Định vị thị trường
Sau khi FED tăng lãi suất là chuỗi các hành động của các ngân hàng trung ương (NHTW) thế giới. ECB tăng lãi suất 50 điểm cơ bản và BOE cũng tăng lãi suất 50 điểm cơ bản. Dù mức tăng của các NHTW này có biên độ lớn hơn nhưng tại châu Âu, các chỉ số chứng khoán hàng đầu như FTSE 100, CAC 40, DAX lại đều tăng điểm khá tích cực. Trong khi đó, các chỉ số chứng khoán Mỹ trong đêm qua cũng phản ứng tốt khi NASDAQ tăng tới 3,25% còn S&P 500 tăng 1,5%.
Với khu vực châu Á, đã có sự chững lại của nhiều thị trường như Hong Kong, Đài Loan, Trung Quốc, Thái Lan các phiên gần đây. Nguyên nhân đến từ tâm lý thận trọng chờ các diễn biến hậu tăng lãi suất của FED và cũng có phần đến từ việc các chỉ số này đã tăng sớm từ đầu năm 2023.
Lẽ ra đây sẽ là cơ hội lý tưởng để VN-Index có thể tranh thủ bắt nhịp theo các chỉ số tiên phong của châu Á nhưng mốc 1.100 điểm vẫn đang là kháng cự mạnh về tâm lý. Hiện đường xu hướng dài hạn đang được kéo về còn 1.150 điểm và chỉ số còn cách khoảng 70 điểm.
Chất xúc tác
Hoạt động giải ngân của khối ngoại vẫn có tính trụ cột từ cuối năm ngoái cho đến đầu năm nay. Lũy kế từ đầu năm, khối ngoại đã mua ròng hơn 4.800 tỷ đồng trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Ở trong phiên sáng nay, khối ngoại lại tiếp tục mua ròng 130 tỷ đồng trên HOSE với điểm đến ưa thích là các cổ phiếu VN30. Riêng nhóm này đã nhận được 120 tỷ đồng.
Khối ngoại mua ròng chủ yếu tại VN30 trong sáng 3/2.
Với dòng tiền trong nước, kênh chứng khoán cũng trở nên "dễ thở" hơn kể từ đầu năm. NHNN đã liên tục bơm ròng giai đoạn trước tết và trong 3 ngày gần nhất đã có khoảng 60.000 tỷ đồng được bơm qua nghiệp vụ thị trường mở. Tác động trực tiếp có thể khó nhận biết nhưng hiện tại thanh khoản của VN-Index đã có liền 8 phiên giao dịch trên mức bình quân 20 phiên. Tính từ đầu năm đến nay, chỉ số cũng đã tăng 7%.
Bên cạnh đó, thông tin về Bộ Tài chính sửa đổi Nghị định 65 và dự kiến sẽ trình Chính phủ trong đầu tuần tới cũng đáng quan tâm. Các nhóm ngành như Ngân hàng, Bất động sản, Năng lượng ít nhiều cũng sẽ được hỗ trợ từ các động thái của Chính phủ.
Vận động nhóm ngành
Nhóm ngành cần chú ý nhất lúc này vẫn là Ngân hàng bởi vai trò dẫn dắt tâm lý đã được phản ánh vào đà tăng của VN-Index từ đầu năm. Cho đến thời điểm hiện tại, cũng chưa có nhóm ngành nào có thể thay thế được vị thế trụ cột của Ngân hàng.
Tuy nhiên, một số tin đồn chưa có căn cứ đã tạo ra thử thách tới chuyển động của nhóm này. Ở phiên hôm qua, hầu hết nhóm Ngân hàng đã lấy lại sự cân bằng cần phải có. Để phản bác lại tin đồn thì sự đề kháng của các cổ phiếu như VCB, BID, VIB, STB, CTG vẫn cần phải được duy trì.
Các mã trên đều có được sắc xanh trong phiên sáng nay trong đó STB còn là cổ phiếu hút tiền mạnh nhất thị trường với giá trị giao dịch đạt trên 400 tỷ đồng.
Hiêu ứng của Ngân hàng cũng đang giúp triệt tiêu đi các hoạt động chốt lời tại các cổ phiếu Midcap và Penny. Sắc xanh đã phủ trở lại trên 50% số mã trên sàn. Dù vẫn xuất hiện khá nhiều mã giảm nhưng các trường hợp như VPI (-0,19%), VSC (-0,33%), BMP (-0,33%), PNJ (-0,82%), REE (-0,55%) đều không có biên độ lớn.
Nhóm cổ phiếu Đầu tư công đang có sự trở lại mạnh mẽ với VCG (+3,78%), HHV (+4,92%), LCG (+5,61%). Nếu duy trì được mức tăng tích cực này đến hết phiên thì cả 3 cổ phiếu này có thể xác nhận việc vượt qua bài test tại đường MA200, qua đó lại hút thêm được dòng tiền của nhà đầu tư.
Một số cổ phiếu cũng hưởng lợi lớn từ Đầu tư công như FCN (+4,48%), KSB (+5,22%), HT1 (+2,3%) dù có đà chậm hơn nhưng diễn biến giá cũng rất khả quan trong sáng nay.
VN-Index cuối phiên sáng tăng 0,1% lên 1.078,7 điểm. Giá trị giao dịch đạt 3.980 tỷ đồng.
Trong khi đó, HNX-Index và UPCoM-Index làm tốt hơn với mức tăng 0,3% và 0,59%. Tổng giá trị giao dịch 2 sàn là 480 tỷ đồng.