Có lẽ, lại thêm một cái Tết buồn với môi giới bất động sản. Còn nhớ, vào cuối năm 2021, sau khi trải qua đợt dịch COVID-19 kéo dài, nhiều môi giới như được sống lại vào cuối năm. Thế nhưng, các giao dịch bất động sản cũng chỉ diễn ra theo kiểu “lẻ tẻ, cầm chừng”, khiến khá nhiều môi giới nghỉ nghề, bỏ nghề. Tết năm đó, nhiều môi giới rơi vào tình trạng “bánh chưng không có thịt”, tiếp tục chờ đợi thị trường tốt lên vào năm 2022.
Tuy vậy, thị trường có dấu hiệu ấm dần vào đầu năm 2022 rồi lại tiếp tục nhận cú sốc trầm lắng sau đó không lâu. Nhiều môi giới bất động sản chưa kịp “lấy lại những gì đã mất” của năm 2021 lại chấp nhận câu chuyện “ngủ đông chờ thời”. Hiện tại, Tết cận kề, nhiều môi giới phải thốt lên: “Khó quá! Căng quá!”.
Cả ngày ngồi bấm điện thoại, rao bán bất động sản (bao gồm cả bất động sản hàng ngợp, lỗ sâu) nhưng anh V, là môi giới bất động sản tại khu Đông TP.HCM không nhận được bất cứ hồi âm nào từ khách mua. Tình trạng này diễn ra liên tục hơn 2 tháng nay, khiến anh V khá nản lòng. Nam môi giới này cho biết, thu nhập bấp bênh, thậm chí hơn 2 tháng nay không có thu nhập từ việc môi giới bất động sản khiến cuộc sống khá khó khăn. “Tết sắp đến nơi, nhưng bán hàng không được khiến nhiều khi cũng khá nản lòng quá”, anh V bày tỏ.
Cũng ôm một lúc nhiều lô đất nền “hàng ngộp” giảm giá nhưng chị Bình, một môi giới bất động sản tự do tại TP.HCM vẫn rất khó khăn để tìm khách mua thời điểm này. Chị Bình cho biết, có những lô giá rẻ bất ngờ, vị trí đẹp có nhà đầu tư sẵn dòng tiền vào mua ngay. Nhưng cũng có những lo giá tốt nhưng nhà đầu tư quan sát theo dõi thêm, không xuống tiền.
“Có thể thời điểm này, nhà đầu tư có nhiều lựa chọn nên như thế. Tâm lý của nhà đầu tư có tài chính tốt là vẫn nghe ngóng thêm, chờ giảm giá sâu hơn ở những bất động sản đã ngắm nghía trước đó. Vì thế, nhìn chung thanh khoản vẫn khá yếu thời điểm cuối năm”, chị Bình cho hay.
Ghi nhận cho thấy, tại những “điểm nóng” bất động sản trước đây, tình cảnh môi giới “ngồi chơi xơi nước” ngày càng nhiều. Hiện tại, thị trường giao dịch im ắng khiến nhiều môi giới rơi vào khó khăn. Tại các khu vực có bất động sản chào bán, môi giới kê nghế ngồi cả ngày “ngóng” khách mua, nhưng khá đìu hiu. Dự báo những tháng còn lại của năm 2022, tình hình sẽ không khả quan hơn.
Những ngày cuối năm cận kề, suy ngẫm về nghề môi giới, ông Phạm Lâm, Phó Chủ tịch hội môi giới bất động sản chia sẻ: “Trong bối cảnh cực kỳ khó khăn như hiện của thị trường bất động sản, tôi vẫn thấy rất nhiều các bạn môi giới bám trụ nghề. Hằng ngày các bạn vẫn gắng sức trên hành trình nghề nghiệp của mình”.
Nói về lý do, ông Lâm cho rằng, có lẽ do những môi giới này có sự can đảm và yêu nghề thực sự.
Theo vị Phó Chủ tịch Hội môi giới, lúc này, có nhiều doanh nghiệp môi giới bất động sản gặp khó khăn. Trong đó, tinh gọn bộ máy vận hành, có nhiều công ty giảm đến 60-70% nhân sự, số còn lại chuyển sang CTV hoặc giảm lương, chính sách ... để cố gắng vượt qua thử thách. Doanh thu các công ty môi giới đang giảm mạnh, trung bình mức giao dịch rơi vào khoảng 20% so với mức trung bình hàng tháng /theo dự án. Đặc biệt khó khăn là việc chậm phí môi giới của chủ đầu tư, chính việc chậm phí môi giới này đã làm cho các bạn môi giới đã vất vả thì càng khó khăn hơn gấp nhiều lần.
“Và trong bối cảnh hiện nay, nhiều dự án chậm tiến độ, không thực hiện đúng cam kết thì khách hàng cũng phản ánh/ tương tác với các bạn môi giới, có nhiều trường hợp ghi nhận là áp lực không chịu nỗi phải xin nghỉ/chuyển nghề khác”, ông Lâm nhấn mạnh.
Theo ông Lâm, những môi giới trụ được với nghề hiện nay đều can đảm và yêu nghề thực sự. Ảnh: Hạ Vy
“Trước đây, rất nhiều quan điểm nhận định, nghề môi giới bất động sản rất dễ tham gia, dễ làm và kiếm tiền nhanh. Tôi luôn trăn trở, từ phương diện cá nhân, luôn khao khát một môi trường ngày càng chuyên nghiệp, giá trị công sức của các nhà môi giới được đánh giá cao, và là một trong những nghành có điều kiện. Dù giờ đây có luật quy định phải có chứng chỉ môi giới là một bước tiến, nhưng để cả thị trường vận hành chuyên nghiệp thì cần một hành trình dài với nhiều sự nỗ lực của nhiều bên”, ông Lâm chia sẻ.
Nhớ về thời kì bất động sản khó khăn, môi giới bỏ nghề, ông Lâm chia sẻ, thời kỳ 2008, lúc đó, thị trường cũng rơi vào vùng khủng hoảng, sau hơn nữa năm hoặc non một năm, gần như mọi người chuyển nghề, chỉ có số ít bám trụ, trong đó có tôi. Lúc này đây, các bạn môi giới cũng vô cùng khó khăn, chỉ có các bạn đang làm nghề mới có thể thấu hiểu được những khó khăn đó tới mức nào. Thực tế, rất nhiều bạn vì mục tiêu lớn hơn, sẵn sàng đầu tư chi phí vào các kênh marketing để tăng thêm khách hàng, để tiến đến giao dịch thành công cũng là hành trình dài đầy thử thách mới bán được. Tuy nhiên, việc nhận phí môi giới cũng không hề thuận lợi.
“Lúc này đây, những người tạm bợ sẽ rời nghề môi giới bất động sản, chỉ còn lại những bạn thật sự “chọn nghề”. Cho nên, cần công tâm nhìn nhận giá trị của các bạn một cách nghiêm túc hơn”, Phó Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam nhấn mạnh.