Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ thanh khoản như thế nào?

Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ thanh khoản hệ thống qua nhiều kênh. Và hiện tại còn có cơ quan khác phối hợp tạo tiền.

Một lần nữa Ngân hàng Nhà nước thể hiện sự linh hoạt trong hỗ trợ thanh khoản, cân đối nguồn ngắn hạn cho hệ thống. Những phiên giao dịch vừa qua được xem như một phép thử trước “biến cố”.

Như nổi bật trong dòng chảy thông tin cuối tuần qua đến đầu tuần này, thị trường xuất hiện dư luận có ảnh hưởng bất lợi đối với hoạt động của Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB). Đã có hiện tượng người dân đi rút tiền trước hạn tại đây. Điều này có thể gây xáo trộn nhất định cân đối thanh khoản hệ thống.

Tuy nhiên, quan sát trên thị trường cho thấy sự ổn định đã có chiều hướng sớm thiết lập; cũng như đến chiều qua (11/10), SCB đã có thông tin về hoạt động dần ổn định trở lại.

Trước hết, như nhiều “biến cố” trước đây, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) lập tức có thông điệp: đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng liên quan và hệ thống nói chung, cũng như lợi ích của người gửi tiền. Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng tiếp tục tái khẳng định thông điệp đó đầu tuần này.

Trực tiếp và cụ thể, NHNN đẩy mạnh hoạt động điều tiết và bình ổn qua các kênh chính yếu và truyền thống. Hoạt động này cũng trở nên bình thường, khi từ cuối tháng 5/2022 đến nay Nhà điều hành thể hiện rõ nhịp độ con thoi trong bơm/hút tiền, gián tiếp phục vụ mục tiêu cân đối lãi suất và tỷ giá.

Nhưng trước hết, với trường hợp ngân hàng gặp khó khăn thanh khoản tạm thời, nhất là do yếu tố bất thường và đột ngột, NHNN có thể mở các kênh hỗ trợ trực tiếp. Đây cũng là điểm dư luận quan tâm thời gian qua.

Bên cạnh ngân hàng đó có quỹ dự phòng thanh khoản, theo các tỷ lệ quy định, họ có thể tiếp cận nguồn vốn ngắn hạn trên thị trường liên ngân hàng, trên thị trường mở (OMO) - nơi mà suốt thời gian qua NHNN luôn duy trì trạng thái chào thầu tạo cung ngay cả khi hệ thống có dư thừa.

Thứ nữa, NHNN có thể thực hiện cho vay tái cấp vốn trực tiếp.

Trường hợp đặc biệt, nếu trong diện tái cơ cấu, tỷ lệ dự trữ bắt buộc cũng có thể được xem xét điều chỉnh theo hướng hạ xuống.

Quảng cáo

Và không chỉ riêng NHNN, từ trong năm 2021 đến nay Bộ Tài chính (qua đầu mối Kho bạc Nhà nước) vẫn thường xuyên thực hiện nghiệp vụ mua lại trước hạn trái phiếu Chính phủ - một kênh tái tạo vốn cho hệ thống ngân hàng, nếu cần.

Trong những trường hợp trên, một trong những điều kiện tiên quyết là ngân hàng cần hỗ trợ thanh khoản phải có tài sản cầm cố, làm cơ sở để tiếp cận “vốn nóng”. Tài sản hàng đầu, có giá trị thanh khoản sau tiền mặt, là trái phiếu Chính phủ. Trong quá trình hoạt động, hầu hết các ngân hàng thương mại đều duy trì tài sản này với giá trị là một kênh đầu tư, cũng là một tài sản dự phòng bởi khả năng chuyển thành tiền mặt có thể nói là nhanh nhất.

Ngoài ra, trong một số trường hợp trước đây, khi có sự việc xẩy ra gây ảnh hưởng thanh khoản, để đảm bảo an toàn hoạt động và khoanh vùng rủi ro, như trước đây ở trường hợp DongABank, hay VNCB…, thị trường từng đón thông tin các thành viên “Big 4” sẽ thể hiện vai trò hỗ trợ, thậm chí bằng những nguồn tiền trực tiếp.

Ở khía cạnh trên, vai trò của “Big 4” (gồm Agribank, Vietcombank, BIDV và VietinBank) vừa là rường cột, vừa là các đầu mối góp phần thực thi chính sách và giữ ổn định, an toàn hệ thống.

Bên cạnh hỗ trợ thanh khoản khi cần như trên, thực tế thời gian qua “Big 4” còn trực tiếp cử người sang tham gia quản lý, điều hành để cùng củng cố trường hợp ngân hàng gặp khó khăn; tham gia hỗ trợ tái cơ cấu; thậm chí trên báo cáo tài chính một số trường hợp vẫn có những khoản tiền gửi hỗ trợ về sau…

Như vậy, ở trên cho thấy, hỗ trợ thanh khoản hệ thống ngoài NHNN, Kho bạc Nhà nước có kênh tái tạo nguồn, còn có “Big 4” các ngân hàng thương mại Nhà nước. Vai trò đó hiện cũng đang thể hiện gián tiếp ở bình ổn chung, ví như lãi suất huy động của khối này hiện vẫn giữ ở mức khá thấp, “chấp nhận” thấp hơn quanh 2 điểm phần trăm so với khối cổ phần, tùy kỳ hạn.

Trở lại với diễn biến thị trường hiện nay, sau hai phiên NHNN bơm ròng lượng tiền lớn hỗ trợ thanh khoản hệ thống (quy mô quanh 30.000 tỷ đồng/phiên, phiên gần nhất “ế” gần 4.000 tỷ đồng chào thầu), tình hình chung đã có xu hướng bình ổn.

Lãi suất OMO đã giảm khá mạnh, chỉ còn 5%/năm so với các mức từ 6,3-6,9%/năm vừa mới trước đó. Đặc biệt, lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng sau ngày đầu tiên của “biến cố” (10/10) cũng đã liên tiếp giảm mạnh. Cập nhật đến sáng nay (12/10), lãi suất qua đêm đã giảm xuống còn quanh 6,6%/năm sau khi lên tới quanh 7,7%/năm trước đó. Các kỳ hạn ngắn cũng đã giảm đáng kể để thấp hơn các kỳ hạn dài, thay vì có dấu hiệu căng lên khi đường cong lãi suất có dấu hiệu đảo ngược vừa qua.

Về tình hình giao dịch, thị trường liên ngân hàng vẫn cho thấy sự sôi động và thông suốt đáng kể, khi quy mô giao dịch qua đêm trong ngày 10/10 vẫn lên tới hơn 255.000 tỷ đồng. Quy mô này tương đương với bình quân giao dịch thời gian gần đây, chứ không co cụm và ngột ngạt lại.

Qua diễn biến những phiên đầu tuần này cho thấy một lần nữa NHNN đã can thiệp và bình ổn kịp thời, thị trường liên ngân hàng (cả lượng và lãi suất) đã sớm có xu hướng bình ổn.

Riêng tỷ giá USD/VND lại có hướng tăng lên, bên cạnh chỉ số USD Index tăng khá mạnh trở lại trên thị trường thế giới. Tuy nhiên, sau bước tăng hôm qua và sáng nay, giá USD trên biểu niêm yết của các ngân hàng thương mại đã giảm nhẹ trở lại cuối chiều nay.

Theo Nhịp sống Doanh nghiệp Sao chép

Cùng chuyên mục Ngân hàng

“Không lo thiếu vốn cho lĩnh vực nông nghiệp”

Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định, nguồn vốn cho nông nghiệp, nông thôn và đặc biệt là khu vực đồng bằng sông Cửu Long sẽ không lo thiếu. Nếu ngân hàng thương mại thiếu vốn thì Ngân hàng Nhà nước sẽ có biện pháp tái cấp vốn hoặc có hình thức cụ thể để hỗ trợ nguồn lực.

Ngân hàng Nhà nước vừa công bố kỷ lục mới, là gì vậy? Ngân hàng Nhà nước tiếp tục “bơm” mạnh tiền vào hệ thống

3,15 triệu tỷ đồng rót vào bất động sản, nhà băng nào đang cho vay nhiều nhất?

Tính tới cuối quý III/2024, có 3,15 triệu tỷ đồng đã được các ngân hàng cho vay đối với hoạt động kinh doanh bất động sản. Trong số các ngân hàng công bố danh mục cho vay theo ngành nghề, Techcombank có tỷ trọng cho vay lĩnh vực này cao nhất.

Bốn tác động lên ngân hàng Việt khi ông Trump làm Tổng thống Mỹ Ngân hàng Nhà nước vừa công bố kỷ lục mới, là gì vậy?

BIDV và VRG hợp tác toàn diện giai đoạn 2024 - 2029

Ngày 18/11/2024, tại TP. Hồ Chí Minh, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) tổ chức Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác toàn diện giai đoạn 2024 - 2029, đánh dấu bước phát triển quan trọng trong mối quan hệ giữa hai đơn vị.

BIDV đồng hành với chương trình giáo dục tài chính cá nhân đầu tiên cho sinh viên BIDV và Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam ký kết thỏa thuận hợp tác

Sacombank triển khai dịch vụ giải ngân trực tuyến cho doanh nghiệp

Để doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn kịp thời, Sacombank triển khai dịch vụ “Giải ngân trực tuyến” trên hệ thống Ngân hàng điện tử (Internet Banking) tại www.isacombank.com.vn, cho phép khách hàng nhận vốn vay nhanh chóng. Đây là một bước tiến mới nhằm số h

Sacombank đạt chứng nhận quốc tế PCI DSS 11 năm liền Bức tranh toàn cảnh Sacombank 10 năm qua

HDBank đạt 3 giải thưởng tại cuộc bình chọn "Doanh nghiệp niêm yết 2024"

HDBank đã xuất sắc đạt ba giải thưởng danh giá tại Cuộc bình chọn Doanh nghiệp niêm yết (VLCA) 2024, tiên phong trong lĩnh vực tài chính ngân hàng và cam kết minh bạch thông tin, quản trị chuyên nghiệp.

Bảng xếp hạng ROE ngân hàng quý 3/2024: HDBank tiếp tục dẫn đầu, MB áp sát ACB, Techcombank đang trở lại Lãi suất ngân hàng HDBank mới nhất tháng 11/2024: Gửi online 18 tháng có lãi suất cao nhất