Sáng nay (13/1), Cổng thông tin Chính phủ đã tổ chức tọa đàm: "Tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và triển vọng năm 2023".
Tham dự tại toà đàm trên, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho biết, thị trường bất động sản (BĐS) hiện nay đang rất khó khăn và khó khăn lớn nhất là vướng mắc về pháp lý chiếm 70% khó khăn của các doanh nghiệp BĐS, các dự án BĐS. Khó khăn tiếp theo là vướng mắc, bất cập trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Rồi việc tiếp cận nguồn vốn trái phiếu doanh nghiệp đang gặp rất nhiều vướng mắc.
Theo ông Chủ tịch HoREA, chẳng những doanh nghiệp khó tiếp cận tín dụng, kể cả người mua nhà, nhà đầu tư cũng khó tiếp cận tín dụng. Thậm chí, có những hoàn cảnh trớ trêu là ngân hàng đã ký hợp động tín dụng rồi nhưng dừng giải ngân khiến cả doanh nghiệpvà khách hàng đều gặp khó khăn lớn.
Do đó, ông Châu đề nghị Ngân hàng Nhà nước quan tâm chỉ đạo tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng, bởi vì ngày 5/12 mới công bố nới room tín dụng lên 1,5-2% nhưng thực chất, đến hết 31/12/2022, theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước có thể mức tăng trưởng tín dụng toàn năm 2022 chỉ đạt 14,5%.
Điều đó có nghĩa còn khoảng 1,5-2% mà trần tín dụng được nới room không được đưa vào nền kinh tế. Điều này nghĩa là sử dụng nguồn vốn không được kịp thời, không được hỗ trợ cho nền kinh tế như kỳ vọng của Chính phủ.
Trước trao đổi của ông Châu, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, việc tăng room tín dụng 14% Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh và phân bổ chỉ tiêu là rất cần thiết.
Theo ông Hùng, một bài học minh chứng nhất trong thời gian vừa qua là Ngân hàng Nhà nước rất bản lĩnh khi giữ được room tín dụng 14%, trong bối cảnh nguồn vốn huy động bằng 50% tốc độ tăng trưởng tín dụng.
“Nếu không kiên định như vậy thì sau sự cố trái phiếu và SCB, liệu hệ thống ngân hàng thế nào? Phải bảo đảm ổn định hệ thống, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Khi đã ổn định rồi, tình hình thanh khoản các tổ chức tín dụng ổn định thì ngân hàng mới xem xét tiếp tục bơm vốn. Việc xử lý room tín dụng thời gian qua là phù hợp. Ban lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước rất kiên định và bản lĩnh”, ông Hùng nói.
Đề cập đến việc tại sao các ngân hành thương mại lớn (Công thương, Ngoại thương, Đầu tư, Nông nghiệp) không được cho vay nhà ở xã hội, ông Hùng cho rằng, do không có vốn để cho vay, họ không được phép chứ không phải là bỏ rơi mà ai có nhu cầu đến Ngân hàng Chính sách xã hội để tiếp cận. Vì vậy, đặt vấn đề sửa đổi thông tư cho phù hợp.
Những dự án ngân hàng cho vay, các dự án điều chỉnh, thay đổi đã làm giai đoạn đầu rồi vẫn điều chỉnh, bổ sung, chưa hoàn thiện thủ tục pháp lý bổ sung cho nên mới dẫn đến việc vốn bỏ vào rồi sẽ rất khó, các thủ tục pháp lý khác không làm được và như thế không thể bơm thêm vốn được.
Theo ông Hùng, các tổ chức tín dụng cũng rất mong muốn được hoàn thiện để đầu tư tiếp, để hoàn chỉnh dự án, bán và thu hồi nợ. Hiện nay vốn đối với doanh nghiệp bất động sản, không có văn bản nào quy định là ngân hàng trong nước cấm cho vay bất động sản nhưng vẫn lưu ý, cho vay bất động sản là lĩnh vực rủi ro nên phải thận trọng, tức là phải rà soát, xem xét những dự án thực sự hiệu quả, dự án nào đáp ứng được thị trường, dự án đầy đủ tính pháp lý.
Thứ ba là cơ cấu nợ, điều chỉnh kỳ hạn nợ, giữ nguyên nhóm nợ lại được vay tiếp. Thống đốc cũng triệu tập các ngân hàng lên bàn và nghiên cứu, đánh giá thực chất thị trường cho vay bất động sản để đề ra giải pháp trước khi gặp gỡ các doanh nghiệp sau Tết.
“Vấn đề ở đây là vướng mắc khó khăn gì, các tổ chức tín dụng có muốn cho vay tiếp không? Các tổ chức cho vay rồi rất muốn cho vay tiếp và muốn thị trường bất động sản khơi thông để dòng vốn luân chuyển và thu hồi được nợ”, ông Hùng khẳng định.
Theo ông Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, vấn đề nữa đặt ra là thị trường tiền tệ, thị trường vốn rất kỳ vọng điều chỉnh cho hoàn thiện để các doanh nghiệp có thể lại phát hành được trái phiếu bổ sung vốn đầu tư lĩnh vực bất động sản.
“Ngành ngân hàng hết sức thận trọng và chúng tôi cho rằng cũng phải cảnh báo các tổ chức tín dụng nếu không cẩn thận lại bơm vốn tín dụng vào để bù đắp cho phần đến hạn của trái phiếu doanh nghiệp. Điều đó cực kỳ nguy hiểm trong kiểm soát tài sản”, ông Hùng nói.