Khánh Hòa: Nhiều doanh nghiệp trả lương cao hơn mức tối thiểu vùng

Ngày 12/6, Chính phủ ban hành Nghị định 38/2022-NĐ-CP quy định về mức lương tối thiểu đối vùng. Theo đó, từ 1/7, mức lương tối thiểu theo tháng của 4 vùng tăng lên 6%. Ghi nhận tại Khánh Hòa, nhiều doanh nghiệp đã áp mức lương tối thiểu cao hơn mức quy định.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo đồng chí Ngô Anh Duyệt - Chủ tịch LĐLĐ TP. Nha Trang, các doanh nghiệp có tổ chức Công đoàn trên địa bàn TP đã trả lương cho người lao động cao hơn mức tối thiểu vùng. Điển hình như Công ty Cổ phần Thủy sản 584 NhaTrang, với mức lương bình quân từ 8 đến 9 triệu đồng/tháng; Công ty Cổ phần In và Thương mại Khánh Hòa mức lương bình quân 6 triệu đồng/tháng; Công ty TNHH MTV Sao Hôm Nha Trang chi trả mức lương bình quân từ 5 triệu đồng. Và nhiều doanh nghiệp khác, trả mức lương bình quân từ 4,5 đến 5 triệu đồng/tháng, cao hơn mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Chính phủ.

Còn đồng chí Trương Thị Thu – Chủ tịch Công đoàn các Khu Công nghiệp - Khu Kinh tế tỉnh Khánh Hòa cho biết: "Khi nhận được văn bản của LĐLĐ tỉnh về việc tổ chức tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn người sử dụng lao động và người lao động trên địa bàn triển khai thực hiện Nghị định số 38/2022/NĐ-CP, chúng tôi cũng đã triển khai đến các công đoàn cơ sở. Nhưng cơ bản là các doanh nghiệp đã sớm nắm bắt được quy định này và trước đó họ đã áp dụng mức lương cho người lao động cao hơn mức tối thiểu vùng.

Đồng chí Thu cũng cho biết thêm, các doanh nghiệp trong khu công nghiệp - khu kinh tế tỉnh lâu nay thường áp dụng mức lương cao hơn mức tối thiểu vùng mới thu hút, giữ chân được người lao động. Bởi trong điều kiện các doanh nghiệp ngày càng cạnh tranh về lao động và giá cả sinh hoạt tăng nhanh nên doanh nghiệp cần đảm bảo mức lương chấp nhận được để đảm bảo đời sống cho NLĐ.

Đồng thời, có những doanh nghiệp cũng trả lương và các chế độ khác cho người lao động khá cao. Đơn cử như Tập đoàn Hải Vương Group, đóng tại Khu công nghiệp Suối Dầu, xã Suối Tân, huyện Cam Lâm hiện có khoảng 3.000 người lao động, thu nhập bình quân của người lao động khoảng 9 triệu đồng/tháng. người lao động được Tập đoàn đào tạo kỹ năng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.

Người lao động Công ty TNHH Chế biến dăm gỗ Đại Hưng đã được chi trả mức lương cao hơn mức tối thiểu vùng. Ảnh: THANH THẢO

Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, còn một số doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh dẫn đến tình trạng nợ lương, nợ Bảo hiểm xã hội của người lao động.

Tại huyện Khánh Vĩnh, có 3 công đoàn cơ sở doanh nghiệp ngoài nhà nước. Các công ty đều trả mức lương cho người lao động cao hơn mức tối thiểu vùng. Đơn cử như Công ty TNHH Chế biến dăm gỗ Đại Hưng có 50 người lao động, mức lương Công ty chi trả cho người lao động thấp nhất là 4,5 triệu đồng, cao hơn mức lương tối thiếu vùng theo quy định của Nhà nước.

Đồng chí Lê Thị Thùy Vân - Chủ tịch Công đoàn Công ty cho biết, thời điểm này Công ty sẽ chưa điều chỉnh tăng lương cho người lao động. Ngoài mức lương trên, người lao động có thâm niên, tay nghề cũng được hưởng phụ cấp tùy vào vị trí công việc.

Chị Cao Thị Thanh Mai, công nhân Công ty chia sẻ: "Tôi làm việc ở huyện Khánh Vĩnh, ở đây mức lương tối thiểu vùng thuộc vùng IV, nếu tính theo Nghị định 38/2022-NĐ-CP được tăng 6% thì mức lương sẽ là 3,250 triệu đồng. Trong khi lương cơ bản hiện tại của tôi được Công ty trả là 4,5 triệu đồng/tháng, thêm phụ cấp theo sản phẩm 500 nghìn đồng/tháng. Là lao động nữ, không tăng ca, được làm việc gần nhà, với mức thu nhập như vậy, tôi thấy cũng đủ trang trải cơ bản chi phí sinh hoạt".

Trong khi đó, tại Huyện Cam Lâm thời qua số lượng các khu nghỉ dưỡng đẳng cấp phục vụ du khách trong nước và quốc tế tăng lên đáng kể. Điều này đã tạo cơ hội việc làm cho nhiều người lao động địa phương. Để giữ chân và cạnh tranh về lao động, các đơn vị đã chi trả lương theo mặt bằng chung và có thêm những chế độ chính sách ưu đãi.

Bà Cao Thị Mai Huệ, trợ lý nhân sự của Fusion Resort Cam Ranh khẳng định, mức lương phía Resort chi trả cho các nhân viên đã cao hơn rất nhiều so với mức lương vùng tối thiểu nên không có sự điều chỉnh theo Nghị định 38/2022-NĐ-CP.

"Mức lương nhân viên thấp nhất cũng từ 5 triệu đồng/tháng, chưa tính phí Service charge (khoản tiền phí phục vụ được tính thêm). Resort luôn có nhiều đãi ngộ tốt cho tất cả nhân viên, những nhân viên làm việc xuất sắc còn được nhận giấy khen và tiền mặt (áp dụng theo qui định của khu nghỉ dưỡng), tạo động lực cho họ thêm gắn bó với công việc", bà Mai Huệ cho biết.

Một số người lao động dù có mức lương cơ bản cao hơn mức lương tối thiểu vùng nhưng vẫn không đủ chi trả cho cuộc sống. Ảnh: THANH THẢO

Nhìn chung, các doanh nghiệp ở Khánh Hòa đã áp dụng mức lương cao hơn mức tối thiểu vùng cho người lao động. Tuy nhiên, với mức thu nhập bình quân từ 5 đến 10 triệu đồng/tháng như hiện nay, người lao động vẫn luôn lo ngại về việc không đảm bảo cuộc sống, nhất là khi giá cả các mặt hàng tăng, chi phí sinh hoạt tăng theo, nhiều người lao động còn phải trả chi phí khi thuê nhà trọ. Chưa kể, người lao động luôn là trụ cột chính để chăm lo cho cả gia đình với nhiều chi phí phát sinh.

Chị An Bình, nhân viên một khu nghỉ dưỡng tại Bãi Dài chia sẻ, lương cơ bản hiện tại của chị là 5,5 triệu đồng/tháng, được bao ăn trưa tại nơi làm nhưng tiền lương vẫn chưa đủ trang trải các chi phí sinh hoạt cho cả gia đình trong 1 tháng. Thế nên, lúc nào chị cũng chi tiêu tiết kiệm và lo lắng sẽ tiêu hết tiền lương. "Thu nhập chưa đủ để tích góp nên người lao động luôn lo lắng và mong được tăng lương, dù là tăng ít", chị Bình nói.

Theo Lao động Công đoàn

Đọc tiếp

Nhịp cầu doanh nghiệp

Ảnh minh họa

Dòng vốn FDI thúc đẩy nhu cầu tuyển dụng tăng cao

Sự tăng trưởng của dòng vốn FDI và các chính sách thân thiện với nhà đầu tư dành cho khu công nghiệp đã tạo điều kiện cho nhu cầu tuyển dụng tăng cao trong lĩnh vực sản xuất, kỹ thuật và bất động sản công nghiệp.
Chat với BizLIVE