Là ngân hàng đầu tiên chính thức công bố BCTC hợp nhất quý 1/2024, Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank, mã: SSB) ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 1.506 tỷ đồng, tăng gần 41% so với cùng kỳ năm 2023.
Tổng thu nhập hoạt động đạt 2.706 tỷ đồng, tăng 19,54%. Tổng doanh thu đạt 6.438 tỷ đồng, tăng 4,6%. Đồng thời, thu thuần ngoài lãi (NOII) của SeABank cũng ghi nhận con số tăng trưởng gần 51% so với cùng kỳ, đạt 705 tỷ đồng.
Tính đến hết 31/3/2024, tổng tài sản của SeABank là 271.614 tỷ đồng, tăng 2,06%, tương đương tăng ròng 5.492 tỷ đồng so với thời điểm 31/12/2023 và vốn điều lệ ngân hàng ở mức 24.957 tỷ đồng.
Dù chưa công bố BCTC chính thức, một số ngân hàng cũng đã "hé lộ" kết quả kinh doanh sơ bộ của quý đầu tiên tại Đại hội đồng cổ đông thường niên (ĐHĐCĐ).
Theo đó, ngày 4/4, tại ĐHĐCĐ Ngân hàng TMCP Á Châu (mã: ACB), trả lời câu hỏi của cổ đông về kết quả kinh doanh trong quý vừa qua, ông Trần Hùng Huy, Chủ tịch ACB cho biết, kết thúc quý 1, tăng trưởng tín dụng tại ACB đạt 3,7%, cao hơn gấp đôi so với mức tăng toàn ngành và cũng tốt hơn cùng kỳ. Huy động vốn tăng trưởng 2,1% trong đó huy động vốn CASA (tiền gửi không kỳ hạn trong tổng tiền gửi) tăng 6,4%, tỷ lệ CASA cải thiện từ 22% lên mức hơn 23%.
Lợi nhuận quý 1 của ACB dự kiến 4.900 tỷ đồng, mức này có giảm nhẹ, lý do là do trích lập dự phòng và có khoản thu bất thường từ xử lý nợ.
Cũng tại ĐHĐCĐ thường niên diễn ra vào ngày 2/4 vừa qua, ông Đặng Khắc Vỹ, Chủ tịch Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (mã: VIB) cho biết, lợi nhuận quý 1/2024 của VIB là 2.600 tỷ đồng trước thuế, tương đương cùng kỳ năm ngoái.
Về tỷ lệ nợ xấu, ông Vỹ cho hay, tỷ lệ nợ xấu cơ cấu theo Thông tư 02 của VIB đến thời điểm này đạt xấp xỉ 1.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 4% trên tổng dư nợ. Tỷ lệ nợ xấu của VIB cuối năm 2023 là 2,2% và hiện nay khoảng 2,4%, các biện pháp giảm nợ xấu đang được VIB thực thi.
Với các ngân hàng khác vẫn chưa công bố BCTC quý 1/2024, song mới đây, Chứng khoán MBS đã đưa ra dự báo lợi nhuận sau thuế của các ngân hàng theo dõi, qua đó nhận định nhiều nhà băng ghi nhận lợi nhuận tăng nhờ tín dụng tăng trưởng trong kỳ.
Cụ thể như Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV, mã: BID) lợi nhuận sau thuế quý 1/2024 được dự phóng tăng mạnh 17% so với cùng kỳ, chủ yếu nhờ có việc giảm chi phí trích lập dự phòng rủi ro tín dụng.
Hay Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank, mã:CTG) tăng trưởng tín dụng quý 1/2024 đạt 5%. NIM sẽ đi ngang so với quý 4/2023 đạt 2,9%. Thu nhập ngoài lãi tăng 12% nhờ hoạt động kinh doanh ngoại hối và thu phí.
Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank, mã: STB) được dự báo lợi nhuận tăng nhờ tăng trưởng tín dụng đạt 4% so với cuối năm 2023, NIM đi ngang so với quý 4/2023 đạt 3,6%.
Ngân hàng TMCP Quân Đội (MBBank, mã: MBB) tăng trưởng tín dụng trong quý 1/2024 được dự báo tăng khoảng 5% so với cuối năm 2023. NIM sẽ đi ngang so với quý 4/2023 đạt 4,3%. Thu ngoài lãi dự kiến sẽ tăng khoảng 12% so với cùng kỳ. Chi phí trích lập được dự báo tăng trưởng 10% so với quý 1/2023.
Trong khi Ngân hàng TMCP Phương Đông (mã: OCB) lợi nhuận sau thuế 2024 được dự báo đạt 5.403 tỷ đồng, tăng 29,3% so với cùng kỳ. Tăng trưởng tín dụng được kỳ vọng đạt 14,9% nhờ được dẫn dắt bởi mảng cho vay chủ lực là khách hàng cá nhân và doanh nghiệp nhỏ và vừa khi nhu cầu tín dụng cho 2 mảng này sẽ khả quan hơn. Ngoài ra, các hoạt động cho vay liên quan đến bất động sản cũng sẽ khả quan hơn.
Dự báo chung cho toàn ngành, MBS kỳ vọng lợi nhuận sau thuế của các ngân hàng theo dõi tăng 23,6% trong năm 2024 với 3 động lực chính là tăng trưởng tín dụng cao hơn của nhóm ngân hàng thương mại nhà nước, NIM tăng nhẹ hoặc đi ngang và sự phục hồi của thu nhập ngoài lãi nhờ hoạt động thu phí được phục hồi.