Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam Eximbank (mã: EIB) vừa công bố tài liệu gửi tới cổ đông trước thềm Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) diễn ra vào ngày 26/4 tới đây.
Ban lãnh đạo Eximbank nhận định, năm 2024 được dự báo sẽ còn nhiều khó khăn do tình hình kinh tế thế giới và khu vực còn diễn biến phức tạp. Dù vậy, tại Việt Nam, NHNN điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, đồng bộ với các chính sách vĩ mô nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2024 đạt khoảng 15%.
Chính vì vậy, Eximbank đặt mục tiêu kinh doanh chính năm 2024 với tham vọng lợi nhuận trước thuế đạt 5.180 tỷ đồng, tăng trưởng 90,4% so với năm 2023 (2.720 tỷ đồng).
Dư nợ cấp tín dụng (bao gồm trái phiếu doanh nghiệp) đạt 161.000 tỷ đồng, tăng trưởng 14,6%; phấn đấu kiểm soát tỷ lệ nợ xấu nội bảng (nhóm 3-5) ở mức 1,8%.
Ngoài ra, Eximbank đặt mục tiêu gia tăng tổng tài sản 11% trong năm, lên mức 223.500 tỷ đồng, huy động vốn cuối kỳ tăng 10,5% lên 175.000 tỷ đồng.
Về phương án phân phối lợi nhuận, với kết quả đạt được năm 2023, Eximbank cho biết, sau khi trích lập các quỹ, tổng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đến cuối năm còn 1.800 tỷ đồng, ngân hàng sẽ dùng 1.740 tỷ đồng chia cổ tức cho cổ đông, tổng tỷ lệ 10%. Trong đó, ngân hàng dự kiến chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 7% (1.218 tỷ đồng) và trả cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 3% (522 tỷ đồng). Dự kiến sau phát hành cổ phiếu để trả cổ tức, vốn điều lệ Eximbank tăng lên 18.688 tỷ đồng.
Trước đó, Eximbank công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023 với lợi nhuận giảm sút 16,5% so với năm 2022, còn 2.165 tỷ đồng. Nguyên nhân chính do mảng kinh doanh cốt lõi biến động thất thường. Thu nhập lãi thuần cả năm 2023 của Eximbank đạt 4.597 tỷ đồng, giảm 18% tương ứng giảm 1.000 tỷ đồng so với cùng kỳ.
Chất lượng nợ vay cũng giảm sút khi tỷ lệ nợ xấu tăng từ 1,79% hồi đầu năm lên 2,65% tính đến cuối năm 2023, trong đó nợ có khả năng mất vốn hơn 1.800 tỷ đồng và nợ nghi ngờ gấp 3 lần cùng kỳ, lên hơn 1.400 tỷ đồng.