Một loạt doanh nghiệp phải hủy hoặc dừng kế hoạch phát hành cổ phiếu

Một loạt doanh nghiệp vừa phải hoãn kế hoạch tăng vốn, thậm chí hủy kế hoạch phát hành cổ phiếu.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sau khi tạo đáy vào phiên 15/11, phần lớn các cổ phiếu đã có sự hồi phục khá tốt giúp VN-Index lấy lại mốc 1.050 điểm. Nếu tính từ thời điểm nhúng về vùng 880 điểm, VN-Index đã hồi phục gần 20%. Thanh khoản của thị trường cũng được cải thiện đáng kể, những phiên giao dịch tỷ đô đã xuất hiện trở lại.

Theo đó, nhiều cổ phiếu cũng đã có sự phục hồi khá tốt, thậm chí có cổ phiếu tăng gấp đôi, gấp 3 từ đáy, song so với đỉnh vẫn giảm 60-70%.

Trong bối cảnh thị giá cổ phiếu vẫn giảm sâu sau hơn nửa năm chịu tác động của nhiều thông tin không mấy tích cực, không ít doanh nghiệp đã phải điều chỉnh hoặc hoãn kế hoạch tăng vốn, thậm chí hủy kế hoạch phát hành cổ phiếu.

Gần đây nhất, Hội đồng Quản trị (HĐQT) CTCP Điện Gia Lai (mã GEG) vừa thông qua việc tạm dừng chào bán hơn 30,37 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 14.000 đồng/cổ phiếu.

Theo Điện Gia Lai, chốt phiên 7/12, cổ phiếu GEG tạm dừng ở 13.000 đồng/cổ phiếu, thấp hơn giá chào bán cho cổ đông (cũng thấp hơn 50% so với đỉnh dù đã phục hồi gần 36% từ đáy). Do đó, để đảm bảo lợi ích của cổ đông trong bối cảnh thị trường chứng khoán chưa thuận lợi, HĐQT Điện Gia Lai quyết định tạm dừng phương án phát hành quyền mua cho cổ đông hiện hữu.

Công ty cho biết sẽ thực hiện xin ý kiến cổ đông về phương án phát hành mới tại kỳ họp đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2022 sắp tới. Sau khi phương án phát hành quyền mua cổ phần cho cổ đông hiện hữu được gia hạn, công ty sẽ thực hiện việc phát hành ESOP.

Thị giá giảm sâu, một loạt doanh nghiệp phải hủy hoặc dừng kế hoạch phát hành cổ phiếu
Diễn biến cổ phiếu GEG từ đầu năm đến nay

Theo kế hoạch ban đầu, Điện Gia Lai dự kiến phân phối 30,37 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tỷ lệ phát hành là 1.000:94 với giá 14.000 đồng/cổ phiếu. Nếu hoàn tất, vốn điều lệ của công ty sẽ tăng từ 3.219 tỷ đồng lên 3.523 tỷ đồng.

Công ty dự kiến dùng số tiền tối đa thu được từ đợt huy động vốn là 425 tỷ đồng sẽ dùng để góp vốn vào CTCP Năng lượng Điện Gió Tiền Giang nhằm triển khai đầu tư dự án Nhà máy điện Tân Phú Đông 1. Thời gian góp vốn dự kiến trong quý 4/2022.

Mới đây, một cổ đông lớn của GEG là International Finance Corporation (IFC) thông báo đã hoàn tất chuyển nhượng toàn bộ 44,2 triệu cổ phiếu GEG, tương ứng 13,74% vốn của CTCP Điện Gia Lai trong phiên 7/12. Sau giao dịch, IFC không còn là cổ đông của GEG. Giao dịch được thực hiện theo phương thức thỏa thuận ngoài sàn (qua Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam).

Bên nhận chuyển nhượng là AVH Pte. Ltd (Singapore), cũng là một cổ đông lớn khác của GEG. Cùng ngày 7/12, AVH còn nhận chuyển nhượng hơn 1,9 triệu cổ phiếu từ bà Trần Tiểu Phụng. Sau giao dịch, tỷ lệ sở hữu của AVH tại Điện Gia Lai tăng lên 35,1%, tương ứng gần 113 triệu cổ phiếu. Ước tính tại thị giá hiện tại, lô cổ phiếu IFC “sang tay” cho AVH có giá trị thị trường hơn 570 tỷ đồng.

Cũng như Điện Gia Lai, HĐQT CTCP Tập đoàn Nhựa Đông Á (mã DAG) vừa quyết định thông qua việc tạm dừng hồ sơ đăng ký chào bán cổ phiếu ra công chúng để điều chỉnh phương án sử dụng vốn chi tiết đảm bảo phù hợp với nhu cầu thực tiễn của công ty. Nhựa Đông Á cho biết, sau khi có phương án sử dụng mới, công ty sẽ nộp lại hồ sơ cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) theo quy định.

Trong hồ sơ đăng ký chào bán cổ phiếu ra công chúng tăng vốn điều lệ đã nộp lên UBCKNN vào giữa tháng 7/2022, Nhựa Đông Á dự kiến phát hành gần 29,8 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tương ứng 50% số cổ phiếu đang lưu hành. Giá chào bán là 10.000 đồng/cổ phiếu, thấp hơn giá trị sổ sách của cổ phiếu DAG theo báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán năm 2021 là 11.927 đồng/cổ phiếu, tuy nhiên vẫn cao gần gấp đôi thị giá của cổ phiếu DAG tại thời điểm 15/7/2022 là 5.690 đồng/cổ phiếu.

Trên thị trường, cổ phiếu DAG đang giao dịch quanh mức 4.000 đồng/cổ phiếu giảm gần 78% so với mức đỉnh hồi cuối tháng 11 năm ngoái.

Tương tự, trong tài liệu họp ĐHĐCĐ bất thường năm 2022 lần 2 công bố mới đây, Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (mã KBC) dự kiến trình xin ý kiến cổ đông thông qua việc hủy phương án chào bán 150 triệu cổ phiếu riêng lẻ năm 2022 theo nghị quyết ĐHĐCĐ ngày 10/2/2022.

Kinh Bắc cho biết diễn biến của thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2022 bị sụt giảm mạnh, hầu hết các cổ phiếu bị giảm giá nghiêm trọng trong đó có KBC, không thuận lợi cho việc phát hành riêng cổ phiếu riêng lẻ để tăng vốn điều lệ. Do đó, HĐQT chưa triển khai phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ trong năm 2022 như nghị quyết ĐHĐCĐ đã phê duyệt.

Trên thị trường, cổ phiếu KBC đang giao dịch cận mức 24.000 đồng/cổ phiếu, tăng 69% trong vòng 1 tháng qua nhưng vẫn cách đỉnh hồi đầu năm gần 50%.

Thị giá giảm sâu, một loạt doanh nghiệp phải hủy hoặc dừng kế hoạch phát hành cổ phiếu
Thị giá cổ phiếu KBC đã tăng 69% trong vòng 1 tháng qua nhưng vẫn cách đỉnh hồi đầu năm gần 50%

Không những hủy phương án chào bán cổ phiếu riêng lẻ, tại ĐHĐCĐ bất thường tới, HĐQT Kinh Bắc còn dự kiến trình cổ đông thông qua phương án mua lại cổ phiếu để giảm vốn điều lệ, với tổng lượng cổ phiếu đăng ký mua là 100 triệu đơn vị tương ứng 13% số lượng cổ phiếu đang lưu hành.

Phương thức giao dịch là khớp lệnh và/hoặc thỏa thuận theo giá thị trường tại thời điểm giao dịch nhưng không cao hơn 34.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng với số tiền chi tối đa là 3.400 tỷ đồng.

Nguồn vốn thực hiện mua lại từ thặng dư vốn cổ phần, quỹ đầu tư phát triển, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, quỹ khác thuộc vốn chủ sở hữu tại thời điểm thực hiện. CTCP Chứng khoán Navibank sẽ là đại lý thực hiện giao dịch mua cổ phiếu.

Trong khi GEG, DAG, KBC quyết định tạm dừng hoặc hủy phương án phát hành thêm cổ phiếu do diễn biến thị trường không thuận lợi thì CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng (mã DIG) lại dự kiến sẽ chào bán 100 triệu cổ phiếu phổ thông cho toàn bộ cổ đông hiện hữu với tỷ lệ phát hành 1.000:163,97 (cứ 1.000 quyền thì được mua 163,97 cổ phiếu mới) với giá chào bán 15.000 đồng/cổ phiếu vào quý 1/2023, sau khi UBCKNN cấp giấy chứng nhận đăng ký chào bán.

Theo thông tin từ DIG, toàn bộ số vốn thu được từ đợt chào bán là 1.500 tỷ đồng sẽ được đầu tư vào dự án Khu đô thị du lịch Long Tân. Trong đó, 780 tỷ chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng; 200 tỷ tiền sử dụng đất; 50 tỷ cho chi phí tư vấn; 250 tỷ chi phí xây lắp và 220 tỷ tiền lãi trái phiếu.

Động thái phát hành chào bán cổ phiếu của DIG diễn ra sau khi cổ phiếu này đã hồi phục gần 80% từ mức đáy hôm 15/11 lên quanh 18.000 đồng/cổ phiếu, nhưng vẫn giảm hơn 81% so với mức đỉnh đầu tháng 1/2022.

Theo Nhịp sống Doanh nghiệp

Đọc tiếp

Nhịp cầu doanh nghiệp

Cần gì để tránh vết xe đổ khi đấu giá lại loạt "đất vàng" Thủ Thiêm?

Cần gì để tránh vết xe đổ khi đấu giá lại loạt "đất vàng" Thủ Thiêm?

Theo kế hoạch đấu giá năm 2024, Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) dự định đấu giá 4 lô đất trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm và 3.790 căn hộ chung cư trước đây được xây dựng tái định cư. Hiện Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM đã và đang hoàn thiện các khâu trong quy trình đấu giá như: phương án đấu giá, việc tổ chức lại việc bán đấu giá, xác định giá khởi điểm.

Những tin vui của thị trường địa ốc đầu năm

Những tin vui của thị trường địa ốc đầu năm

Năm 2024, cả nước dành 657.000 tỷ đồng cho đầu tư công, chủ yếu là đầu tư hạ tầng giao thông và phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân ít nhất 95%. Đầu tư công được xem là động lực thúc đẩy phục hồi nền kinh tế, trong đó có thị trường bất động sản.

Chat với BizLIVE