Chỉ số chứng khoán VN-Index khép phiên giao dịch ngày 3/2 trong sắc đỏ và không thể giữ thành quả tăng giá của buổi sáng. Chốt phiên, VN-Index mất 0,44 điểm xuống 1.077,15 điểm (-0,04%). Giá trị giao dịch toàn sàn đạt 10.791 tỷ đồng.
VN-Index phải chịu nhiễu từ hoạt động cơ cấu của các quỹ ETF nội.
So với kết quả của các thị trường châu Á hôm nay như Hang Seng (-1,41%), CSI 300 (-0,95%), TWSE (+0,05%), IDX (+0,31%), diễn biến của VN-Index không để lại dấu ấn nổi trội. Vị thế của VN-Index vẫn nằm trong nhóm đi sau và cách đường MA200 khoảng 80 điểm.
Theo tính toán, tỷ lệ các mã có xu hướng tăng dài hạn của HOSE hiện đã giảm xuống 19,8% sau phiên hôm nay. Một số Bluechips nằm trong nhóm này như VCB (+2,6%), SAB (+2,8%), PLX (+3,04%) vẫn đảm nhận khá tốt vai trò triệt tiêu tác động giảm từ các giao dịch cơ cấu của các quỹ ETFs nội.
Phiên hôm nay cũng là hạn cuối cùng để các quỹ ETFs vận hành theo VN30, VN Finlead, VN Diamond hoàn tất việc mua bán và các mã gây nhiễu trong phiên chiều nay là MWG (-4,2%), TCB (-3,2%), VJC (-2,6%), FPT (-2,2%), ACB (-2%), SSI (-2%), MBB (-1,8%).
Trong khi đó, nhóm cổ phiếu Đầu tư công vẫn thể hiện đúng như mong đợi với HHV, LCG tăng trần còn KSB (+4,8%), HT1 (+3,8%), VCG (+3,8%) đều tăng trên 3%, qua đó vượt bài test tại đường MA200. Với độ rộng của HOSE bị thu hẹp xuống dưới 40% mã tăng giá, các cổ phiếu Đầu tư công vẫn là điểm sáng và là nơi giúp nhà đầu tư vẫn có thể kiếm được lợi nhuận.
Với phần còn lại của thị trường, việc gặp khó khăn với mốc 1.100 điểm dù đang làm chậm tiến trình bám đuổi các chỉ số chứng khoán thế giới nhưng cũng chưa thể chuyển tâm lý thị trường sang tiêu cực.
Nhà đầu tư nước ngoài đã nối mạch giải ngân lên con số 3 phiên liên tiếp và cũng tăng quy mô so với phiên hôm qua. Họ đã mua ròng trên HOSE 530 tỷ đồng, qua đó mua cả thị trường với giá trị là 568 tỷ đồng. Cả 2 sàn HNX và UPCoM dù được giải ngân ít nhưng đều nhận được tiền lần lượt là 16,5 tỷ đồng 21,66 tỷ đồng.
Khối ngoại chỉ bán ròng đúng 2 phiên kể từ đầu năm.
Như vậy, tính từ đầu năm tới nay, trong vòng 19 phiên giao dịch, khối ngoại mới bán ròng duy nhất 2 phiên. Đó là phiên 13/1 do các giao dịch thoái vốn mang tính đột biến tại EIB của Sumitomo. Phiên giao dịch còn lại là phiên 31/1 ngay trước ngày FED công bố tăng lãi suất.
Top mua ròng của khối ngoại trên HOSE phiên 3/2.
Với sự đồng hành của khối ngoại như trên, việc thị trường điều chỉnh sâu cũng không thực sự dễ dàng. Theo thống kê, các cổ phiếu được khối ngoại giải ngân mạnh nhất như STB (-0,4%), HPG (-0,94%) đều giảm không đáng kể. Một số mã như NVL, KBC vẫn tăng tới hơn 4%.