Nhà đầu tư “bơ vơ” ngày cận Tết
Thị trường bất động sản giai đoạn 2020 - 2021 liên tục tăng giá mạnh. Theo đà tăng giá, đến đầu năm 2022, không ít người vẫn mạnh tay xuống tiền với mục tiêu “đánh nhanh thắng nhanh”, khiến thị trường càng thêm nóng.
Khi đó, nhiều môi giới bất động sản còn khẳng định chắc nịch với người mua, chỉ cần một thời gian ngắn sẽ có lãi. Thậm chí, môi giới còn hứa hẹn sẽ mua lại mảnh đất với giá cao. Tuy nhiên, không được bao lâu, thị trường đột ngột “phanh gấp” khiến nhiều nhà đầu tư “nhẹ dạ cả tin” lâm vào cảnh kiệt sức gồng lãi.
Anh Nguyễn Đức Nhật, nhà đầu tư tay ngang tại Hà Nội chia sẻ, đầu năm 2022, thấy các thông tin “sốt đất” tràn lan khắp nơi. Sẵn có 2 tỷ đồng trong tay, anh bắt đầu tìm hiểu để tham gia vào thị trường bất động sản.
“Đây là số tiền tiết kiệm của gia đình tôi trong nhiều năm, nên cũng có ý định tìm một kênh đầu tư thêm để kiếm lợi nhuận. Thấy thị trường liên tục tăng nóng, tôi bắt đầu đi tìm mua đất nền. Được một cò đất tại địa phương giới thiệu mảnh đất rộng 110m2, có giá 3 tỷ đồng và liên tục đưa ra kỳ vọng về thị trường. Thậm chí, môi giới cho rằng, chỉ cần một thời gian ngắn sẽ lãi từ 20 - 30%. Thậm chí, họ còn khẳng định, sẵn sàng xuống tiền mua lại với giá chênh”, anh Nhật kể.
Thấy môi giới cam kết và đưa ra các kỳ vọng chắc nịch, anh Nhật quyết định vay thêm ngân hàng 1 tỷ đồng để mua mảnh đất đó. Tuy nhiên, không được bao lâu, thị trường bất động sản vào giai đoạn chững. Theo đó, giá đất nền quay đầu hạ nhiệt, thanh khoản cũng sụt giảm mạnh.
“Đến tháng 12/2022, tôi cần một khoản tiền lớn để xử lý việc riêng, nên quyết định bán mảnh đất đi. Khi đó tôi cũng biết thị trường đã chững lại nên chấp nhận bán lỗ khoảng 10%. Liên hệ tới môi giới bán mảnh đất này cho tôi để nhờ tìm người mua thì được biết, họ đã chuyển việc. Sau đó, tôi liên hệ nhiều văn phòng khác nhưng họ cũng cho biết thị trường khó thanh khoản nên không dám nhận bán, một số thì đã nghỉ Tết sớm”, nhà đầu tư F0 này nói.
Đến nay, anh Nhật đành tự rao bán mảnh đất với giá 2,5 tỷ đồng, tức giảm 500 triệu đồng so với lúc xuống tiền, song vẫn chưa tìm được khách mua.
Chuyên gia bất động sản Phan Công Chánh chia sẻ, đầu tư khi “sốt” đất thì chỉ có khoảng 20% là nhà đầu tư có tầm nhìn trung và dài hạn, còn lại 80% là các nhà đầu cơ với mong muốn thu được biên độ lợi nhuận tốt trong thời gian ngắn, hoặc thậm chí là lướt sóng từ lúc thị trường bắt đầu lên đến lúc chạm đỉnh.
Xu hướng “lướt sóng” khi thị trường bất động sản nóng hổi hay bắt đáy để chờ thời cơ chỉ dành cho những nhà đầu tư chuyên nghiệp, thành thạo thị trường. Các nhà đầu tư “chết” vì sốt đất thường là những người mới, đầu tư chạy theo đám đông, nắm thông tin chậm hoặc ít kiến thức và non kinh nghiệm.
Nhiều môi giới bỏ nghề vì thị trường khó khăn
Thực tế, thời gian qua nhiều nhà đầu tư mới tham gia vào thị trường, chưa có nhiều kinh nghiệm nhưng ham lợi nhuận nên đã dễ mắc bẫy của “cò đất”. Trong khi đó, những năm qua, thị trường bất động sản diễn biến nóng, lực lượng lao động từ các ngành nghề khác chuyển sang nghề môi giới đông đảo. Đến khi thị trường gặp khó khăn nhiều môi giới bất động sản phải chuyển nghề khác để kiếm sống.
Theo ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, doanh nghiệp phát triển bất động sản đang trong tình trạng "đói vốn", khó tiếp cận với các kênh dẫn vốn; thanh khoản yếu dẫn đến sụt giảm doanh thu mạnh, trong khi chi phí tiếp cận tài chính, chi phí nguyên vật liệu tăng. Không ít doanh nghiệp đã phải dừng, hoãn nhiều dự án đang triển khai, thậm chí sa thải bớt nhân viên.
"Chúng tôi mới thống kê ở các đơn vị môi giới, sàn giao dịch bất động sản trong phạm vi một phân khúc, khoảng hơn 100.000 nhân viên môi giới đã nghỉ hoặc chuyển sang công việc khác", ông Đính cho biết.
Ông Đính khuyên, những người làm môi giới bất động sản còn muốn gắn bó với nghề nên chuyển sang bán những phân khúc khác có thanh khoản tốt hơn như sản phẩm phục vụ nhu cầu thực ở khu vực đông dân cư. Tuy nhiên, với tình hình hiện tại thì không nên quá kỳ vọng vào thanh khoản của thị trường.