Những yếu tố quyết định triển vọng xuất khẩu của Thái Lan trong năm 2023

Bước sang năm 2023, các hội đồng doanh nghiệp và chủ ngân hàng Thái Lan có chung nhận định rằng xuất khẩu của nước này sẽ tăng trưởng chậm lại hoặc thậm chí giảm.

Bước sang năm 2023, các hội đồng doanh nghiệp và chủ ngân hàng Thái Lan có chung nhận định rằng xuất khẩu của nước này sẽ tăng trưởng chậm lại hoặc thậm chí giảm trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu và xung đột địa chính trị tiếp diễn.

Trong đại dịch COVID-19, khi du lịch đình trệ, xuất khẩu là “cứu tinh” chính của kinh tế Thái Lan khi ghi nhận tăng trưởng liên tục từ năm 2020 cho đến quý III/2022. Tuy nhiên, các dấu hiệu chậm lại đã xuất hiện vào tháng 10 năm ngoái, khi xuất khẩu giảm 4,4% so với cùng kỳ năm 2021, và giảm đến 6% trong tháng 11.

Theo Giám đốc Hội đồng chủ hàng quốc gia Thái Lan (TNSC) Chaicharn Charoensuk, dữ liệu xuất khẩu tháng 12 vẫn chưa được công bố nhưng TNSC dự báo tăng trưởng xuất khẩu sẽ tiếp tục ở mức âm do ảnh hưởng từ suy thoái kinh tế toàn cầu. Ông Chaicharn cho biết, TNSC dự kiến tăng trưởng xuất khẩu của Thái Lan trong năm nay sẽ giảm xuống còn 1-3% vì một số yếu tố.

Thứ nhất, lạm phát cao sẽ khiến Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và ngân hàng trung ương của các nền kinh tế lớn sử dụng các biện pháp tài chính khắc khổ, khiến nền kinh tế của họ tăng trưởng chậm lại, ảnh hưởng đến xuất khẩu của Thái Lan.

Thứ hai, tình hình dịch bệnh COVID-19 tại Trung Quốc vẫn chưa được cải thiện và Chính phủ Trung Quốc có thể buộc phải sử dụng các biện pháp hạn chế. Điều này sẽ ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng của các nhà xuất khẩu Thái Lan và gây ra suy thoái kinh tế ở Trung Quốc, điều khó tránh khỏi ảnh hưởng đến các nhà xuất khẩu Thái Lan.

Thứ ba, mặc dù xung đột Nga-Ukraine sẽ mang lại lợi ích cho các nhà xuất khẩu thực phẩm của Thái Lan, nhưng cũng sẽ làm tăng chi phí cho các nhà xuất khẩu các sản phẩm khác khi giá dầu toàn cầu tăng.

Thứ tư, đồng baht đã tăng giá so với đồng USD, từ 38 baht đổi lấy 1 USD của hai tháng trước lên khoảng 33-34 baht đổi lấy 1 USD, sẽ khiến các sản phẩm của Thái Lan trở nên kém cạnh tranh hơn.

TNSC dự kiến Thái Lan sẽ xuất khẩu hàng hóa trị giá 49 tỷ USD sang Mỹ, 36,5 tỷ USD sang Trung Quốc và 49 tỷ USD sang châu Âu trong năm nay, đồng thời kiến nghị các nhà xuất khẩu Thái Lan nên tìm kiếm các thị trường mới như Trung Đông, Nam Á, các nước Campuchia-Lào- Myanmar-Việt Nam (CLMV) để bù đắp sự suy giảm nhu cầu ở một số thị trường.

Quảng cáo

Tại khu vực Trung Đông, Saudi Arabia, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Qatar có khả năng trở thành những thị trường thay thế quan trọng cho các nhà xuất khẩu Thái Lan. Mặt hàng xuất khẩu chủ lực sang các thị trường này có thể là gạo và thực phẩm.

Tại khu vực Nam Á, các nhà xuất khẩu Thái Lan có thể tìm cách xuất khẩu đồ trang sức, phụ kiện, hạt nhựa và các sản phẩm hóa chất sang Ấn Độ, Bangladesh và Nepal.

Và các nước CLMV cũng có thể là những thị trường thay thế quan trọng đối với các nhà xuất khẩu Thái Lan với các sản phẩm chính bao gồm vật liệu xây dựng, thiết bị điện, hạt nhựa, hàng dệt may, đường, máy móc và linh kiện.

Trong khi đó, ông Wisit Limluacha, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại Thái Lan (TCC) cho biết, TCC dự kiến tăng trưởng xuất khẩu năm ngoái là 6% nhưng năm nay chỉ đạt 2%. Theo ông, suy thoái kinh tế ở một số thị trường lớn của Thái Lan, đặc biệt là Mỹ, châu Âu và Trung Quốc, sẽ khiến xuất khẩu chậm lại. Ông nói thêm rằng tình trạng suy giảm kinh tế toàn cầu, lạm phát cao và hoạt động uể oải của lĩnh vực sản xuất tại các thị trường chính của Thái Lan sẽ vẫn là những yếu tố rủi ro trong năm nay.

Về phần mình, ông Amornthep Chawala, Phó Chủ tịch Ngân hàng CIMB Thai Bank, cho biết văn phòng nghiên cứu của ngân hàng ông dự kiến tăng trưởng xuất khẩu trong năm nay sẽ là âm 1%. Ông cho biết dự đoán này dựa trên tình hình xuất khẩu trong quý cuối cùng của năm ngoái.

Ông Amornthep thậm chí cho rằng mức tăng trưởng âm có thể nghiêm trọng hơn nếu Trung Quốc phải đối mặt với các lệnh trừng phạt kinh tế từ Mỹ. Theo ông, việc Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ có lợi cho xuất khẩu của Thái Lan trong ngắn hạn nhưng tình hình sẽ đảo ngược nếu chính Trung Quốc không thể xuất khẩu sang Mỹ.

Từ đó, quan chức này cho rằng chính phủ nên tìm thị trường mới cho các nhà xuất khẩu Thái Lan và nên ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do hơn với các quốc gia hoặc nhóm khác.

Lạc quan hơn một chút, ông Narit Sathapoldecha, đứng đầu trung tâm phân tích Ngân hàng TMBThanachart Bank (TTB) cho biết, ngân hàng của ông dự kiến xuất khẩu của Thái Lan sẽ tăng trưởng bằng hoặc thấp hơn trong năm nay.

Ông này cũng nhận định yếu tố rủi ro chính đối với các nhà xuất khẩu Thái Lan chính là Trung Quốc. Kinh tế Trung Quốc có thể chậm lại do tác động của đại dịch COVID-19 và nước này có thể cố gắng bù đắp tình hình bằng cách mở rộng xuất khẩu, bán phá giá sản phẩm của mình trên thị trường toàn cầu và khiến các nhà xuất khẩu Thái Lan khó bán sản phẩm của họ hơn.

Cuối cùng, ông Pacharapoj Nantramas, Phó Chủ tịch Krungthai Compass, một bộ phận nghiên cứu của Ngân hàng Krung Thai, cho biết ngân hàng của ông dự đoán tăng trưởng xuất khẩu năm nay của Thái Lan ở mức 1,2% hoặc thấp hơn. Dự đoán này dựa trên kết quả tăng trưởng âm của vài tháng qua.

Theo Bnews Sao chép

Cùng chuyên mục Thế giới

Đồng euro yếu - công cụ để châu Âu ứng phó với thuế quan mới của Mỹ?

Nếu đồng euro yếu hơn, giảm xuống ngang giá với đồng USD, sẽ làm giảm bớt tác động tiêu cực từ việc Mỹ có thể áp các mức thuế mới đối với hàng hóa của Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone).

Đồng euro thắng thế trên thị trường tiền tệ toàn cầu Trung Quốc trở lại thị trường nợ với kế hoạch bán trái phiếu bằng đồng euro

Thế kẹt của kinh tế châu Âu

Trung Quốc đã tăng cường các biện pháp kích thích tài chính và tiền tệ. Nhiều người hy vọng rằng những nỗ lực mới đây của Trung Quốc trong việc tăng chi tiêu công có thể phục hồi tăng trưởng.

Thị trường chứng khoán châu Âu và Mỹ giảm điểm trong phiên 23/10 14 triệu lao động, 7% GDP và toàn ngành ô tô Châu Âu đang lao đao trước cơn bão xe điện Trung Quốc