Tăng hơn 22% nhưng BSR vẫn là cổ phiếu chưa bắt nhịp được sóng Dầu khí
Tuần vừa qua là tuần tăng điểm thứ 3 liên tiếp của BSR, qua đó đã giúp cổ phiếu này tăng hơn 22% từ đầu năm 2023.
Xét về thành tích tăng giá, BSR thực tế đã làm tốt hơn cả PVD (+16,5%), PVS (+20,1%) và xấp xỉ với PVB (+22,1%), những cổ phiếu tích cực nhất của sóng Dầu khí.
Tuy nhiên, xét về góc độ phân tích kỹ thuật, BSR chỉ gỡ lại những thiệt hại lớn của năm 2022 khi đã sụt giảm hơn 42%. Cho đến lúc này, BSR chưa lấy lại xu hướng tăng dài hạn và cần phải tăng thêm gần 20% mới chinh phục được đường MA200.
Trong khi đó, các cổ phiếu như PVD, PVS đều đã có xu hướng dài hạn và đang trong quá tích lũy một cách lành mạnh.
Vì vậy, BSR vẫn cần phải duy trì những nỗ lực bứt phá khỏi vùng giá 17.000 đồng/cổ phiếu để hướng tới kháng cự 19.000 đồng/cổ phiếu.
BSR đang làm việc với cơ quan quản lý để gỡ vướng mắc về điều kiện niêm yết trên HOSE
Trong những ngày qua, câu chuyện chuyển sàn của BSR đang được nhà đầu tư quan tâm. Theo đánh giá của CTCK Bảo Việt (BVSC), BSR đã đáp ứng 11/12 tiêu chí để có thể được niêm yết trên HOSE.
Tiêu chí còn thiếu là quy định về “Không có các khoản nợ phải trả quá hạn trên 1 năm tính đến thời điểm đăng ký niêm yết,….”, liên quan đến khoản vay quá hạn của CTCP Nhiên liệu Sinh học Dầu khí Miền Trung (công ty con của BSR).
Nhưng theo quy định về “nợ quá hạn trên 1 năm” thì chưa có hướng dẫn cụ thể việc xem xét nợ phải trả quá hạn trên báo cáo tài chính (BCTC) Công ty mẹ hay BCTC hợp nhất. Do đó, công ty hiện vẫn đang làm việc với cơ quan niêm yết để làm rõ điều kiện này. Nếu niêm yết thành công, đây sẽ là thông tin tích cực đối với cổ phiếu BSR trong trung và dài hạn khi có thể thu hút thêm sự chú ý từ các quỹ đầu tư nước ngoài.
Về hoạt động kinh doanh cốt lõi, BVSC đánh giá cao việc BSR đạt doanh thu cao nhất từ trước đến nay trong năm 2022, đạt 167 nghìn tỉ VNĐ (+65,3%). Sản lượng tiêu thụ đạt 7 triệu tấn (+9,3%), là mức tương đương trước dịch (xấp xỉ 107% công suất thiết kế). Trong đó, hai sản phẩm chủ lực của BSR là Diesel và xăng chiếm lần lượt 44,4% và 37,8% tổng doanh thu năm 2022.
Sự chênh lệch giữa giá của một thùng dầu và sản phẩm hóa dầu (crack spread) theo dự phóng nội bộ của BSR sẽ dao động trong khoảng 17-20 USD/thùng, giảm 50% so với năm 2022. Tuy vậy, mức này vẫn cao hơn khoảng 50% so với giai đoạn năm 2019-2020.
Trong khi đó, theo kế hoạch mỗi 3 năm, BSR sẽ thực hiện bảo dưỡng toàn bộ nhà máy để đảm bảo an toàn sản xuất cho doanh nghiệp. Công ty sẽ thực hiện bảo dưỡng trong vòng 52 ngày, khiến lượng thành phẩm giảm tương ứng khoảng 950 nghìn tấn (các nhà máy sẽ đóng cửa hoàn toàn nên không có thành phẩm trong giai đoạn này).
Với giả định nhà máy sẽ hoạt động 107% công suất trong những ngày còn lại, BVSC ước tính lượng thành phẩm BSR bán ra trong năm 2023 là xấp xỉ 6 triệu tấn (-14,5%). Việc bảo dưỡng theo kế hoạch sẽ được thực hiện vào khoảng tháng 4–5, do đó sẽ ảnh hưởng lớn tới kết quả kinh doanh trong Q2, khi có nền cao cùng kỳ.
Tuy nhiên kế hoạch bảo dưỡng có thể được hoãn sang năm 2024 nếu điều kiện thị trường thuận lợi hơn. Quyết định cuối cùng sẽ được đưa ra vào tháng 4. Nếu không thực hiện bảo dưỡng, lượng thành phẩm bán ra trong năm 2023 sẽ tăng thêm 20% so với kế hoạch.
Theo kế hoạch sơ bộ của doanh nghiệp, sản lượng sản xuất trong năm 2023 đạt 5,6 triệu tấn (-20%), doanh thu và LNTT đạt lần lượt 95 nghìn tỷ VNĐ (-43,1%) và 1.821 tỷ VNĐ (-88,3%). BVSC cho rằng kế hoạch này là hoàn toàn có cơ sở dựa trên các yếu tố về thị trường và tình hình hoạt động sản xuất của BSR.
Tuy nhiên, theo quan sát của BVSC, BSR thường đặt kế hoạch thận trọng hơn so với thực tế.
Kế hoạch hiện tại của công ty dựa trên giả định giá dầu thô sẽ duy trì ở mức 70 USD/thùng trong năm 2023 (trong khi thực tế tính đến hết 20/3, giá dầu brent vẫn duy trì ở mức 83 USD/thùng).
Theo quan điểm của BVSC, giá dầu sẽ giao dịch ở mức trung bình 85 USD/thùng trong năm 2023, giúp doanh thu của BSR cao hơn khoảng 10% so với kế hoạch đặt ra.