Những người tiêu dùng Trung Quốc đã không ngừng mua mạnh hàng hóa trong năm nay, họ chi tiêu nhiều vào các loại mặt hàng xa xỉ trong đó có bao gồm túi xách và các sản phẩm liên quan thương hiệu Hermes và LVMH. Trong năm ngoái, chi tiêu của họ bị hạn chế bởi các biện pháp phong tỏa ngặt nghèo, theo nội dung bài báo được Bloomberg đăng tải.
Kết quả kinh doanh rất ấn tượng trong quý 1/2023 của các doanh nghiệp kinh doanh hàng xa xỉ đã giảm đi những lo lắng về khả năng nhiều người tiêu dùng Trung Quốc giàu có đã mất đi sự quan tâm với túi xách và trang sức đắt tiền sau thời kỳ đại dịch COVID-19.
Ngay cả như vậy, nhà đầu tư trên thị trường tài chính cũng cần phải chờ xem kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp đối thủ như thế nào.
“Những doanh nghiệp hàng đầu trong ngành kinh doanh hàng hóa xa xỉ đều đã công bố kết quả kinh doanh. Chúng tôi cho rằng trong ngành hàng xa xỉ sẽ có thêm những sự phân cực bởi người tiêu dùng Trung Quốc khó tính và họ muốn mua những thương hiệu mạnh”, chuyên gia phân tích tại ngân hàng UBS – bà Zuzanna Pusz phân tích.
Kết quả kinh doanh của doanh nghiệp mẹ LVMH đầy ấn tượng cũng kéo theo cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp như Christian Dior và Tiffany lên ngưỡng cao kỷ lục. Cổ phiếu tăng mạnh giúp cho giá trị thị trường của doanh nghiệp kinh doanh ngành hàng xa xỉ hàng đầu thế giới này vào nhóm top 10 thế giới, CEO của LVMH – ông Bernard Arnault vốn đã giàu lại càng giàu có hơn.
Giá trị của thương hiệu đắt giá nhất LVMH là Louis Vuitton đã vượt ngưỡng 22 tỷ USD trong năm ngoái, gần đây họ đã thuê nhạc sỹ ngôi sao Pharrell Williams làm giám đốc sáng tạo, thông tin này đã gây sốc giới truyền thông. Doanh số bán quý vừa qua của Hermes trong khi đó tăng trưởng 2 con số với tất cả các ngành hàng, ngoại trừ mảng các sản phẩm làm đẹp.
“Thương hiệu Hermes sẽ luôn sức mạnh” bởi nhu cầu đối với một loạt các sản phẩm như túi xách Kelly và Birkin luôn vượt quá nguồn cung, giá trị vốn hóa thị trường của thương hiệu này gần đây đã vượt ngưỡng 200 tỷ USD lần đầu tiên trong lịch sử.
Tốc độ tăng trưởng thần kỳ của LVMH và Hermes đã giúp các doanh nghiệp này thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư ở thời điểm mà ngay cả những doanh nghiệp hàng đầu ngành công nghệ cũng đang chứng kiến doanh thu bán hàng sụt giảm nghiêm trọng.
Trong nhóm các doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa xa xỉ, nhiều doanh nghiệp ví như Salvatore Ferragamo SpA, Burberry Group Plc, Swatch Group AG và Kering SA đều có doanh số tăng trưởng thấp hơn và không thu hút được sự quan tâm của người tiêu dùng Trung Quốc mạnh như Hermes và LVMH.
Thương hiệu Gucci của Kering, hiện đang trải qua quá trình chuyển đổi, nổi bật nhất có thể kể đến việc mới tuyển ông Sabato De Sarno vào vị trí giám đốc sáng tạo. Kết quả kinh doanh của Gucci vào năm ngoái kém hơn so với các đối thủ. Bộ sưu tập đầu tiên của Gucci dưới thời giám đốc sáng lạp mới sẽ chính thức được ra mắt vào tháng 9/2023 và sẽ chưa chính thức được bán cho đến đầu năm sau. Kering đồng thời sở hữu nhiều thương hiệu khác như Saint Laurent và Balenciaga.
Người tiêu dùng Trung Quốc, cả tại nội địa và nước ngoài, chiếm khoảng 30% tổng chi tiêu vào hàng hóa xa xỉ trước đại dịch COVID-19. Thông thường sẽ mất ít nhất khoảng 2 năm để có thể trở lại ngưỡng này, theo nhà sáng lập kiêm CEO của công ty dữ liệu ngành hàng xa xỉ Luxurynsight.
Hiện tại, người tiêu dùng Trung Quốc đang chi tiêu mạnh tay, một phần còn bởi họ đã tích lũy được quá nhiều tiền trong thời gian nghỉ dịch.
“Giờ đây dường như đang có làn sóng mua sắm và du lịch trả thù ở Trung Quốc”, ông Jonathan Siboni nói.
Nhà đầu tư đã không ngừng mua vào cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp kinh doanh ngành hàng xa xỉ khi Trung Quốc mở cửa nền kinh tế trở lại ví như Moncler SpA, Ermenegildo Zegna NV, Kering, Brunello Cucinelli SpA, Tod’s SpA, Burberry, Prada SpA.