Báo Le Monde mới đây có bài viết “Mỹ - nhà cung cấp khí hóa lỏng khổng lồ dễ vỡ”, trong đó nhận định Mỹ, quốc gia cung cấp khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) lớn nhất thế giới hiện nay, đang tận dụng triệt để cơn sốt LNG để thu về tối đa lợi ích.
Tuy nhiên, việc cơ sở hạ tầng đang gặp khó khăn để có thể theo kịp nhu cầu và giá khí đốt tăng cao đang làm dấy lên nhiều lo ngại. Nội dung bài viết như sau:
Tại Texas, nơi giao nhau của các tuyến đường ống dẫn của Mỹ, khí đốt thiên nhiên có giá khoảng 8,50 USD trên 1 triệu đơn vị nhiệt Anh (BTU, đơn vị đo năng lượng chứa trong khí đốt).
Mức giá này đã tăng gấp đôi trong vòng một năm, nhưng không có gì so sánh được với mức giá thực tế ở châu Âu - nơi đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ sự cắt giảm nguồn cung của Nga: Khí đốt trên thị trường Amsterdam có giá 64 USD mỗi BTU, tức là gần gấp 8 lần so với bên kia bờ Đại Tây Dương (và cũng gấp 8 lần so với những năm trước).
Về mặt logic, các nhà sản xuất LNG của Mỹ hiển nhiên đã nhìn thấy vận may mà họ có thể kiếm được: mua theo giá tại Mỹ và bán theo giá tại châu Âu. Vì vậy, kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột ở Ukraine ngày 24/2, các nhà công nghiệp Mỹ đã tỏ ra rất vui mừng khi được hỗ trợ châu Âu, nhất là vận chuyển LNG từ các cảng ở Texas và Louisiana.
Trong nửa đầu năm 2022, có tới 70% khối lượng xuất khẩu của Mỹ có điểm đến là châu Âu, so với mức chỉ 1/3 của năm 2021. Con số này chiếm gần 50% nhập khẩu của châu Âu (so với 15% của Qatar và 14% của Nga).
Sự thay đổi này diễn ra với sự khuyến khích của Nhà Trắng. Cuối tháng Ba, tại một cuộc họp với Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen, Tổng thống Joe Biden đã khẳng định Mỹ sẽ “đảm bảo để các gia đình ở châu Âu có thể vượt qua mùa Đông năm nay và cả mùa Đông năm sau”.
Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), xuất khẩu LNG của nước này quả thực có tăng trưởng, nhưng chỉ tăng 20%. Sự trợ giúp châu Âu trước hết là hiện tượng bình thông nhau, trong đó châu Á có sự điều chỉnh theo hướng giảm do nhu cầu thấp hơn (nhất là Trung Quốc, nơi đang tiêu thụ ít hơn do nền kinh tế đóng cửa bởi chính sách “Zero COVID”) và có giá thấp hơn.
Để xuất khẩu, cần phải có các đường ống dẫn khí, nhà máy nén khí và tàu chở LNG vượt Đại Tây Dương. Thị trường LNG Mỹ đang chịu sự thống trị của tập đoàn Cheniere có hạ tầng trung chuyển ở Vịnh Mexico. Giá trị thị trường của tập đoàn này đã tăng gấp đôi trong một năm, đạt 43 tỷ USD.
Các tập đoàn khác cũng đang nỗ lực gấp bội trong việc xây dựng hạ tầng, nhưng tất cả sẽ không thể hoạt động sau vài năm. Chẳng hạn, nằm trong số đó có tập đoàn Tellurian, với giá trị trên thị trường chứng khoán chỉ tăng 15%, bởi không ai biết trong vài năm tới thị trường khí đốt sẽ thay đổi như thế nào.
Trong ngắn hạn, xuất khẩu của Mỹ cũng không phải là không gặp khó khăn. Đặc biệt, vụ hỏa hoạn tại cảng LNG Freeport (Texas) hồi tháng Sáu khiến cảng này tê liệt đến tận tháng 11. Cũng không có đường ống nào để xuất khẩu một cách hiệu quả lượng khí đốt tự nhiên được sản xuất ở miền Đông nước Mỹ, gồm Pennsylvania hay Tây Virginia. Trong khi đó, một dự án đường ống phục vụ Vịnh Chesapeake (New Jersey) đang rơi vào trạng thái bỏ lửng.
Nói chung, ngành công nghiệp dầu mỏ Mỹ - với lợi nhuận tệ hại trong một thập kỷ qua và những lo ngại về các quy định chống lại sự nóng lên toàn cầu – không muốn đầu tư ồ ạt cho các dự án mới. Đó chính là khẳng định của Shawn Wenko, Giám đốc phát triển kinh tế của Williston, thủ phủ của vựa dầu lửa North Dakota.
Theo chuyên gia này, các khoản đầu tư chỉ đóng góp 1/3 những gì cần thiết để “chạy hết tốc lực”. Không ai dám đầu tư cho các dự án đường ống hoặc các nhà máy chế biến nếu đứng trước nguy cơ phải đóng cửa vào ngày mai.
Ngày 14/9, Wil VanLoh, ông chủ công ty Quantum Energy Partners có trụ sở tại Houston (Texas), một trong những nhà đầu tư lớn nhất trong lĩnh vực này, từng phát biểu với tờ Financial Times: “Đừng tin rằng Mỹ có thể bơm nhiều hơn nữa. Sản xuất của chúng tôi là những gì đang có. Sẽ không có sự cứu trợ nào, cho dù là khí đốt hay dầu mỏ cũng vậy”.
Trong khi các nhà công nghiệp Mỹ tỏ ra tích cực hỗ trợ các nước châu Âu thì tại nước này đang xuất hiện một sự bất bình khi mà giá khí đốt trở nên đắt hơn năm 2008, thời điểm “cất cánh” của khí đá phiến.
Mùa Hè này, lượng khí đốt trong hệ thống kho dự trữ tại Mỹ thấp hơn 11% so với bình thường và đây là điều thực sự đáng lo ngại khi mùa Đông đến gần.
Nguyên nhân là do thời tiết nóng bất thường của mùa Hè khiến tiêu thụ điện tăng mạnh, trong khi than đá không thể phát huy vai trò do giá tăng cao và nhiều nhà máy điện than đóng cửa.
Tiêu thụ khí đốt tại Mỹ dự kiến sẽ tăng 3% trong năm 2022, khiến các chính trị gia không khỏi lo lắng. Điều này được thể hiện ở một lá thư mà hồi tháng 7 các thống đốc của 6 tiểu bang vùng New England đã gửi cho Bộ trưởng Năng lượng Jennifer Granholm. Nội dung lá thư đã được Financial Times tiết lộ: “Chúng tôi đánh giá cao những nỗ lực của Chính quyền Tổng thống Biden trong việc tăng cường xuất khẩu dầu sang châu Âu. Tuy nhiên, một nỗ lực tương tự cũng nên được thực hiện đối với vùng New England”.
Các lãnh đạo vùng này kêu gọi chính quyền liên bang đảm bảo nguồn cung cấp LNG cho các bang của họ.
Các tiểu bang này, gồm Maine, Vermont, New Hampshire, Massachusetts, Connecticut và Rhode Island, thường được cung cấp khí đốt cho mùa Đông thông qua cảng Boston. Nhưng nhu cầu tăng cao của châu Âu trong mùa Đông này có thể làm chuyển hướng các dòng chảy.
Lo ngại của các thống đốc bang vùng New England là điều dễ hiểu khi mà Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã cảnh báo về một đợt tăng giá mới đối với các sản phẩm năng lượng vào cuối năm 2022 do xung đột Ukraine và các biến động địa chính trị.
Khi cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ đang đến gần, năng lượng ngày càng trở thành chủ đề đặc biệt tế nhị, ngay cả khi giá 1 gallon xăng (3,8 lít) đã giảm từ 5 USD hồi giữa tháng Sáu xuống 3,7 USD vào giữa tháng 9.