Số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan cho biết, nửa đầu tháng 8/2024, Việt Nam xuất khẩu 30,004 ngàn tấn hạt điều đạt, mang về hơn 188,603 triệu USD. So với nửa đầu tháng 8/2023, tăng 16,59% về lượng và tăng 33,8% về trị giá. Lũy kế, từ đầu năm đến ngày 15/8, đạt 451,567 ngàn tấn, trị giá 2,554 tỷ USD, tăng 25,24% về lượng và tăng 22,5% về kim ngạch.
Tháng 7/2024, giá bình quân xuất khẩu hạt điều đạt mức 6.168 USD/tấn, tăng 2,7% so với tháng 6/2024 và tăng 10,8% so với tháng 7/2023. Tính chung 7 tháng đầu năm, giá bình quân xuất khẩu hạt điều đạt mức 5.611 USD/tấn, giảm 3,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Top 10 thị trường xuất khẩu chính của hạt điều, gồm: Mỹ, Trung Quốc, Hà Lan, Đức, Các tiểu vướng quốc Ả rập Thống nhất, Anh, Úc, Canada. Có 9/10 thị trường truyền thống ghi nhận mức tăng trưởng 2 chữ số.
Ông Tạ Quang Huyên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), Giám đốc Công ty Hoàng Sơn 1 cho biết, xuất khẩu nhân điều đang tăng trưởng và theo thông lệ từ nay đến cuối năm, các nhà nhập khẩu sẽ tăng mua phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong các dịp lễ, tết. Nguồn nguyên liệu năm nay không dồi dào như năm ngoái, giá nguyên liệu cũng khá đắt đỏ nên xuất khẩu nhân điều năm nay sẽ không tăng hơn so với năm 2023, nhưng bù lại giá xuất khẩu sẽ tốt hơn.
Bên cạnh đó, ngành điều trong nước đặc biệt là tỉnh Bình Phước, nơi có diện tích điều lớn nhất nước người nông dân đang phá vườn điều trồng sầu riêng.
Nhận xét về việc người nông dân vùng nguyên liệu điều Bình Phước đang chặt cây điều để trồng sầu riêng, Phó Chủ tịch Vinacas cho rằng đây là chuyện bình thường, 1 hecta sầu riêng thu được cả tỷ đồng/năm, trong khi đó, 1 hecta điều bà con chỉ thu được mấy chục triệu thì nên khuyến khích họ trồng loại cây gì giúp “dân giàu nước mạnh”.
Theo Phó Chủ tịch Vinacas, sản xuất điều trong nước hiện chiếm trong khoảng 12% nhu cầu chế biến của các nhà máy, số còn lại phải nhập khẩu từ các nước châu Phi.
Lâu nay, sản lượng điều sản xuất trong nước không đáng kể so với nhu cầu chế biến của các nhà máy, bây giờ Việt Nam có chuyển hết đất nông nghiệp sang trồng điều cũng không đủ nguyên liệu cho các nhà máy chế biến. Tuy nhiên, không phải người nông dân nào cũng có tiền để chuyển sang trồng sầu riêng, vì đầu tư cho 1 hecta sầu riêng cần đến trên, dưới 150 triệu đồng.
Trong nền kinh tế thị trường cũng cần phân chia lại nguồn lực sản xuất, nước nào trồng điều được thì để họ trồng, Việt Nam có thể nhập khẩu nguyên liệu về chế biến xuất khẩu thành phẩm ra thị trường thế giới.
Ngày nay, châu Phi cũng đang đẩy mạnh chế biến điều nhân hãy xem đây là quá trình chuyển dịch những loại cây trồng có giá trị kinh tế thấp. Mặt khác, giá nhân công tại các châu Phi cũng rẻ hơn so với giá nhân công ở Việt Nam nên giá thành sản phẩm sẽ cạnh tranh hơn Việt Nam.
“Ngành công nghiệp ở Việt Nam đang phát triển, giá nhân công làm việc ở các khu công nghiệp cũng cao hơn giá thuê lao động tại các nhà máy chế biến, dẫn đến nguồn lao động tại đây ngày càng hiếm. Nếu sau này chuyển dịch hết nhà máy chế biến nhân điều sang các nước châu Phi cũng là xu hướng phát triển tất yếu, và phải chấp nhận thực tế này”, ông Huyên phân tích.
Tuy nhiên, câu chuyện này có thể mất từ hơn chục năm nữa mới xảy ra.