụ việc điển hình của loại này chính là cổ đông ngân hàng RBA năm 2016 đã kiện ngân hàng này vì phát hành báo cáo thường niên năm 2016 nhưng không công bố các rủi ro về biến đổi khí hậu từ hoạt động kinh doanh và đầu tư của ngân hàng.

Thuật ngữ “greenwashing” nhiều khi cũng được áp dụng với hành vi sai trái liên quan đến vấn đề xã hội hoặc quản trị, còn trong bối cảnh thông thường nó liên quan nhiều đến vấn đề môi trường.

Trên nhiều khu vực địa lý, “greenwashing” cũng hay được áp dụng với nhiều ngành nghề khác nhau, ví như bán lẻ, kinh doanh hàng tiêu dùng, ô tô, hàng không hoặc ngành cung cấp nhiên liệu hóa thạch.

Cũng theo số liệu của Client Earth, ước tính khoảng 40% các tuyên bố xanh của doanh nghiệp trên toàn cầu có chứa thông tin sai lệch.

Hậu quả của “greenwashing” – “quảng cáo xanh” không hề dễ nắm bắt nhưng nó rất lớn trên cả phạm vi doanh nghiệp và thế giới. Từ góc độ doanh nghiệp, “greenwashing” gây tổn hại đến uy tín doanh nghiệp, nó sẽ buộc doanh nghiệp phải gỡ bỏ các quảng cáo xanh về sản phẩm”, khiến doanh nghiệp phải chịu phạt vì hành vi sai trái và đồng thời gây tổn hại đến quyền lợi của người tiêu dùng cũng như các cổ đông.

Đối với hệ thống tài chính, “greenwashing” tạo ra định giá sai lệch về sản phẩm tài chính, định giá lại các loại tài sản xanh, khiến cho dòng vốn bị rút khỏi các sản phẩm tài chính, làm giảm dòng vốn vào các loại tài sản xanh cũng như gây ra mất ổn định tài chính của các loại sản phẩm xanh.

Nguyên nhân “Greenwashing” trong ngành tài chính đang gia tăng

Theo các chuyên gia tại Client Earth, ngày một nhiều chuyên gia lo ngại về việc hành vi “greenwashing” hay còn gọi là “quảng cáo xanh” đang gia tăng trong lĩnh vực tài chính. Trong bối cảnh sự quan tâm của toàn cầu liên quan đến lĩnh vực biến đổi khí hậu và những mục tiêu giảm khí thải về không trên toàn cầu ngày một lớn hơn, “quảng cáo xanh” trên các thị trường tài chính là một vấn đề lớn bởi nó làm dòng vốn bị phân phối sai lệch, đe dọa đến quá trình xanh hóa toàn cầu và cam kết của thế giới với Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.

Thị trường tài chính vì vậy sẽ gặp khó trong việc đưa ra so sánh rõ ràng và chính xác về quá trình doanh nghiệp hoạt động kinh doanh cũng như thực hiện các cam kết của họ, kết quả, sân chơi giữa các doanh nghiệp sẽ trở nên thiếu công bằng khi mà nhiều doanh nghiệp đang nỗ lực xanh hóa thực sự và nhóm doanh nghiệp chỉ “quảng cáo xanh”, nó khiến cho nhiều nhà đầu tư mất niềm tin vào các sản phẩm xanh, đe dọa đến việc người tiêu dùng mua các sản phẩm xanh.

Có nhiều lý do đằng sau việc này. Một lý do quan trọng chính là cơ hội từ tài chính xanh đang rất lớn, quy mô từ thị trường này được ước tính vào năm 2030 có thể lên đến 5 nghìn tỷ USD tại châu Á. Các sản phẩm tài chính xanh đang xuất hiện rộng rãi tại khắp các cấp độ tài sản khác nhau của giới đầu tư cũng như loại hình địa lý. Những doanh nghiệp có thể tung ra các sản phẩm tài chính xanh hoặc liên quan đến ESG (phát triển bền vững) sẽ được hưởng lợi.

Ví dụ điển hình của các sản phẩm này có thể kể đến sản phẩm của các tổ chức quản lý quỹ, các chứng chỉ quỹ xanh niêm yết, quỹ hạ tầng xanh, sản phẩm đầu tư xanh, trái phiếu bền vững và trái phiếu xanh.

Ngoài ra, để ứng phó với nhu cầu khẩn cấp ứng phó với biến đổi khí hậu và nhu cầu của nhà đầu tư, nhiều tổ chức tài chính đã đưa ra cam kết khí thải ròng bằng không, hoặc tuyên bố họ sẽ tuân thủ với các mục tiêu về nhiệt độ và khí hậu trong hiệp định Paris. Hiện đang có vô cùng nhiều sáng kiến hướng đến phát thải bằng không bao gồm: sáng kiến quản lý tài sản Net Zero, sáng kiến sở hữu tài sản Net Zero, Paris Aligned Asset Owners, sáng kiến liên minh ngân hàng Net Zero, sáng kiến liên minh dịch vụ tài chính Net Zero.

Các sáng kiến này được nhiều tổ chức tài chính lớn của toàn cầu, trong đó có những tổ chức trụ sở ở châu Á cũng đã lựa chọn. Thách thức của những tổ chức tài chính này là làm cách nào để có thể đạt được cam kết khí thải tại tất cả các chi nhánh thuộc nhiều khu vực và chuỗi giá trị khác nhau theo khung thời gian mà thỏa thuận về biến đổi khí hậu yêu cầu.

Tuy nhiên, trên thực tế, việc công bố chi tiết thông tin rõ ràng không hề đơn giản. Việc thẩm tra được các sáng kiến khí thải bằng không cũng cần phải có sự phối hợp của nhiều cơ quan chức năng trên nhiều khu vực địa lý khác nhau nhằm đảm bảo các doanh nghiệp không sử dụng mạng lưới rộng khắp này để “tẩy xanh” cho uy tín của họ.

Các cơ quan quản lý trên khắp thế giới đang ngày một quan tâm đến việc ngăn chặn hành vi “greenwashing”. Trong chiến lược năm 2022 của mình, Cơ quan Kiểm soát Tài chính Anh tuyên bố: “Chúng tôi sẽ nhận diện những hành vi tài chính nào không đáp ứng được kỳ vọng của chúng tôi và can thiệp nhằm bảo vệ người tiêu dùng”.

Tại châu Á, làn sóng chỉ trích “greenwashing” cũng đang dâng cao. Nhiều cơ quan quản lý trong khu vực coi “greenwashing” như vấn đề nghiêm trọng. Cơ quan Quản lý Tiền tệ Hồng Kông cũng đã từng nhấn mạnh: “”Greenwashing” không được phép để phổ biến trên thị trường trái phiếu xanh toàn cầu, bởi khoảng 1/3 doanh nghiệp phát hành trái phiếu xanh đã bị phát hiện có kết quả hoạt động ảnh hưởng đến môi trường tồi tệ hơn so với khi họ công bố ra thị trường lúc phát hành trái phiếu”.

Theo Lao động & Công đoàn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Chat với BizLIVE