Masan MEATLife và áp lực cạnh tranh "miếng bánh 10 tỷ USD" trên thị trường thịt heo

Với mảng thịt mát tăng trưởng rất nhanh và trở thành một trong những động lực tăng trưởng doanh thu chính, Masan MEATLife đang dần hiện thực hóa mục tiêu chiếm lĩnh 10% thị phần mảng thịt heo 10 tỷ USD của Việt Nam.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Doanh thu từ thịt mát ngày càng tăng trưởng

Quý 4/2022, Masan MEATLife (MML) đạt doanh thu thuần tăng trưởng lên 1.553 tỷ đồng, doanh thu năm 2022 đạt 4.785 tỷ đồng, tăng 6,7% so với năm 2021.

Doanh số bán hàng cao nhờ vào chiến lược thu hẹp khoảng cách về giá giữa thịt mát MEATDeli và thịt tại chợ truyền thống từ mức 40% vào đầu năm 2022 xuống chỉ còn 20% từ tháng 5/2022. Nhờ đó, sản lượng thịt mát bán ra trong nửa cuối năm 2022 tăng 30% so với nửa đầu năm.

Trong quý 4/2022, EBITDA của MML âm nhẹ do biên lợi nhuận gộp của mảng trang trại giảm từ 33,9% trong quý 3/2022 xuống 11,4% trong quý 4/2022.

Mặt khác, biên lợi nhuận gộp mảng thịt heo có thương hiệu cải thiện từ mức -5,1% trong quý 3/2022 lên 7,8% trong quý 4/2022.

Tính từ năm 2021 đến nay, tỷ trọng doanh thu thuần của Masan MEATLife trong cơ cấu doanh thu của Tập đoàn Masan có xu hướng giảm, từ mức 19% ở quý 1/2021 đến quý 4/2022 còn 7%. Nguyên nhân có sự sụt giảm là vì từ cuối năm 2021, Tập đoàn đã không còn mảng thức ăn chăn nuôi. Tuy nhiên kể từ quý 1/2022 đến hết quý 4/2022, tỷ trọng doanh thu của MEATLife tăng từ mức 4% lên 7% trong quý 4/2022.

Năm 2023, MML cho biết sẽ tiếp tục mở rộng mạng lưới phân phối ngoài hệ thống WinCommerce. Doanh thu Masan MEATLife (MML) dự phóng đạt từ 8.500 - 9.000 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng từ 78% đến 88% so với cùng kỳ năm trước.

Dần hiện thực hóa mục tiêu chiếm lĩnh 10% thị phần mảng thịt heo 10 tỷ USD

Từ cuối năm 2018, MML tung ra thị trường sản phẩm thịt MEATDeli - sản phẩm thịt mát lần đầu tiên được giới thiệu tại Việt Nam, được sản xuất trong mô hình chăn nuôi khép kín từ thức ăn chăn nuôi - chăn nuôi - thực phẩm (3F).

Bước đi này được coi là đón đầu nhu cầu về các sản phẩm thực phẩm cao cấp đang tăng trưởng mạnh mẽ ở Việt Nam nhờ thu nhập hộ gia đình cao hơn, ý thức về sức khỏe và những thay đổi trong lối sống hiện đại.

Với việc tiên phong trong việc xây dựng thương hiệu thịt một cách bài bản, lãnh đạo Masan MEATLife từng chia sẻ mục tiêu sẽ chiếm lĩnh 10% thị phần mảng thịt heo 10 tỷ USD của Việt Nam trước năm 2025.

Mục tiêu này không phải là không có cơ sở khi dân số Việt Nam với 90 triệu người là thị trường rất lớn và dân số trẻ, sẵn sàng chi tiêu cho thực phẩm sạch, an toàn sẽ là thị trường lớn cho MML.

Ngoài kỳ vọng từ thị trường, việc là công ty con của Tập đoàn Masan cũng được đánh giá là một lợi thế lớn của MML nhờ tận dụng giá trị thương hiệu và kết nối chuỗi giá trị của Tập đoàn, nhất là từ khi Masan nhận chuyển nhượng Vincommerce - đơn vị sở hữu chuỗi siêu thị và cửa hàng tiện lợi Vinmart và Vimart+ (nay là Wincommerce với chuỗi Winmart và Winmart+) trong năm 2019, MML đã nhanh chóng mở rộng điểm phân phối nhờ việc đẩy mạnh đưa sản phẩm vào chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện lợi này thay thế sản phẩm thịt của các thương hiệu khác.

Theo BCTC của Masan cho biết, quý 4/2022 và cả năm 2022, Wincommerce đã mở mới lần lượt 253 và 730 cửa hàng WinMart+, nâng tổng số WinMart+ lên 3.268 cửa hàng, như vậy đồng nghĩa với việc thương hiệu MEATDeli đã có mặt ít nhất tại 3.268 điểm bán trong cả nước.

Áp lực cạnh tranh lớn

Thực tế cho thấy, dù mảng thịt của MML đã tăng trưởng rất nhanh và trở thành một trong những động lực tăng trưởng doanh thu chính của công ty thời gian qua, nhưng có thể thấy, MML đang phải chịu áp lực cạnh tranh ngày càng gia tăng trên thị trường.

Đặc biệt, dù đã thực hiện chiến lược thu hẹp khoảng cách về giá giữa thịt mát MEATDeli và thịt tại chợ truyền thống tuy nhiên thói quen mua thịt nóng tại chợ truyền thống vẫn đang là xu hướng chính của người tiêu dùng Việt Nam.

Theo khảo sát, các loại thịt heo mát của MEATDeli hiện được bán với giá trong khoảng 87.920 - 142.320 đồng/kg, trong đó các loại đang được giảm giá 20% theo chương trình ưu đãi cuối năm.

Cụ thể, thịt đùi heo, chân giò rút xương và nạc vai heo đang có giá tương ứng với mức 105.520 đồng/kg, 110.320 đồng/kg và 113.520 đồng/kg. Thấp nhất là giá của sản phẩm thịt heo xay loại 1 đạt 87.920 đồng/kg trong khi cao nhất là giá ba rọi heo đạt 142.320 đồng/kg.

Trong khi đó tại chợ truyền thống, các loại thịt giá có phần thấp hơn khi dao động từ 80.000-110.000 đồng/kg. Cụ thể, ba rọi khoảng 115.000 đồng/kg, nạc vai, nạc đùi đang ở mức 90.000 - 110.000 đồng/kg, thịt xay 80.000 đồng/kg. Như vậy, riêng sản phẩm ba rọi heo, thịt heo mát của MEATDeli giá bán cao hơn khoảng 30%, là khoảng cách khá lớn.

Ngoài cạnh tranh với phân khúc chợ truyền thống thì với tiềm năng từ thị trường, ngày càng nhiều "ông lớn" trong và ngoài nước tham gia đầu tư vào ngành thịt nói riêng để giành lấy thị phần như CP Food, Vissan, Dabaco, Hòa Phát, Hoàng Anh Gia Lai...

Vì thế để có thể đạt được mục tiêu 10% trước năm 2025 MML sẽ phải trải qua cuộc cạnh tranh vô cùng gay gắt, thậm chí phải "đốt tiền" để hạ giá bán và vẫn giữ được chất lượng sản phẩm.

Theo Lao động Công đoàn

Đọc tiếp

Dự án Đà Nẵng Times Square đủ điều kiện huy động vốn

Dự án Đà Nẵng Times Square đủ điều kiện huy động vốn

Sở Xây dựng TP.Đà Nẵng yêu cầu chủ đầu tư dự án là Công ty cổ phần Kim Long Nam, chịu trách nhiệm về tính chính xác về thông tin và hồ sơ gửi kèm. Đồng thời, phải sử dụng nguồn vốn đã huy động vào đúng mục đích xây dựng nhà ở thương mại tại dự án tháp CT3 và CT7 - Đà Nẵng Times Square.

Nhịp cầu doanh nghiệp

Chat với BizLIVE