Năm 2022, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã có tới 7 lần tăng lãi suất, kéo lãi suất tăng một mạch từ 0% lên 4,25% - 4,5%/năm. Việc tăng lãi suất dồn dập đã làm cho đồng USD tăng giá mạnh. Chỉ số US Dollar Index (DXY) đã từng leo lên mức đỉnh hơn 20 năm, quanh mức 115 hồi tháng 10.
Sức ép của việc đồng USD tăng giá đã khiến cho nhiều đồng tiền mất giá, trong đó, VND có lúc mất giá tới gần 10% so với USD vào đầu quý 4, trước khi hạ nhiệt dần từ cuối tháng 11 và trung bình cả năm 2022 tăng ở mức 3,55%, quanh mức lạm phát. Việc tỷ giá USD/VND tăng cao trong năm 2022 đã gia tăng rủi ro và ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp.
Lỗ tỷ giá hàng nghìn tỷ đồng
Theo một báo cáo của Công ty Chứng khoán Agribank (Agriseco), tỷ giá tăng có thể làm tăng đáng kể chi phí của các doanh nghiệp nhập khẩu nguyên vật liệu từ Mỹ, đặc biệt là các doanh nghiệp có tỷ trọng vay nợ USD cao trên tổng tài sản. Bởi việc huy động vốn vay USD với tỷ trọng lớn có thể khiến các doanh nghiệp chịu lỗ tỷ giá, theo đó làm tăng chi phí tài chính và làm lợi nhuận sau thuế giảm.
Thực tế, báo cáo tài chính quý 4 và cả năm 2022 của một loạt công ty có khoản vay ngoại tệ lớn hoặc các doanh nghiệp có chi phí đầu tư tài sản cố định cao như điện than, năng lượng tái tạo, sản xuất thép; hoặc lĩnh vực vận tải như vận tải dầu khí, vận tải hàng không… cho thấy những khoản lỗ nặng do tỷ giá.
Điển hình, trong nhóm vận tải hàng không, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, mã HVN) ghi nhận lỗ ròng về tỷ giá 1.484 tỷ đồng trong năm 2022, trong khi năm 2021 lãi ròng tỷ giá 553 tỷ đồng. Số lỗ ròng tỷ giá này cùng với lãi tiền vay tăng mạnh 33,7% lên 1.163 tỷ đồng đã làm đội chi phí tài chính cả năm của Vietnam Airlines lên gần 3.767 tỷ đồng và góp phần không nhỏ khiến hãng hàng không quốc gia phải ghi nhận tổng lỗ sau thuế 10.369 tỷ đồng.
Việc lỗ lớn và lỗ ba năm liên tiếp cũng đã khiến cổ phiếu HVN đứng trước khả năng hủy niêm yết trên sàn. Nếu báo cáo tài chính năm 2022 sau kiểm toán của Vietnam Airlines vẫn ghi nhận lỗ, việc hủy niêm yết sẽ là bắt buộc, theo quy định tại Nghị định số 155/2020/NĐ-CP.
Cơ cấu nợ bằng USD của một số doanh nghiệp niêm yết - theo số liệu cập nhật của VNDirect đến tháng 9/2022
Ở nhóm ngành điện, Tổng công ty Phát điện 3 (EVNGENCO3, mã PGV) ghi nhận lỗ ròng chênh lệch tỷ giá năm 2022 hơn 938 tỷ đồng, đối lập hoàn toàn với con số lãi gần 991 tỷ đồng năm 2021. Khoản lỗ tỷ giá này cộng với lãi tiền vay 1.576 tỷ đồng đã làm chi phí tài chính của EVNGENCO3 tăng gấp đôi năm ngoái lên 2.572 tỷ đồng và là nguyên nhân chính kéo giảm lợi nhuận sau thuế (LNST) của doanh nghiệp này còn 2.192 tỷ đồng, giảm 27,5% so với năm ngoái.
Một doanh nghiệp ngành điện khác là Nhiệt điện Hải Phòng (HND) với 100% dự nợ bằng đồng USD, năm 2022 doanh nghiệp ghi nhận lỗ ròng tỷ giá gần 61 tỷ đồng, trong khi năm ngoái lãi ròng tỷ giá hơn 53 tỷ đồng. Ngoài ra, một số doanh nghiệp khác trong nhóm ngành điện như Tổng công ty Điện lực dầu khí Việt Nam (POW), Tập đoàn PC1 (PC1) cũng ghi nhận lỗ tỷ giá lần lượt là 165 tỷ đồng và 138 tỷ đồng.
Ở nhóm ngành thép, khoản lỗ ròng chênh lệch tỷ giá lên tới 2.264 tỷ đồng trong năm 2022 cũng là một trong những nguyên nhân khiến lợi nhuận sau thuế (LNST) của Tập đoàn Hòa Phát (HPG) giảm mạnh xuống 8.444 tỷ đồng, giảm 76% so với năm ngoái. Trong năm qua, doanh nghiệp đầu ngành thép phải “gánh” khoản lỗ chênh lệch tỷ giá lên tới 3.875 tỷ đồng, trong khi khoản lãi chênh lệch tỷ giá chưa bằng một nửa (1.611 tỷ đồng).
Còn ở nhóm vận tải dầu khí, đại diện là Tổng CTCP Khoan và Dịch vụ dầu khí (PV Drilling, PVD) cũng có 100% dư nợ đều bằng đồng USD cũng “gánh” lỗ tỷ giá 133 tỷ đồng trong năm 2022, trong khi khoản lãi chênh lệch tỷ giá gần 93 tỷ đồng, nên vẫn lỗ ròng tỷ giá khoảng 40 tỷ đồng.
Kỳ vọng tỷ giá “hạ nhiệt” giảm gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp
Ngày 1/2 vừa qua, Fed đã quyết định nâng lãi suất quỹ liên bang thêm 0,25 điểm phần trăm, lên mức 4,5-4,75%. Đây là lần nâng lãi suất thứ 8 của Fed trong chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ bắt đầu vào tháng 3 năm ngoái. Bước nhảy của lần nâng này đánh dấu một nấc giảm tốc nữa kể từ khi Fed nâng lãi suất 0,5 điểm phần trăm vào tháng 12 năm ngoái sau 4 đợt nâng liên tiếp với bước nhảy 0,75 điểm phần trăm.
Tuy ở lần tăng lãi suất vừa qua, Fed vẫn chưa phát đi tín hiệu sớm kết thúc quá trình tăng lãi suất song nhiều dự báo cho rằng Fed sẽ ngừng chu kỳ tăng lãi suất vào giữa năm 2023, điều này sẽ giúp “hạ nhiệt” đồng USD.
Còn ở trong nước, giá trị đồng VND trên đà hồi phục trở lại từ cuối tháng 11/2022 và tiếp tục tăng trong tháng 1/2023. Tính đến 31/1/2023, đồng VND đã tăng 2,73% so với thời điểm cuối năm 2021, thu hẹp từ mức giảm 9,17 % cuối tháng 9/2022.
VND lên giá trở lại trong tháng 1/2023 - Nguồn: BSC
Trong báo cáo phân tích vĩ mô mới đây, Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) cập nhật, Ngân hàng Nhà nước đã bắt đầu mua vào ngoại tệ kể từ tháng 1/2023 và tính riêng trong tháng đầu năm Nhà điều hành đã mua thêm 2,78 tỷ USD. Theo đó, dự trữ ngoại hối hiện tại đạt khoảng 91,78 tỷ USD.
Trước đó, Công ty Chứng khoán Bản Việt (BVSC) nhận định, việc VND có diễn biến lên giá (so với đồng USD) trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước có động thái mua USD trở lại cho thấy áp lực tỷ giá đang có xu hướng giảm.
Các chuyên gia phân tích tại BVSC cho rằng, tỷ giá giảm kết hợp với các giải pháp kiểm soát chỉ số CPI những tháng đầu năm sẽ tạo cơ sở để kỳ vọng lãi suất ngân hàng giảm tiếp, Ngân hàng Nhà nước có thể nới dần chính sách tiền tệ. Lãi suất cần giảm và tỷ giá cần hạ nhiệt để giúp bức tranh tài chính, kinh doanh của doanh nghiệp bớt khó.
Theo dự báo của các chuyên gia tại Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), năm nay, tiền đồng sẽ không mất giá mạnh như năm 2022 bởi Fed dự kiến sẽ kết thúc chu kỳ tăng lãi suất vào giữa năm 2023; cùng với đó là trợ lực từ việc cán cân thanh toán cải thiện nhờ thặng dư thương mại; ngoài ra, chỉ số USD (DXY) được kỳ vọng đã lập đỉnh vào quý 4/2022 và xu hướng chủ đạo là giảm trong năm 2023. Do đó, VDSC kỳ vọng tỷ giá USD/VND dao động trong biên độ hẹp +/-3% trong năm 2023.
Đồng quan điểm, Công ty Chứng khoán VNDirect dự báo việc Fed giảm tốc độ tăng lãi suất và dự trữ ngoại hối của Việt Nam cải thiện sẽ chặn đà giảm giá của VND, đồng thời có khả năng tỷ giá cuối năm 2023 sẽ giảm 1-2%.
Theo đó, VNDIRECT kỳ vọng, dự trữ ngoại hối của Việt Nam sẽ phục hồi lên mức 3,3 tháng nhập khẩu và đạt 102 tỷ USD vào cuối năm 2023, từ mức 89 tỷ USD cuối năm 2022.