CASA có xu hướng cải thiện
CASA (Current Account Savings Account) là loại tiền gửi không kỳ hạn hay tiền gửi khách hàng để trong tài khoản thanh toán.
Đây chính là loại tiền gửi ngân hàng mà khách hàng chủ động gửi, thực hiện thanh toán thường xuyên và hưởng lãi suất không kỳ hạn. Thông thường, lãi suất tiền gửi không kỳ hạn thấp hơn rất nhiều so với tiền gửi có kỳ hạn, chỉ ở quanh mức 0,2%/năm.
Đối với các ngân hàng, việc thu hút được tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn cao giúp tạo nguồn vốn giá rẻ, cải thiện tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM), đồng thời giúp các nhà băng có thêm điều kiện cạnh tranh lãi suất cho vay trên thị trường.
Từ kết quả kinh doanh quý I/2024 của các ngân hàng cho thấy CASA có xu hướng phục hồi.
Dẫn đầu về tỷ lệ CASA toàn ngành là Techcombank với tỷ lệ 40,5% tăng 0,6% so với cuối năm ngoái. Nhờ lượng tiền gửi không kỳ hạn lớn trong cơ cấu huy động của nhà băng, Techcombank có quý thứ ba liên tiếp tăng trưởng về mặt CASA, nới rộng khoảng cách với phần còn lại của toàn ngành ngân hàng.
Theo Techcombank, tỷ lệ CASA là một trong những mục tiêu quan trọng trong hoạt động kinh doanh của ngân hàng để hiện thực hóa chiến lược về nguồn vốn giá rẻ và thúc đẩy tăng trưởng.
Đứng ở vị trí thứ hai là MBBank với tỷ lệ CASA đạt 36,1%, giảm 3,5 điểm phần trăm so với cuối năm 2023. Tổng tiền gửi khách hàng tại MBBank giảm 1,5% trong quý I/2024, xuống 558.826 tỷ đồng.
Vietcombank xếp thứ ba với CASA đạt 33,2% trong quý I/2024. Chỉ số này tại Vietcombank sụt giảm 0,7 điểm phần trăm so với mức 33,9% vào cuối năm ngoái.
Những vị trí tiếp theo trong bảng xếp hạng top 10 CASA lần lượt thuộc về MSB (29,2%), TPBank (24,4%), ACB (23%), VietinBank (22,2%), BIDV (18,5%), Sacombank (18,3%), Eximbank (14,6%).
Nếu xét về tốc độ tăng trưởng CASA thì MSB là ngân hàng có sự tăng trưởng mạnh nhất toàn ngành, tăng 2,9 điểm phần trăm. Số dư tiền gửi không kỳ hạn của ngân hàng này ở mức 40.000 tỷ đồng, tăng 15% so với cuối năm ngoái.
Ngược lại, đến hết quý I/2024, đơn vị có mức sụt giảm tỷ lệ CASA sâu nhất là PGBank với mức giảm 3,6 điểm phần trăm.
Các ngân hàng tiếp tục "chạy đua" CASA
Năm 2024 nhiều ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng CASA mạnh mẽ. Như tại ĐHĐCĐ được tổ chức mới đây, ông Jens Lottner, Tổng giám đốc Techcombank cho biết, trong chiến lược ngắn hạn của nhà băng đặt ra CASA đạt tỷ lệ 55%. “CASA đạt được 40% rồi nên mức 55% là hoàn toàn có thể đạt được và khả thi trong năm nay hoặc năm sau”, Tổng giám đốc Techcombank cho hay.
Đối với MBBank, mặc dù không đưa ra mục tiêu cụ thể, song ông Phạm Như Ánh, Tổng giám đốc MBBank cho biết, đến cuối năm năm, lượng khách hàng sẽ tăng lên 30 triệu. Dựa trên tệp khách hàng lớn này, MB sẽ có giá vốn rẻ. Đây là cơ sở để MB đặt mục tiêu lợi nhuận năm nay đạt 30.000 tỷ đồng.
Tại MSB đặt mục tiêu thúc đẩy tỷ lệ CASA từ nay đến cuối năm tiếp tục nằm trong nhóm dẫn đầu thị trường thông qua những tiện ích hấp dẫn hơn cho sản phẩm - dịch vụ, hướng tới mục tiêu chung về tỷ lệ CASA/tổng tiền gửi giai đoạn 2023 - 2027 trong khoảng 35 – 40%.
Hay tại ACB, Tổng giám đốc Từ Tiến Phát thông tin, quý I/2024, huy động tiền gửi không kỳ hạn tăng 4,6%, tỷ lệ CASA cải thiện từ 22% lên 23% và năm nay ngân hàng đặt mục tiêu giữ vị trí top 5.
Thực tế, trong những năm qua, đa số các ngân hàng xác định tăng tỷ lệ CASA là một trong những mục tiêu quan trọng trong hoạt động kinh doanh. Cũng bởi vậy, cuộc đua tăng CASA ngày càng gay gắt, đặc biệt là khi hầu hết các ngân hàng thương mại đều đã miễn phí dịch vụ ngân hàng số.
Giới chuyên gia cũng dự báo, tỷ lệ CASA trong thời gian tới sẽ tiếp tục tăng, khi nền kinh tế có dấu hiệu hồi phục, thu nhập của người dân tốt hơn, tiền nhàn rỗi trong tài khoản thanh toán sẽ nhiều hơn.