Cụ thể, theo phương án đã được phê duyệt, Nam A Bank sẽ nâng vốn điều lệ thêm hơn 3.145 tỷ đồng, từ mức 10.580 tỷ đồng lên 13.725 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu để tăng vốn và phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn (ESOP).
Trong đó, ngân hàng sẽ phát hành cổ phiếu để chia cổ tức với tỷ lệ 25%, vốn điều lệ theo đó sẽ tăng thêm 2.654 tỷ đồng. Về phương án ESOP, Nam A Bank dự kiến sẽ phát hành 50 triệu cổ phiếu, giúp vốn điều lệ tăng thêm 500 tỷ đồng. Đối tượng phát hành là cán bộ nhân viên của ngân hàng. Giá chào bán dự kiến là 10.000 đồng/cổ phiếu.
Cổ phiếu ESOP sẽ bị hạn chế chuyển nhượng 100% trong vòng một năm và 50% trong năm tiếp theo kể từ khi hoàn thành đợt chào bán. Thời gian dự kiến phát hành là trong năm 2024, sau khi được chấp thuận từ các cơ quan có thẩm quyền. Ngoài ra, việc phát hành cổ phiếu ESOP sẽ được thực hiện sau khi Nam A Bank đã hoàn thành chia cổ tức bằng cổ phiếu.
Sau khi hoàn thành tăng vốn, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) của ngân hàng hợp nhất sẽ lên 11,96%, tăng 0,8 điểm % so với cuối năm 2023.
Về kết quả kinh doanh, kết thúc quý đầu tiên của năm, Nam A Bank ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt gần 1.000 tỷ đồng, tăng 31% so với kết quả đạt được cùng kỳ năm trước.
Tại thời điểm cuối tháng 3/2024, tổng tài sản của Nam A Bank ở mức gần 216,2 nghìn tỷ đồng, tăng 2,98% so với đầu năm, trong đó, cho vay khách hàng đạt gần 146,8 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 3,76%. Tiền gửi khách hàng đến cuối quý I đạt gần 151,2 nghìn tỷ đồng, tăng 3,94% so với đầu năm.
Về chất lượng cho vay, thuyết minh BCTC cho thấy, chỉ sau 3 tháng đầu năm, tổng nợ xấu nội bảng của Nam A Bank đã tăng tới 30,6%, lên 3.904 tỷ đồng, trong đó, nợ xấu chủ yếu gia tăng ở nhóm nợ nghi ngờ (51,5%) và nợ có khả năng mất vốn (28,8%). Tỷ lệ nợ xấu/cho vay của ngân hàng theo đó đã tăng lên 2,66% từ mức 2,11% hồi đầu năm.
Tỷ lệ nợ xấu tăng khá mạnh trong khi ngân hàng lại giảm trích lập dự phòng khiến tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm mạnh từ mức 51,7% xuống còn 42,3%.
Năm 2024, Nam A Bank đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 4.000 tỷ đồng, tăng 21% so với 2023. Tổng tài sản đến cuối năm nay dự kiến ở mức 232 nghìn tỷ đồng, tăng 11%, trong đó, dư nợ cho vay cá nhân, tổ chức kinh tế ở mức 160 nghìn tỷ đồng, tăng 13%, đồng thời, đảm bảo tỷ lệ tăng trưởng tín dụng hàng năm theo quy định của NHNN. Huy động vốn cá nhân, tổ chức kinh tế và giấy tờ có giá ở mức 178 nghìn tỷ đồng, tăng 9% so với năm trước. Tỷ lệ nợ xấu dự kiến không vượt quá 3%.