Định vị thị trường
Tiếp nối phiên hồi phục của thị trường Mỹ từ cuối tuần trước, các thị trường chứng khoán châu Á khởi đầu tuần mới với sự tích cực đầy ấn tượng. Chỉ số NIFTY 50 của Ấn Độ đã tăng 3,1%, đồng thời lập kỷ lục mới trong khi TWSE (+1,71%), NIKKEI 225 (+1,13%), KOSPI (+1,74%) cũng đều tăng trên 1%.
Vận động của VN-Index hiện đã quay lại bám sát biến động khu vực nên kết quả giao dịch trong ngày đầu tuần cũng khá tương đồng. Chỉ số tăng 1,45% lên 1.280 điểm.
Chất xúc tác
Bước vào phiên giao dịch đầu tiên của tháng 6/2024, thông tin về chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam tháng 5/2024 là đáng chú ý nhất. So với tháng trước, chỉ số không thay đổi khi đạt 50,3 điểm, cho thấy các điều kiện kinh doanh của ngành vẫn tiếp tục duy trì sự hồi phục còn khá từ tốn.
Ngoài ra, biến động mạnh của giá vàng trong nước cũng có thể tạo ra sức hút cho thị trường chứng khoán. Giá vàng SJC hiện đã giảm xuống 81 triệu đồng/lượng, rút ngắn chênh lệch với giá thế giới xuống 9-10 triệu đồng/lượng.
Trên liên ngân hàng, tuần qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hút ròng 39.704,48 tỷ VND từ thị trường bằng kênh thị trường mở, khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố ở mức 81.766,82 tỷ VND và khối lượng tín phiếu lưu hành ở mức 76,290,0 tỷ VND. Theo ghi nhận, lãi suất liên ngân hàng ở kỳ hạn qua đêm (ON) đã tăng trở lại lên gần 4% sau khi có phiên xuống dưới 3%. Qua đó, cho thấy, lãi suất trên thị trường không dễ tạo ra một xu hướng giảm rõ rệt.
Trong khi đó, nhà đầu tư nước ngoài sau một tuần bán mạnh đã thu hẹp lại đáng kể đà bán trong phiên đầu tháng 6. Họ chỉ rút ra 243 tỷ đồng trên HOSE với MWG (-129 tỷ đồng), FPT (-101 tỷ đồng) là những cổ phiếu duy nhất bị bán ra trên 100 tỷ đồng.
Cùng với đó, tỷ trọng tham gia của khối ngoại đã thu hẹp khá nhanh xuống còn 7,17% ở 2 chiều mua/bán. Một phần nguyên do đến từ việc khối nội đã quay trở lại đẩy mạnh giao dịch. Mức khớp lệnh của HOSE nhanh chóng trở lại trên mức bình quân 20 phiên và tăng hơn 50% so với phiên ngày thứ Sáu.
Vận động thị trường
Một phiên giao dịch đồng thuận của thị trường chứng khoán Việt Nam và khu vực cũng đồng thời chứng kiến sự đồng thuận của các cổ phiếu Bluechips với nhóm Midcap và Penny.
Tại rổ VN30, có 29/30 mã tăng trong đó STB và POW tăng trần còn MBB, BCM, HDB, VIB, VRE, TPB, CTG, SHB, SSI tăng trên 2%. Vai trò dẫn dắt tâm lý có thể được thấy rõ hơn khi các mã "kiến tạo" điểm số nhiều nhất cho VN-Index đều là Ngân hàng như VCB (+1,1%), MBB (+3,9%), CTG(+2,2%), STB (+6,8%).
Trên toàn sàn, sắc xanh cũng lấn lướt với độ rộng đạt 73% số mã. Mặt bằng chung của các cổ phiếu Midcap và Penny tăng 2-4% như DIG (+2,88%), DCM (+3,6%), HAG (+3,45%), HCM (+2,25%), NLG (+2,27%), PC1 (+3,53%), PAN (+2,35%), NT2 (+2,39%), CII (+4%), VGC (+2,19%)… Đặc biệt, một số trường hợp kích hoạt được dòng tiền và tăng trần như IJC, DPM, CMG, PAC, CCL.
VN-Index khép lại phiên giao dịch với mức tăng 18,28 điểm lên 1.280 điểm (+1,45%). Tổng giá trị giao dịch của sàn vượt trên 1 tỷ USD, đạt 26.097 tỷ đồng.
Trên 2 sàn HNX và UPCoM, các điểm sáng giao dịch đến từ các cổ phiếu DHT (+5,2%), SHS (+2,7%), FOX (+14,9%), ACV (+7%). HNX-Index và UPCoM-Index tăng lần lượt 0,67% và 1,09%. Tổng giá trị giao dịch 2 sàn đạt 3.000 tỷ đồng.