Tập đoàn Hoà Phát (mã HPG) mới công bố báo cáo tài chính quý III/2024 với doanh thu thuần tăng 19% so với cùng kỳ năm 2023, đạt gần 34.000 tỷ đồng. Doanh thu sau 9 tháng đầu năm 2024 tăng 23%, hoàn thành 75% kế hoạch.
9 tháng năm 2024, Hòa Phát sản xuất 6,4 triệu tấn thép thô, tăng 34% so với cùng kỳ 2023. Sản lượng bán hàng thép các loại (chưa bao gồm sản phẩm ống thép, tôn mạ) đạt 6,1 triệu tấn, tăng 32%.
Trong đó, thép xây dựng, thép chất lượng cao đóng góp 3,3 triệu tấn, tăng 29%. Thép cuộn cán nóng (HRC) đạt 2,27 triệu tấn và phôi thép đạt 505.000 tấn. Đối với các sản phẩm thép hạ nguồn, Ống thép đạt 503.000 tấn, tăng 3% so với cùng kỳ 2023. Tôn Hòa Phát đạt sản lượng 344.000 tấn tăng 43% so với cùng kỳ, vượt số cả năm 2023 (329.000 tấn).
Sau khi trừ các chi phí, Hòa Phát lãi sau thuế 3.022 tỷ đồng trong quý III, tăng 51% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế luỹ kế 9 tháng đạt 9.210 tỷ đồng, tăng 140% so với cùng kỳ 2023 qua đó hoàn thành 92% mục tiêu đề ra.
Trong báo cáo mới phát hành về HPG, Chứng khoán BIDV (BSC) đưa ra dự báo, doanh thu thuần của HPG năm 2024 đạt 139.664 tỷ đồng và lãi sau thuế trừ lợi ích cổ đông thiểu số đạt 12.300 tỷ đồng, lần lượt ghi nhận tăng 17% và 80% so với cùng kỳ.
Sang năm 2025, BSC dự báo HPG ghi nhận doanh thu thuần đạt 176.701 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế công ty mẹ đạt 16.084 tỷ đồng, tương ứng tăng trưởng lần lượt 27% và 31% so với cùng kỳ năm trước.
Những yếu tố tác động đến HPG được BSC chỉ ra, đó là khả năng Bộ Công Thương sẽ thông quá áp thuế chống bán phá giá đối với HRC từ Trung Quốc từ quý II/2025 tạo điều kiện để HPG lấy thêm được thị phần.
Theo ước tính của BSC, nhu cầu tiêu thụ HRC của Việt Nam vào khoảng 12-13 triệu tấn/năm, cao hơn 33% so với tổng công suất hiện tại của HPG và Formossa (9 triệu tấn/năm). Thị trường Việt Nam đang thiếu 3 – 4 triệu tấn/năm.
Về giá thép, BSC cho biết, giá thép hiện đang biến động tại cuối chu kỳ ngành thép, dự kiến tạo đáy trong ngắn và trung hạn (3-6 tháng tới).
Hồi giữa năm, Chính phủ Trung Quốc đưa ra các tiêu chuẩn chất lượng mới cho thép thanh cộng thêm việc một số quốc gia khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với thép Trung Quốc.
Điều này đã tạo ra một đợt xả hàng tồn kho từ đại lý, tạo áp lực giảm giá. BSC đánh giá đợt điều chỉnh này chủ yếu đến từ áp lực hàng tồn kho trong xã hội (không phải ở nhà máy), do đó mang tính điều chỉnh ngắn hạn.
“Với việc giá thép đã tạo đáy, BSC cho rằng kết quả kinh doanh của HPG sẽ dần cải thiện trong thời gian sắp tới nhờ biên lợi nhuận gộp phục hồi trong môi trường giá thép và giá nguyên vật liệu ổn định hơn”, báo cáo nêu.
Theo nhóm phân tích BSC, HPG sẽ đẩy được sản lượng thép từ các nhà máy Dung Quất 1, Hải Dương, Hưng Yên và dự án Dung Quất 2 nhờ (1) chi phí sản xuất cạnh tranh, (2) lợi thế về hệ thống phân phối lớn, (3) Việt Nam thông qua áp thuế chống bán phá giá.
Tuy nhiên, biên lợi nhuận có dấu hiệu chững lại ở mức 12% -13% từ quý IV/2023 – quý III/2024. Khả năng mở khóa biên lợi nhuận sẽ phụ thuộc vào 3 yếu tố:
Thứ nhất, sản lượng thép nội địa phục hồi do thị trường Bất động sản nội địa Việt Nam phục hồi. Hiện tại, HPG đang đẩy 30% sản lượng thép dài qua kênh xuất khẩu. Trong trường hợp thị trường nội địa phục hồi, HPG có thể linh hoạt chuyển từ kênh xuất khẩu sang kênh nội địa vốn có biên lợi nhuận gộp cao hơn. BSC ước tính tỷ suất lợi nhuận kênh xuất khẩu là 8-9%, trong khi kênh nội địa là 18-20% trong giai đoạn bình thường.
Thứ hai, Việt Nam thông qua áp thuế chống bán phá giá thép HRC từ Trung Quốc và Ấn Độ. Hiện tại, thép HRC Việt Nam đang chịu ảnh hưởng từ tình trạng bán phá giá của Trung Quốc. Trong trường hợp thuế CBPG được thông qua, BSC cho rằng biên lợi nhuận gộp của HPG cũng được cải thiện nhờ (1) môi trường kinh doanh ít cạnh tranh hơn, (2) HPG đẩy mạnh kênh nội địa thay vì xuất khẩu.
Thứ ba, giá thép thế giới tích cực do thị trường bất động sản Trung Quốc quay trở lại.