Chiều ngày 23/5, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã phát đi thông cáo về việc điều chỉnh giảm thêm một loạt mức lãi suất điều hành áp dụng từ ngày 25/5.
Cụ thể, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với tổ chức tín dụng giảm từ mức 6,0%/năm xuống 5,5%/năm. Lãi suất tái cấp vốn giảm từ mức 5,5%/năm xuống 5,0%/năm. Lãi suất tái chiết khấu giữ nguyên ở mức 3,5%/năm.
Trong khi đó, trần lãi suất đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ mức 5,5%/năm xuống 5,0%/năm. Trần lãi suất đối với tiền gửi bằng VND tại Quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô giảm từ mức 6,0%/năm xuống 5,5%/năm. Trần lãi suất đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giữ nguyên ở mức 0,5%/năm.
Đây là lần thứ ba trong 3 tháng qua NHNN giảm lãi suất điều hành. Trước đó, trong tháng 3 và tháng 4/2023, cơ quan này đã hai lần điều chỉnh một số chỉ tiêu lãi suất điều hành với mức giảm 0,5 - 1%/năm nhằm hỗ trợ nền kinh tế.
Cơ sở để tiếp tục hạ lãi suất cho vay
Hoạt động trong lĩnh vực sản xuất điện tử, ông Lại Hoàng Dương, Giám đốc Công ty cổ phần Truyền thông và Máy tính Thánh Gióng cho biết, trước tháng 3/2023, doanh nghiệp phải vay vốn với lãi suất ở mức 11-12%%/năm khiến giá của sản phẩm cao, trong khi lượng đơn hàng giảm xuống 20-30%.
Tuy vậy, khi lãi suất điều hành giảm liên tục trong tháng 3 và tháng 4 đã giúp giảm lãi suất cho vay xuống 9-9,5%, từ đó giá vốn của sản phẩm giảm, thúc đẩy tiêu thụ trong bối cảnh khó khăn lượng đơn hàng xuất khẩu và trong nước bị giảm sút.
Chính vì vậy, ngay sau khi có thông tin NHNN tiếp tục hạ lãi suất điều hành lần thứ ba, ông Dương rất vui mừng và kỳ vọng lãi suất cho vay sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới.
“Với mức lãi suất 9 -9,5% với doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế phát triển bình thường thì phù hợp. Song, thời điểm này khi đơn hàng giảm sút vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc, mọi chi phí đều phải cách giảm thì việc giảm lãi suất cho vay sẽ giúp doanh nghiệp có một khoản tiền dự trữ để duy trì sản xuất thời điểm này”, ông Dương nhìn nhận.
Ông Lại Hoàng Dương, Giám đốc Công ty Cổ phần Truyền thông và Máy tính Thánh Gióng
Đánh giá cao nỗ lực của ngành ngân hàng, PGS.TS Định Trọng Thịnh, giảng viên Học viện Tài chính cho rằng, việc giảm lãi suất là động thái khá “mạnh dạn” của NHNN trong bối cảnh thị trường tài chính biến động, đặc biệt, mặt bằng lãi suất thế giới được dự báo có thể còn tăng hết quý 2/2024.
"Đây là động thái điều hành thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng tại Chính phủ ban hành Nghị quyết 31/NQ-CP ngày 7/3/2023, giảm mặt bằng lãi suất cho vay, tăng khả năng tiếp cận vốn của người dân, doanh nghiệp, qua đó phục hồi tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh tình hình còn nhiều khó khăn"
Cũng theo ông Thịnh, việc giảm một số loại lãi suất điều hành tạo điều kiện để các ngân hàng thương mại (NHTM) tiếp tục giảm lãi suất huy động. Đây cũng là cơ sở để các NHTM hạ lãi suất cho vay. Từ đó, hỗ trợ một phần chi phí lãi suất, giúp giảm chi phí đầu vào chung của doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp vay nhiều đang gặp khó khăn về tài chính.
“Mức lãi suất cho vay với doanh nghiệp ngay trong tháng 6 có thể giảm tới 1%”, ông Thịnh kỳ vọng.
PGS.TS Định Trọng Thịnh, giảng viên Học viện Tài chính cho rằng
Cần những giải pháp tổng thể
Tuy nhiên, có một thực tế là ngay cả khi lãi suất ngân hàng giảm, việc tiếp cận vốn của doanh nghiệp vẫn không dễ dàng.
Trong bảng tổng hợp ý kiến của các hiệp hội gửi đến NHNN, các doanh nghiệp cho rằng, khó khăn phổ biến mà doanh nghiệp đang gặp phải, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa không tiếp cận được vốn vay.
Rất nhiều doanh nghiệp, không thể vay vốn ngân hàng vì không còn tài sản đảm bảo hoặc tình hình tài chính yếu kém. Nhiều doanh nghiệp không được giải ngân, chuyển nhóm nợ xấu. Nguyên nhân là do ngân hàng vẫn buộc phải bảo đảm khả năng thanh toán, tài sản thế chấp…. Đây là một trong những điều kiện rất khó cho doanh nghiệp mà cần có sự linh hoạt để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn về nguồn tài chính như hiện nay.
Vì vậy, ông Thịnh cho rằng, bên cạnh giảm lãi suất, NHNN cần chỉ đạo các NHTM rà soát lại toàn bộ thủ tục, điều kiện tín dụng, tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp, đẩy nhanh giải ngân gói hỗ trợ lãi suất và triển khai hiệu quả chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giúp doanh nghiệp giảm bớt khó khăn trước mắt…
Còn ông Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng, trong bối cảnh thanh khoản ngân hàng tương đối dồi dào, áp lực vốn không còn nhiều như trước nữa và lạm phát của 4 tháng đầu năm 2023 chưa tạo áp lực gia tăng lạm phát cả năm, việc điều chỉnh lãi suất giảm điều hành vừa hỗ trợ cho phục hồi tăng trưởng theo mục tiêu của Quốc hội và Chính phủ, cũng như cân đối với các chỉ số kinh tế vĩ mô khác.
Ông Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR)
Tuy nhiên, theo ông Việt, ngoài vốn, làm sao phục hồi cầu tiêu dùng, làm sao tìm được đơn hàng xuất khẩu, làm sao để tháo gỡ điểm nghẽn thể chế chính sách …là những yếu tố quan trọng để doanh nghiệp hồi phục và phát triển. Vì vậy, chính sách tiền tệ cần phải phối hợp đồng bộ với nhiều chính sách khác nhằm tạo ra những giải pháp tổng thể hỗ trợ doanh nghiệp.
Cụ thể, chính sách tiền tệ cần duy trì trạng thái “thích ứng” với hiện trạng của nền kinh tế có nhiều rủi ro, tiếp tục cân bằng giữa rủi ro tài chính với hỗ trợ phục hồi kinh tế, khơi thông sự luân chuyển của dòng vốn. Bên cạnh đó, cần quản lý thật tốt kỳ vọng lạm phát, chuẩn bị sẵn sàng các biện pháp dự phòng và hành động nhanh chóng và nhất quán nếu rủi ro lạm phát kỳ vọng tăng dần.
Ngoài ra, cần có những chính sách thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu, thậm chí triển khai “ngoại giao đơn hàng” như đã từng làm “ngoại giao vắc-xin”, tháo gỡ ách tắc đầu ra xuất khẩu.
Đặc biệt, ông Việt kỳ vọng gói giãn hoãn thuế vẫn bao gồm hỗ trợ giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT) phải được sớm phê duyệt, thực hiện nhanh và mạnh mẽ hơn nhằm kích cầu tiêu dùng hỗ trợ đầu ra cho doanh nghiệp.
“Chúng ta có 13 triệu lao động chính thức, dù thu nhập nhích lên nhưng vẫn thấp so với mức tăng chi tiêu. Sức ép tiêu dùng, chi tiêu của người lao động là rất lớn. Do đó chính sách giảm 2% VAT rất cần kéo dài. Chính sách nên duy trì như năm ngoái, hoặc ít nhất 6-9 tháng mới đủ tác động tới doanh nghiệp.”, ông Việt nêu rõ.
Cuối cùng, các ngành và các cấp cần thường xuyên cập nhật các chính sách và đặc biệt công bố các dữ liệu để các cơ quan, tổ chức nghiên cứu, tư vấn và phản biện chính sách cũng như báo chí có thể tham gia thực hiện đóng góp và dự báo tình hình kinh tế và có những góp ý điều chỉnh kịp thời các chính sách nhằm vừa ổn định kinh tế vĩ mô vừa đảm bảo mục tiêu phát triển và phục hồi tăng trưởng bền vững trong năm 2023.