Tối 2/6, trong một cuộc họp trực tuyến, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) đã nhất trí tăng sản lượng khai thác dầu thô cao hơn dự kiến trong bối cảnh giá "vàng đen" tăng và Liên minh châu Âu (EU) thông báo lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ của Nga.
Theo hãng tin Reuters, một vài ngày trước khi OPEC+ tiến hành cuộc trao đổi trực tuyến nói trên, đã có những tin đồn về chủ ý của một số thành viên trong nhóm muốn loại Nga ra khỏi nhóm nhằm tăng xuất khẩu dầu lửa nhiều hơn. Tuy nhiên, vấn đề này đã không được đưa ra thảo luận.
Nga hiện là một trong ba nước xuất khẩu nhiều dầu nhất thế giới, chỉ sau Mỹ và Saudi Arabia. Dù không phải là một thành viên OPEC, Nga vẫn luôn phối hợp điều tiết sản lượng dầu với OPEC kể từ năm 2016. Liên minh OPEC+ kiểm soát hơn một nửa sản lượng dầu của thế giới, mang đến cho Moskva cơ hội thể hiện sức ảnh hưởng lớn đối với thị trường.
Tin đồn về việc OPEC+ muốn loại trừ Nga bắt nguồn từ một bài viết trên Tạp chí Phố Wall. Dẫn lời một quan chức OPEC+, báo này cho biết trong mấy tháng nay, Nga đã không đạt mục tiêu sản lượng trong OPEC+.
“Việc buộc họ phải đáp ứng yêu cầu sản lượng không còn ý nghĩa nữa. Chúng tôi đều nhất trí về mặt kỹ thuật, Nga thực chất không còn tham gia vào thỏa thuận về sản lượng ngay lúc này”, một quan chức OPEC nói.
Trước đây, OPEC từng bỏ các yêu cầu về sản lượng đối với các thành viên bị trừng phạt như Iraq vào những năm 1990. Libya, Venezuela và Iran hiện cũng được miễn trừ mọi nghĩa vụ trong việc đáp ứng các mục tiêu của OPEC.
Tuy nhiên, một số thành viên lo ngại rằng việc khai trừ Nga sẽ làm suy yếu sự gắn kết trong OPEC+. Giới phân tích nhận định dù hành động sắp tới của OPEC là gì thì tổ chức này vẫn tìm cách giữ Moskva là một đồng minh, ít nhất là cho đến khi sản lượng dầu của Nga hồi phục.
Một quan chức OPEC cho hay: “Nga đem lại cho chúng ta sức mạnh đáng kể với tư cách là một nhóm có thể tạo ảnh hưởng và gây sức ép”.
Nga sẽ giữ vững vị thế trong nhóm mà không cần phải tham gia vào việc tăng hoặc cắt giảm sản lượng.