Hội đồng Quản trị Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) vừa công bố quyết định bổ nhiệm ông Phạm Duy Hiếu giữ chức vụ Tổng giám đốc từ ngày 1/1/2025, với thời hạn bổ nhiệm là 5 năm. Đây là lần thứ ba ông Hiếu đảm nhiệm vai trò này tại ngân hàng.
Trước đó, ông Hiếu từng giữ chức Tổng giám đốc ABBank giai đoạn 2012-2015 khi mới 34 tuổi. Đến tháng 10/2018, ông quay trở lại lần thứ hai và tiếp tục đảm nhận vai trò CEO đến tháng 4/2020. Tháng 8/2023, ông Hiếu trở lại đảm nhiệm vị trí Phó Tổng Giám đốc và giao đảm nhận nhiệm vụ và quyền hạn của Tổng Giám đốc ngân hàng và hiện nay là Tổng giám đốc ngân hàng.
Ông Phạm Duy Hiếu, sinh năm 1978, là cử nhân kinh tế Đại học Quốc gia Hà Nội và thạc sĩ kinh tế chuyên ngành tài chính, lưu thông tiền tệ và tín dụng tại Đại học Kinh tế Quốc dân. Ngoài ra, ông còn có bằng cử nhân tiếng Anh. Với 25 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng, ông từng đảm nhiệm các vị trí lãnh đạo tại Vietcombank, VietABank, ABBank, VNDirect, cùng các tổ chức đầu tư như Sabeco Fund Management, IPA Investment và Quỹ Khởi nghiệp doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ Việt Nam (SVF).
Hiện Ban điều hành ABBank bao gồm 11 thành viên, trong đó có ông Hiếu là Tổng giám đốc, cùng 3 Phó Tổng giám đốc và 7 thành viên khác.
Về kết quả kinh doanh, kết thúc 9 tháng đầu năm, ABBank đạt lợi nhuận trước thuế gần 239 tỷ đồng, giảm tới 66,2% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chính đến từ sự chững lại của mảng kinh doanh cốt lõi, sụt giảm của các mảng phi tín dụng và áp lực dự phòng rủi ro.Với kết quả đạt được, ABBank mới chỉ hoàn thành 23,8% chỉ tiêu lợi nhuận đặt ra từ đầu năm (1.000 tỷ đồng).
Tại thời điểm cuối tháng 9, tổng tài sản của ABBank ở mức gần 164,2 nghìn tỷ đồng, tăng nhẹ 1,29% so với đầu năm. Cho vay khách hàng ở mức hơn 98,7 nghìn tỷ đồng, nhích nhẹ 0,67% trong khi số dư tiền gửi khách hàng chỉ còn gần 91,1 nghìn tỷ đồng, giảm 8,94% so với đầu năm. Tỷ lệ cho vay/tiền gửi khách hàng của ngân hàng hiện ở mức khá cao, tới 108,4%.
Theo đó, để đáp ứng nhu cầu tín dụng, ABBank tăng cường vay mượn trên liên ngân hàng trong thời gian qua. Báo cáo cho thấy, đến cuối tháng 9/2024, tiền gửi và vay các TCTD khác của ngân hàng đã ở mức 39.877 tỷ đồng, tăng 37,3% so với đầu năm.
Về chất lượng cho vay, tổng nợ xấu nội bảng của ngân hàng hiện ở mức 3.158 tỷ đồng, tăng 10,5% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu/cho vay tăng lên 3,2%, so với mức 2,91% hồi đầu năm. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu của ngân hàng hiện ở mức 53,5%.