Theo báo cáo tài chính quý II/2024, hầu hết mảng hoạt động của Saigonbank đều cho thấy sự thụt lùi. Cụ thể, thu nhập lãi thuần giảm 6% so với cùng kỳ, chỉ còn hơn 225,4 tỷ đồng.
Về các nguồn thu ngoài lãi ghi nhận, lãi từ hoạt động dịch vụ tăng nhẹ 1% đạt 9,8 tỷ đồng, lãi từ hoạt động động kinh doanh ngoại hối giảm 26% còn 4,5 tỷ đồng. Ngân hàng không ghi nhận hoạt động mua bán chứng khoán.
Riêng hoạt động khác thu được khoản lãi gần 23 tỷ đồng, gấp 2,5 lần cùng kỳ.
Trong khi đó, chi phí hoạt động lại tăng 6% so với cùng kỳ lên 142,3 tỷ đồng kéo theo lãi thuần từ hoạt động kinh doanh của ngân hàng giảm 9% xuống còn 120 tỷ đồng.
Tuy nhiên, nhờ cắt giảm mạnh chi phí dự phòng rủi ro tín dụng 59%, còn gần 21,8 tỷ đồng nên lợi nhuận trước thuế quý II/2024 của Saigonbank vẫn tăng trưởng 25% so với cùng kỳ, đạt hơn 98 tỷ đồng.
Trước đó, quý I/2024, Saigonbank ghi nhận lợi nhuận trước thuế chỉ đạt vỏn vẹn gần 68 tỷ đồng, giảm mạnh tới 35% so với cùng kỳ kéo theo lũy kế 6 tháng đầu năm, Saigonbank ghi nhận lãi trước thuế giảm 9%, đạt hơn 166 tỷ đồng.
Năm 2024, Saigonbank đề ra mục tiêu lợi nhuận trước thuế 368 tỷ đồng, tăng gần 11% so với kết quả 2023. Như vậy, sau 6 tháng Saigonbank mới chỉ thực hiện được 45% kế hoạch năm.
Tính đến hết tháng 6/2024, tổng tài sản của Saigonbank tăng nhẹ 3% so với đầu năm, lên mức 32.412 tỷ đồng. Cho vay khách hàng tăng 2% lên 20.319 tỷ đồng. Tiền gửi của khách hàng đạt 23.514 tỷ đồng, giảm nhẹ 0,2% so với thời điểm cuối năm ngoái.
Chất lượng tín dụng của Saigonbank cũng cho thấy sự đi xuống khi thuyết minh BCTC cho thấy, tổng nợ xấu của ngân hàng đến cuối tháng 6 đã ở mức 518 tỷ đồng, tăng 28%, trong đó nợ nghi ngờ tăng mạnh. Tỷ lệ nợ xấu/dư nợ tăng từ mức 2,03% hồi đầu năm lên mức 2,55% khi kết thúc quý II/2024.