
Sáng 21/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Chính phủ với các địa phương thực hiện kết luận của Trung ương, các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về tăng trưởng kinh tế.
"Phải duy trì tăng trưởng cao, bền vững liên tục đến năm 2045
Phát biểu tại hội nghị Thủ tướng nhấn mạnh để thực hiện 2 mục tiêu tới năm 2030 là nước đang phát triển, công nghiệp hiện đại, có thu nhập trung bình cao, và năm 2045 là nước phát triển, thu nhập cao, tăng trưởng GDP là yếu tố quan trọng nhất, tăng trưởng GDP sẽ tác động tới quy mô nền kinh tế, thu nhập bình quân đầu người, xếp hạng quy mô GDP trên thế giới.
"Không còn cách nào khác, chúng ta phải duy trì tăng trưởng cao, bền vững liên tục trong thời gian từ nay tới 2045, chỉ có như vậy mới vượt qua được bẫy thu nhập trung bình và vươn lên, đạt được các mục tiêu chiến lược, thực hiện khát vọng trong kỷ nguyên mới, phát triển giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng, nhân dân ngày càng ấm no và hạnh phúc", người đứng đầu Chính phủ nói.
Vì vậy, vừa qua, Chính phủ đã đề xuất Trung ương, Quốc hội phấn đấu đạt tăng trưởng GDP năm 2025 từ 8% trở lên và tăng trưởng hai con số trong những năm tới.
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng trên, Thủ tướng cho rằng ngay trong năm 2025 có rất nhiều việc phải làm. Đặc biệt, muốn cả nước tăng trưởng trên 8% thì tất cả các bộ ngành, địa phương, các lĩnh vực phải tăng trưởng trên 8%, doanh nghiệp trong và ngoài nước, kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân… đều phải tăng trưởng trên 8%, chứ không thể chỉ có một vài địa phương, một vài bộ ngành, một vài doanh nghiệp tăng trưởng cao rồi kéo cả nước lên, điều này là rất khó.

Thủ tướng cũng lưu ý, tăng trưởng cao nhưng phải bền vững, vẫn phải giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm tiến bộ, công bằng, an sinh xã hội, bảo vệ môi trường sáng xanh sạch đẹp, không hy sinh tiến bộ, công bằng, an sinh xã hội và môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.
Thủ tướng nêu rõ, muốn tăng trưởng được thì phải làm mới các động lực truyền thống (đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm và chuỗi cung ứng), thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức…
Đồng thời, cần giảm chỉ số hiệu quả sử dụng vốn đầu tư (ICOR) xuống vì hiện nay chỉ số này còn cao, thể hiện hiệu quả đầu tư còn thấp. Do đó, các bộ, ngành, địa phương cần phải tập trung cải thiện tỷ lệ này, phải tăng cường giải ngân vốn đầu tư công vì đây là một trong những động lực tăng trưởng.
Nhiều địa phương cam kết tăng trưởng cao hơn
Trước yêu cầu đặt ra của Thủ tướng, tại hội nghị, lãnh đạo nhiều địa phương như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Đồng Nai, Bắc Giang,... đều khẳng định sẽ phấn đấu đạt tăng trưởng cao hơn chỉ tiêu được giao trong năm nay.
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, để đạt tăng trưởng 8% trở lên thì quy mô nền kinh tế của Hà Nội năm 2025 phải đạt quy mô 1,6 triệu tỷ đồng (tăng khoảng 130.000 tỷ đồng so với năm 2024), chiếm khoảng 12,6% GDP cả nước. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội phải đạt khoảng 622.7000 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu tăng 7% đạt hơn 20 tỷ USD. Đến ngày 20/2, TP. Hà Nội đã thu được là 171.000 tỷ đồng ngân sách và đạt 34 % kế hoạch dự toán năm 2025.
Để hoàn thành mục tiêu, lãnh đạo Hà Nội chia sẻ thành phố sẽ tập trung đẩy mạnh khai thác, phát huy các động lực và nguồn lực truyền thống, nhất là đầu tư công (phấn đấu khoảng giải ngân 87.000 tỷ đồng); cải thiện môi trường đầu tư, thu hút đầu tư tư nhân để tăng thu ngân sách; triển khai đồng bộ các giải pháp kích cầu tiêu dùng... Đồng thời, thành phố cũng phát triển các động lực tăng trưởng mới, nhất là trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, công nghệ cao,...

Trong khi đó, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Được cho biết thành phố được Chính phủ giao chỉ tiêu tăng trưởng là 8,5% nhưng quyết tâm phấn đấu tăng trưởng ít nhất 10% năm 2025. "Đây là nhiệm vụ hết sức là nặng nề, hết sức khó khăn nhưng không thể không làm", lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh khẳng định.
Để đạt được mục tiêu trên, Chủ tịch TP. Hồ Chí Minh nêu ra một số giải pháp, bao gồm: Đưa bộ máy sắp xếp đi vào hoạt động nhanh, kịp thời; tập trung cải cách hành chính, tháo gỡ các điểm nghẽn, các cái dự án tồn đọng, các dự án có vướng mắc; huy động mọi nguồn lực, nguồn vốn xã hội để tập trung cho đầu tư phát triển và lấy đầu tư công dẫn dắt cho đầu tư tư,...
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Phạm Đức Ấn cũng khẳng định quyết tâm phấn đấu đưa tăng trưởng cao hơn chỉ tiêu được giao. "Chính phủ giao chỉ tiêu tăng trưởng cho Quảng Ninh là 12%, nhưng với tinh thần trách nhiệm và xét tiềm năng, lợi thế của mình, tỉnh Quảng Ninh quyết tâm xây dựng chỉ tiêu tăng trưởng, phấn đấu vượt hơn 14%", Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh nói.
Về giải pháp, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh cho hay sẽ lấy đầu tư công, lấy đầu tư ngoài ngân sách làm động lực tăng trưởng chính. Bên cạnh đó là đảm bảo tính ổn định của các ngành truyền thống như ngành than, điện, thu hút khách du lịch,... cũng như thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới.
Trên cơ sở tăng trưởng bình quân trong 10 năm liên tiếp đạt 12,35%/năm, Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng tự tin có thể đạt mức tăng trưởng 12,5% năm 2025 như Chính phủ giao, thậm chí có thể tăng trưởng ở mức cao hơn. Riêng quý I/2025, dự báo GRDP của thành phố sẽ đạt khoảng 12%, cao hơn mức trung bình của các năm trước (thường chỉ đạt khoảng 10%).
Ngoài ra, mục tiêu tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2026 - 2030 đặt ra cho Hải Phòng là 14%/năm, nhưng thành phố đang xây dựng kế hoạch phát triển với mục tiêu tăng trưởng GRDP bình quân đạt 15,6% trong giai đoạn 2026 - 2030.
Động lực cho tăng trưởng được ông Nguyễn Văn Tùng cho biết là tập trung vào phát triển các khu công nghiệp để thu hút đầu tư; phát triển hạ tầng giao thông, cảng biển, trong đó, thành phố cam kết đóng góp 11.000 tỷ đồng để triển khai dự án đường sắt Lào Cai - Hải Phòng...

Là địa phương được giao chỉ tiêu tăng trưởng cao nhất cả nước (13,6%), ông Nguyễn Việt Oanh, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang khẳng định tỉnh còn nhiều lợi thế, dư địa cho phát triển. Trong đó, sản xuất công nghiệp duy trì tốc độ tăng trưởng cao, tiếp tục là động lực chính cho tăng trưởng của tỉnh.
Năm 2025 dự kiến tổng giá trị sản xuất của Bắc Giang sẽ đạt khoảng 703.000 tỷ đồng, tăng 22,4% so với năm 2024. Riêng trong 2 tháng đầu năm 2025 giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh ước đạt 145.000 tỷ đồng. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 2 tháng ước đạt 10,64 tỷ USD, trong đó xuất khẩu ước đạt 5,49 tỷ USD. Khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao. Một số ngành sản xuất công nghiệp có giá trị lớn đã đảm bảo đơn hàng sản xuất cho cả năm 2025.
Đặc biệt trong 2 tháng đầu năm, Bắc Giang đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận 4 khu công nghiệp với diện tích trên 860 ha. Điều này sẽ tạo thêm không gian mới cho tỉnh thu hút đầu tư vào cuối năm 2025 và những năm tiếp theo.