Một dữ liệu mới về nhà đầu tư nước ngoài rót vốn vào chứng khoán Việt

Trong hơn 50 tỷ USD khối ngoại sở hữu trên TTCK Việt thì có đến hơn một nửa của các nhà đầu tư rất dài hạn, đầu tư chiến lược vào các doanh nghiệp, ngân hàng trên thị trường.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Có thể thấy, nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) là trợ lực cho thị trường chứng khoán Việt Nam thời gian qua. Họ đã mua ròng hơn 16.000 tỷ đồng trong 1 tháng trở lại đây.

Ông Trần Thăng Long, Giám đốc Phân tích CTCK BIDV (BSC) đánh giá, tốc độ mua ròng của NĐTNN trên TTCK Việt Nam thời gian qua là chưa từng thấy.

Ông Long chia sẻ, vừa qua, ông đã đi gặp gỡ NĐTNN, họ trở lại tìm hiểu TTCK Việt sau một thời gian dài ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Nhìn chung, đánh giá của khối này đối với Việt Nam là khả quan.

“Có thể chúng ta sẽ có một số lo lắng về thị trường trong nước liên quan đến trái phiếu, tín dụng, thanh khoản trên thị trường. Nhưng khi trao đổi với NĐTNN, góc nhìn của họ tương đối dài hạn, họ thường nhìn về vĩ mô, liên quan đến tiềm năng, triển vọng của nền kinh tế trong 5-10 năm để đưa ra quyết định đầu tư. Họ nhận ra đây là cơ hội để tăng tỷ trọng đầu tư vào Việt Nam, giá không chỉ rẻ trong 2-3 năm mà là 5-6 năm trở lại đây”, GĐ Phân tích BSC cho biết.

Ông Long cho biết, BSC đã thực hiện một nghiên cứu thống kê giao dịch NĐTNN trên thị trường Việt. Chúng ta thường chỉ nói đến NĐTNN chung chung, nhưng thực ra có rất nhiều nhà đầu tư khác nhau và họ có mục đích khác nhau.

Cụ thể, trong hơn 50 tỷ USD khối ngoại sở hữu trên TTCK Việt thì có đến hơn một nửa của các nhà đầu tư rất dài hạn, đến từ các nhà đầu tư chiến lược vào các doanh nghiệp, ngân hàng trên thị trường. Thông thường, những nhà đầu tư này không bao giờ bán ra cổ phiếu và nắm giữ trong thời gian khá dài, thậm chí, họ có thể mua thêm cổ phiếu từ các đợt tăng vốn phát hành hay bán từ các đối tác khác.

Nhóm thứ hai là những nhà đầu tư đến từ quốc gia châu Âu, họ cũng là những quỹ đầu tư tập trung ở Việt Nam, phần lớn tài sản lên đến 70 – 80, thậm chí 90% tập trung ở Việt Nam. Nhóm này được đánh giá luôn gắn bó với sự phát triển của TTCK Việt Nam, họ huy động được bao nhiêu từ nhà đầu tư bên ngoài thì sẽ lập tức đầu tư vào Việt Nam.

Thêm một nhóm mà chúng ta hay nhắc tới là quỹ đầu tư chỉ số, nhóm này chiếm hơn 10% số lượng cổ phiếu NĐTNN nắm giữ trên TTCK Việt Nam. Nhóm này sẽ hoạt động linh hoạt, tức là khi nhà đầu tư thu được nhiều chứng chỉ quỹ từ bên ngoài họ sẽ mua vào Việt Nam và ngược lại.

Có một nhóm còn lại mà gần đây mọi người hay nhắc đến nhiều là việc đầu tư thông qua đến chứng chỉ P-notes, đây có thể nói là dòng tiền khá “nóng”. Khi theo dõi một số thị trường khác thì họ mua nhanh rồi bán nhanh. Nhóm này khi mua bán trên thị trường sẽ “trade” nhiều hơn, còn các nhóm còn lại khá ổn định.

Đã qua khủng hoảng mang tên bán giải chấp?

Ông Long cho rằng, khi đầu tư NĐTNN quan tâm nhiều hơn đến tăng trưởng, tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam vẫn còn rất tốt, chúng ta có nhiều yếu tố quan trọng so với các thị trường khác này, do vậy, họ đánh giá rất cao tiềm năng tăng trưởng.

Còn về định giá, khi thị trường rơi về 870 điểm là một định giá rất thấp. Theo thống kê, mức đó thấp hơn 2 lần độ lệch chuẩn so với trung bình 5 năm định giá TTCK Việt, và việc này rất ít xảy ra trong quá khứ, những lần như vậy thì đều là cơ hội rất tốt cho dài hạn.

Đồng quan điểm, ông Quan Đức Hoàng, Chủ tịch Quỹ A+ cho rằng, NĐTNN, nói chung là nhà đầu tư chuyên nghiệp luôn nhìn nhận thị trường theo 2 khía cạnh. Thứ nhất là giá trị, triển vọng về nền kinh tế. Thứ hai, sự tăng trưởng kinh tế Việt Nam, Việt Nam vẫn có đà tăng trưởng hơn 7%, thậm chí là 8% trong các năm tiếp theo.

“Họ sẽ thấy đây là cơ hội rất hiếm có, tôi cho rằng đây là cơ hội “khủng” cho nhà đầu tư lâu dài. Với 871 điểm, thị trường rộng như vậy, ở giai đoạn này là hơn 20.000 tỷ đồng/phiên trở lên và bây giờ chỉ còn 14.000 – 15.000 tỷ đồng. Đây là cơ hội của nhiều thập kỷ chứ không phải nhiều năm. Tôi nghĩ nhà đầu tư Việt nếu ai vẫn còn tiền ở bên ngoài thì cứ mua dần những doanh nghiệp mà mình thích, những thông tin mình quan tâm”, ông Hoàng nhận định.

Trái nghịch với hiện tượng sôi động của NĐTNN, nhà đầu tư cá nhân trong nước bán ròng 19.000 tỷ đồng trong tháng 11, trong đó có áp lực bán “force sell” tài khoản lớn là lãnh đạo doanh nghiệp.

Bình luận về vấn đề này, ông Long cảm thấy tiếc. Con số bán ròng 19.000 tỷ đồng phần nào đó đến từ áp lực vay margin để trading quá nhiều, đến giai đoạn thị trường giảm sâu, giảm nhanh, sức ép của call margin đến rất nhanh. Đó không chỉ là nhà đầu tư mà còn có thể là chủ doanh nghiệp, những doanh nghiệp khá lớn trên sàn.

Ông Long nhắc lại, thị trường đã từng xảy ra nhiều đợt bán giải chấp, do đã lâu không có một đợt “call margin” lớn như vậy nên chúng ta quên mất quá khứ.

“Cứ như vậy đến mức độ đến một đoạn rẻ quá, người ta nhận ra, với giá này nếu xây doanh nghiệp thì không thể xây được vì giá này quá rẻ, rẻ hơn mình tự làm với doanh nghiệp rất nhiều. Không lý do gì để đứng ngoài mà phải bắt tay vào mua doanh nghiệp. Giai đoạn vừa rồi tôi nghĩ là như vậy, khi thị trường bình tĩnh trở lại thì sức ép call margin lại biến mất, mặc dù trước đây rất mạnh mẽ. Tôi nghĩ giai đoạn call margin mạnh mẽ các chủ doang nghiệp đã qua rồi”, chuyên gia BSC đánh giá.

Theo vị này, ngoài yếu tố thị trường, điểm quan trọng các chủ doanh nghiệp hay những cổ đông qua một thời gian là bắt đầu tái cơ cấu danh mục của mình, chuẩn bị lại nguồn lực. Đây là sức ép để xảy ra hiện tượng như trong suốt thời gian vừa rồi khi thị trường giảm mạnh.

Cùng chung nhận định, ông Hoàng cho rằng gần đây, các công ty như Hải Phát Land được mua lại với khối lượng rất lớn, thúc đẩy khả năng call margin đã qua, khủng hoảng đã qua.

Chủ tịch A+ lưu ý, thanh khoản có liên quan đến tâm lý, khi thị trường đã quay lại 1.000 điểm, tâm lý của nhà đầu tư nhất là F0 và các nhà đầu tư khác nhìn vào nguồn đầu tư của quỹ nước ngoài sẽ an tâm hơn phần nào.

“Người ta cứ nói tiền của quỹ là tiền thông minh, tôi xin các bạn hãy nhớ một điều, các quỹ lớn thì điều hành sau lưng họ vẫn là con người, đừng bao giờ ỷ vào tiền lớn đó là tiền thông minh, có khi họ còn biết ít hơn mình nữa. Dĩ nhiên, con số 19.000 tỷ đồng là rất hay, rất quan tâm, nhưng tôi cũng nói đừng nghe những gì tôi nói, hãy đầu tư cái gì mình biết. Đừng nghe chuyên gia, vì có những chuyên gia nói về mục đích cá nhân của họ nữa”, ông Hoàng chia sẻ.

Theo Nhịp sống Doanh nghiệp

Đọc tiếp

HDBank đạt 4.028 tỷ lợi nhuận quý 1, tăng 46.8%, chia cổ tức 2023 tỷ lệ 30% gồm tiền và cổ phiếu

HDBank đạt 4.028 tỷ lợi nhuận quý 1, tăng 46.8%, chia cổ tức 2023 tỷ lệ 30% gồm tiền và cổ phiếu

Ngân hàng TMCP Phát triển TP. Hồ Chí Minh (HDBank - mã chứng khoán: HDB) công bố báo cáo tài chính quý I/2024, với lợi nhuận trước thuế đạt 4.028 tỷ đồng, tăng 46,8% so với cùng kỳ. Tỷ lệ ROE đạt tới 26,7% cao trong nhóm dẫn đầu toàn ngành. Ngân hàng trả cổ tức năm 2023 lên tới 30% gồm tiền và cổ phiếu.

Ông Trịnh Hoài Giang, Tổng Giám đốc CTCP Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HSC).

Tổng Giám đốc HSC: Thị phần môi giới cá nhân có thể tăng gấp đôi, trái phiếu doanh nghiệp là mảng kinh doanh mới

Ông Trịnh Hoài Giang, Tổng Giám đốc CTCP Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HSC) đánh giá triển vọng mảng môi giới cá nhân đã khởi sắc trở lại bất chấp sức ép cạnh tranh lớn từ các đối thủ. Ngoài ra, tiết lộ sự chuẩn bị tham gia của công ty vào tự doanh trái phiếu doanh nghiệp.

Nhịp cầu doanh nghiệp

Chat với BizLIVE