Một doanh nghiệp dịch vụ, kinh doanh bất động sản mua gần 10% cổ phần tại Cảng Sài Gòn

Công ty Phát triển dịch vụ Thương mại Toàn Thắng vừa trở thành cổ đông lớn thứ hai tại Cảng Sài Gòn sau khi chi gần 330 tỷ đồng mua lại 21,27 triệu cổ phiếu SGP từ Công ty CP Thương mại Dịch vụ Hòa Hải.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Công ty CP Cảng Sài Gòn (mã SGP) mới công bố kết quả giao dịch cổ phiếu SGP của cổ đông lớn.

Theo đó, vào ngày 1/8, Công ty CP Thương mại Dịch vụ Hòa Hải (tên cũ là Công ty cổ phần Bất động sản nghỉ dưỡng Quảng Nam) đã bán ra toàn bộ 21,27 triệu cổ phiếu SGP nắm giữ, tương đương 9,83% vốn điều lệ của Cảng Sài Gòn.

Bên mua là Công ty Phát triển dịch vụ Thương mại Toàn Thắng. Sau giao dịch, Công ty Toàn Thắng đề cử bà Đỗ Thị Minh - người trước đó là đại diện của Công ty Hòa Hải trong hội đồng quản trị của Cảng Sài Gòn - tiếp tục tham gia hội đồng quản trị của Cảng Sài Gòn. Cá nhân bà Đỗ Thị Minh không sở hữu cổ phần tại Cảng Sài Gòn.

Ghi nhận trong phiên ngày 1/8, cổ phiếu SGP có khối lượng giao dịch theo phương thức thỏa thuận hơn 21,27 triệu đơn vị với tổng giá trị giao dịch hơn 328 tỷ đồng, tương ứng hơn 15.300 đồng/cổ phiếu, thấp hơn gần 11,6% so với thị giá chốt phiên 1/8 là 17.300 đồng/cổ phiếu.

Quay trở lại thời điểm tháng 12/2017, Công ty Hòa Hải đã nhận chuyển nhượng 21,27 triệu cổ phiếu SGP từ Công ty TNHH MOTOR N.A Việt Nam với tổng giá trị giao dịch là 170 tỷ đồng. Như vậy, Công ty Hòa Hải đã "chốt lời" 158 tỷ đồng từ việc bán toàn bộ cổ phần tại Cảng Sài Gòn.

Trong khi đó, với việc mua cổ phần tương ứng 9,83% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết tại Cảng Sài Gòn, Công ty Toàn Thắng đã trở thành cổ đông lớn thứ hai của Cảng Sài Gòn - sau Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) với 65,45% vốn.

Ngoài hai doanh nghiệp trên, danh sách cổ đông lớn của Cảng Sài Gòn còn có hai tổ chức khác là VietinBank với 9,07% cổ phần và VPBank với 7,44% cổ phần.

Công ty TNHH Phát triển Dịch vụ Thương mại Toàn Thắng có địa chỉ trụ sở chính ở số 3, phố Đặng Thái Thân, Hoàn Kiếm, Hà Nội được thành lập năm 2018. Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật là bà Dương Thị Dung.

Ngành nghề kinh doanh chính của công ty là tổ chức giới thiệu và xúc tiến thương mại, kinh doanh bất động sản, môi giới bất động sản, xây dựng nhà để ở, xây dựng công trình đường bộ, kinh doanh dịch vụ thể thao, giải trí và massage...

Còn Cảng Sài Gòn được thành lập trên cơ sở cổ phần hóa Công ty TNHH MTV Cảng Sài Gòn theo quyết định ngày 1/6/2015 của HĐTV Tổng Công ty Hàng Hải Việt Nam - Công ty TNHH MTV (Vinalines).

Ngày 30/6/2015, Cảng Sài Gòn tổ chức thành công phiên đấu giá lần đầu ra công chúng (IPO), qua đó tỷ lệ sở hữu của Vinalines giảm từ 100% xuống 65,45% vốn điều lệ. Sau IPO, Cảng Sài Gòn có thêm 3 cổ đông lớn mới là Vietinbank (9,07% cổ phần), VPBank (7,44% cổ phần) và Công ty TNHH MOTOR N.A Việt Nam (13,07%). Tuy nhiên, đến nay MOTOR N.A Việt Nam đã thoái hết toàn bộ vốn tại Cảng Sài Gòn.

Ngành nghề kinh doanh chính của Cảng Sài Gòn là khai thác cảng biển, chủ yếu phục vụ khu vực TP.Hồ Chí Minh và các vùng lân cận, đồng bằng sông Cửu Long với tổng sản lượng hàng hóa hàng năm hơn 10 triệu tấn.

Trong quý II/2023, Cảng Sài Gòn ghi nhận doanh thu 232 tỷ đồng, lãi sau thuế 109 tỷ đồng, lần lượt giảm 28,6% và 5,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo lý giải của doanh nghiệp, lợi nhuận sau thuế quý II/2023 giảm chủ yếu do lợi nhuận gộp giảm trong bối cảnh doanh thu cung cấp dịch vụ khai thác cảng giảm. Trong khi, doanh thu tài chính cũng giảm do lãi tiền gửi giảm, giảm cổ tức nhận được và tiền lãi chậm trả tiền thuê đất của CMIT (Cảng Quốc tế Cái Mép) lại tăng so với cùng kỳ 2022...

Thời gian gần đây các thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) trong ngành cảng biển diễn ra khá sôi động.

Gần đây nhất, vào ngày 31/5, Công ty CP Gemadept công bố đã hoàn tất thoái toàn bộ 84,7% vốn góp tại Công ty TNHH Cảng Nam Hải Đình Vũ (trước đó là CTCP Cảng Nam Hải Đình Vũ) theo như hợp đồng chuyển nhượng được các bên ký kết ngày 19/4.

Bên nhận chuyển nhượng là CTCP Container Việt Nam (Viconship) cùng 3 cá nhân và pháp nhân khác gồm Công ty TNHH Thương mại và Đầu tư Đoàn Huy góp 146,7 tỷ đồng (chiếm 36,7%); Công ty Thương mại Kim khí Xuất Nhập khẩu Huy Hoàng góp 113,3 tỷ đồng (chiếm 28,3%) và ông Nguyễn Đình Hưởng góp 900.000 đồng.

Sau thương vụ này, Viconship trở thành doanh nghiệp cảng lớn nhất tại khu vực Hải Phòng với tổng công suất 2,6 triệu TEU/năm, tăng 36% so với năm ngoái và chiếm 24% thị phần.

Cũng trong tháng 5, PSA Cargo Solutions Vietnam Investment (pháp nhân đến từ Singapore) đã mua vào gần 24,5 triệu cổ phần của CTCP Kho vận Miền Nam (Sotrans, mã STG) tương đương 24,9% vốn điều lệ trong phiên 19/5 và trở thành cổ đông lớn. Giá bình quân ước tính là 52.520 đồng/cổ phiếu, tương đương tổng số tiền khoảng 1.300 tỷ đồng.

Chiều ngược lại, từ 19/5 đến 16/6, Công ty CP Giao nhận và Vận chuyển Indo Trần - công ty mẹ của Sotrans đã bán hơn 24,46 triệu trong tổng số đăng ký 29,48 triệu cổ phiếu STG nhằm giảm sở hữu từ 98,31% về còn 74,03% vốn điều lệ.

Đến cuối tháng 6, PSA Cargo Solutions Vietnam Investment đã đăng ký chào mua hơn 5 triệu cổ phiếu STG, nhằm tăng tỷ lệ sở hữu tại Sotrans từ 24,9% lên 30% vốn. Ngay sau đó, Sotrans đã đồng ý với đề nghị chào mua công khai của PSA Cargo Solutions Vietnam Investment. Ước tính số tiền mà PSA cần bỏ ra để hoàn tất giao dịch là khoảng hơn 200 tỷ đồng, nâng tổng tiền chi ra để sở hữu 30% cổ phần tại Sotrans lên hơn 1.500 tỷ đồng.

Theo Lao động Công đoàn

Đọc tiếp

Nhịp cầu doanh nghiệp

Chat với BizLIVE